Sửa Luật dầu khí: Tăng ưu đãi trực tiếp để thu hút doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng mục đích sửa Luật lần này để tháo gỡ rào cản, vướng mắc và mở rộng phạm vi ưu đãi đối với các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
ĐBQH Phan Đức Hiếu trả lời phỏng vấn ở hành lang Quốc hội sáng 3/6 (ảnh: Minh Minh) ĐBQH Phan Đức Hiếu trả lời phỏng vấn ở hành lang Quốc hội sáng 3/6 (ảnh: Minh Minh)

Tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực dầu khí

Sáng nay (3/6), Quốc hội bàn về việc sửa đổi Luật Dầu khí.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về những điểm mới của dự án Luật này.

Ông Hiếu thông tin, một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này là nhằm tăng cường thu hút đầu tư để có những dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dầu khí cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động dầu khí đã và đang triển khai.

Theo đó, Luật Dầu khí (sửa đổi) ngoài việc được tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để phù hợp tình hình mới, còn được nâng cấp thêm, hướng đến cập nhật những quy định phù hợp thông lệ quốc tế, hình thành khung cơ chế nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Chia sẻ cụ thể hơn, vị đại biểu cho biết, một trong những mục tiêu và nội dung sửa đổi của Luật Dầu khí lần này là nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, làm cho dự án, hoạt động dầu khí được triển khai một cách có hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn về chi phí hành chính, chi phí thời gian. Đây là một trong những cơ chế ưu đãi, thông qua đó làm cho hoạt động dầu khí trong nước hấp dẫn hơn.

Đơn cử, dự thảo đã bắt đầu thiết kế những quy định cho dự án dầu khí theo chuỗi bao gồm rất nhiều hoạt động, nhằm giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính không cần thiết trong quá trình thực hiện và triển khai hoạt động dầu khí.

Thêm nữa, Luật lần này cũng được thiết kế để tăng cường các biện pháp ưu đãi trực tiếp cho các hoạt động đầu tư dầu khí.

"Ví dụ như hiện chúng ta đang thảo luận về thuế tối thiểu toàn cầu, tôi nhận thấy rằng lần này ban soạn thảo đã nghiên cứu nghiêm túc, bước đầu đưa ra một số cơ chế về ưu đãi đầu tư, có tính đến cạnh tranh với khu vực và thế giới như, đã giảm thuế dành cho các hoạt động đầu tư dầu khí tiệm cận với mức thuế trong khu vực; giảm thuế xuất khẩu đối với dầu khí để tăng tính cạnh tranh…", ông Hiếu thông tin.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, dự thảo Luật Dầu khí cũng đã thiết kế một cơ chế ưu đãi thuế đặc biệt, hướng đến sự linh hoạt hơn, phù hợp hơn với từng trường hợp, đối tác và trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Đặc biệt, theo vị đại biểu, một trong những nội dung sửa đổi của Luật lần này theo ông rất quan trọng, đó là đã làm hài hòa các quy định, đặc biệt quy định của Luật Dầu khí với các Luật có liên quan, trên nguyên tắc nếu quy định khác nhau thì áp dụng quy định của Luật Dầu khí.

"Tôi cho rằng, đây là nội dung rất quan trọng nhưng về mặt kỹ thuật cũng sẽ có những thách thức và ban soạn thảo cần rà soát, quy định càng chi tiết càng tốt, để Luật mang tính khả thi", ông Hiếu nói.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, giá dầu và nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, việc sửa đổi Luật Dầu khí sẽ tạo điều kiện đóng góp vào tăng trưởng, đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế, nhất là lĩnh vực năng lượng.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội)


PVN "sắm hai vai"

Với cương vị là Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đơn vị được giao thẩm định dự án Luật, ông Hiếu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần phải lưu ý thêm một số điểm như sau:

Thứ nhất là đẩy mạnh hoạt động điều tra cơ bản, vì điều tra cơ bản rất quan trọng nhằm phát hiện tối đa tiềm năng dầu khí.

"Trong dự thảo, phần các chính sách, biện pháp ưu đãi đầu tư trực tiếp tôi thấy chưa bao gồm hoạt động điều tra cơ bản. Tôi cho rằng, nên mở rộng phạm vi về biện pháp ưu đãi đầu tư, cho cả hoạt động về điều tra cơ bản nhằm tăng cường huy động các nguồn lực thực hiện hoạt động này", vị đại biểu lưu ý.

Thêm nữa, về cạnh tranh quốc gia nên nghiên cứu bổ sung thêm các biện pháp ưu đãi thuế dựa trên chi phí, để đảm bảo hoạt động mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đầu tư dầu khí.

Khi được hỏi về một điểm mới trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) là có sự phân định rạch ròi giữa doanh nghiệp nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động dầu khí, ông Hiếu nói rằng, vai trò của cơ quan dầu khí quốc gia thì trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau. Hiện nay, như trong dự thảo chúng ta đang chọn một mô hình tương ứng với một số quốc gia trong khu vực, có nghĩa rằng cơ quan dầu khí quốc gia (ở đây là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN - PV) đóng hai vai trò:

Thứ nhất, như một doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh dầu khí.

Thứ hai, là một doanh nghiệp nhưng được ủy quyền thực hiện một số chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dầu khí.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lựa chọn mô hình như trong dự thảo thì có nên xem xét cơ chế để kiểm soát việc xung đột lợi ích hay không, bởi một cơ quan đang đồng thời thực hiện hai chức năng?, ông Hiếu nhận định, có thể dẫn đến xung đột lợi ích và có thể bị lạm dụng lợi ích khi họ được trao một số quyền.

"Đối với dự thảo này, tôi mong muốn cơ quan soạn thảo nên đánh giá rất kỹ lợi ích và chi phí của việc ta nên chọn mô hình nào trong giai đoạn hiện nay", vị đại biểu nói.

Sáng 3/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), khẳng định việc xây dựng luật là hết sức cần thiết, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 chương và 57 điều, trong đó có nhiều nội dung như: quy định về trình tự, thủ tục phê duyệt triển khai hoạt động dầu khí và dự án dầu khí; quyền và nghĩa vụ của nhà thầu và tập đoàn dầu khí Việt Nam…

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Dầu khí (sửa đổi). Theo kế hoạch, Luật này sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục