Sửa Luật Dầu khí: Cấp bách nhưng không thể sơ sài, mờ nhạt

0:00 / 0:00
0:00
Đồng ý trình Quốc hội Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tại kỳ họp gần nhất, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu hoàn thiện các chính sách mới, bởi Dự thảo còn quá sơ sài.
Toàn cảnh buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) Toàn cảnh buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Với 9 chương, 56 điều, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tuần qua đã được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thứ 10.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật), xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) là hết sức cần thiết. Mục tiêu đặt ra là tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Nếu chỉ dừng ở dự thảo hiện tại, thì mục tiêu này, theo nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là chưa đạt được. “Luật này quan trọng mà có mấy chục điều, nhiều đoạn lại là luật khung, luật ống nữa, tôi thấy nó sơ sài lắm”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét.

Liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí, một trong 6 nhóm chính sách lớn tại Dự thảo, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ thực tế đang có sự chia cắt ghê gớm, vậy lần sửa đổi này sẽ xử lý thế nào. Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao quyền toàn bộ các mỏ về than, kể cả mỏ than nâu ở Đồng bằng sông Hồng. Khu vực này có khí than, nhưng “PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PV) muốn nhảy vào để điều tra, thăm dò về khí than này thì chịu chết, vì đây là trách nhiệm của TKV quản lý khai thác”.

Trong khi chưa có luật nào điều chỉnh mâu thuẫn trong điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên, thì Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) chỉ “nói mỗi câu là được điều tra bằng vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn của các tổ chức và cá nhân”, Chủ tịch Quốc hội sốt ruột.

Tiếp theo, ông Vương Đình Huệ nêu hàng loạt câu hỏi: Điều tra cơ bản bao gồm nội hàm là gì? Lấy ngân sách nhà nước đảm bảo hoạt động nào để lôi cuốn, thu hút tư nhân vào đây? Dữ liệu liên quan đến hoạt động dầu khí được sử dụng thế nào? Nhà nước bỏ bao nhiêu tiền để khảo sát, điều tra cơ bản về dầu mỏ, nhưng các doanh nghiệp dùng cái này thì gần như cho không, thế có đúng không?

Nhiều vấn đề đặt ra như vậy, nhưng quy định về điều tra dầu khí tại Dự thảo lại chỉ có 3 điều, theo nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội, là rất mờ nhạt, không đủ rõ. Cũng mờ nhạt tương tự, theo nhận xét của Chủ tịch Quốc hội và một số ý kiến khác, là quy định về hợp đồng dầu khí, ưu đãi đầu tư và nhất là vai trò, địa vị pháp lý của PVN, đều là những nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng về phạm vi quyền gắn liền với giới hạn về nghĩa vụ, trách nhiệm của PVN trong từng vai trò cụ thể. Một là, nhà đầu tư dầu khí độc lập ký kết hợp đồng dầu khí. Hai là, thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.

“Trong đó, quy định rõ về trách nhiệm của PVN trong ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình triển khai hợp đồng dầu khí khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ, bảo đảm minh bạch trong quá trình thực hiện”, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ đã có văn bản tham gia với Bộ Công thương về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Về cơ bản, các ý kiến đã được tiếp thu, nhưng còn một số nội dung, trong đó có ý kiến liên quan đến vai trò của PVN thì chưa được tiếp thu.

Góp ý về quan điểm sửa đổi luật, trong đó có đề xuất mới về phân cấp, phân quyền cho PVN, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, không những cần minh bạch, rõ ràng, mà còn phải bảo đảm tính chặt chẽ, khắc phục các sơ hở, bất cập trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhấn mạnh hoạt động dầu khí thường gắn với lợi ích rất lớn, ông Cường góp ý, cần thiết kế các điều luật chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm đi đôi với tăng cường phân công, phân cấp là tăng cường việc kiểm soát. “Vừa rồi, một số vụ án, vụ việc liên quan đến PVN cũng đã minh chứng cho việc này”, ông Cường nói.

Thừa nhận những vấn đề rất căn bản được Chủ tịch Quốc hội và một số ý kiến khác nêu ra tại phiên thảo luận chưa giải quyết được một cách căn bản, song Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trình bày rằng, việc sửa luật rất cấp thiết. Vì luật hiện hành “vướng đến mức độ mấy năm không có một hợp đồng nào mới và thật sự không còn đủ hấp dẫn, bởi vì dầu khí không còn thời hoàng kim như cách đây 5, 10 năm”.

Vì thế, Bộ trưởng “xin được đi tiếp” và sẽ nghiêm túc thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình hoàn thiện Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Mục tiêu quan trọng là tạo động lực về thể chế

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN, trữ lượng dầu khí đã được xác minh của Việt Nam là khoảng 1,5 tỷ m3 dầu khí quy đổi, hiện mới khai thác khoảng 50%. Ngoài ra, còn khoảng 2 tỷ m3 dầu khí quy đổi ở khu vực tiềm năng.

“Chính vì thế, Tập đoàn cho rằng, một trong những mục tiêu rất quan trọng của việc sửa đổi Luật Dầu khí là tạo ra một động lực tiếp theo về mặt cơ chế, thể chế trong ngành dầu khí để thúc đẩy cho PVN cũng như ngành dầu khí của đất nước phát triển trong giai đoạn tới”, ông Hùng phát biểu tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục