Khó xoay xở trong “chiếc áo quá chật”
Trong số các dự án luật được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ tư (dự kiến khai mạc ngày 20/10/2022), Luật Dầu khí (sửa đổi) có thể nói đã tiến dần về đích khá thành công.
Sau khi cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 8/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận, về cơ bản, Dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ tư.
Để có được kết luận đó, từ dự thảo ban đầu được cho là quá sơ sài, mờ nhạt, quá trình hoàn thiện không hề dễ dàng; có những vấn đề, quan điểm của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra qua nhiều vòng chỉnh lý vẫn chưa thể trùng nhau hoàn toàn.
Và, “người trong cuộc” (hiểu theo nghĩa những người chịu tác động trực tiếp của việc sửa đổi Luật, đang công tác trong ngành dầu khí) vẫn mong rằng, các vị đại diện cho dân có trách nhiệm bấm nút thông qua Dự thảo Luật cũng như cử tri cả nước có thể thấu hiểu hơn những khó khăn của họ.
Trong một tọa đàm ở phạm vi tương đối hẹp cuối tuần qua, ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban, Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhấn mạnh chủ đề “Luật Dầu khí (sửa đổi) phục vụ mục tiêu phát triển”, có nghĩa là, sửa luật không chỉ cho riêng ngành dầu khí.
Nhưng, ông Dũng cũng nói rằng, với Luật Dầu khí hiện hành, thì “chiếc áo” của ngành kinh tế đang phát triển đồng bộ, chuỗi giá trị công nghiệp dầu khí đã đầy đủ như ngành dầu khí Việt Nam, đã trở nên chật chội.
“Chủ tịch Quốc hội trong nhiều phiên thảo luận đều nhấn mạnh, sửa đổi Luật Dầu khí để phát triển đất nước”, ông Dũng chia sẻ.
Đi sâu vào một số câu chuyện cụ thể, càng thấy rõ hơn sự mong đợi “chiếc áo mới” cho ngành dầu khí của “người dầu khí”.
“Trong 5 năm gần đây, ngành dầu khí, trong đó có Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) chỉ ký được 2 hợp đồng dầu khí”, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó tổng giám đốc PVEP chia sẻ bên lề tọa đàm.
Cũng là câu chuyện của PVEP, ông Lê Đắc Hóa, Giám đốc Dự án Lô 01-02 (PVEP) cho biết, hai lô này thuộc bể Cửu Long nằm ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam đang khai thác với 4 mỏ (Ruby, Pearl, Topaz và Diamond), 2 mỏ đã có phát hiện (Jade và Emerald) và một số cấu tạo tiềm năng.
Hợp đồng dầu khí (PSC) Lô 01-02 do Petronas Carigali Vietnam Limited (PCVL) là nhà điều hành đã hết hạn vào ngày 9/9/2017. PVN với tư cách là đại diện nước chủ nhà đã tiếp nhận tài sản và hoạt động dầu khí tại Lô 01-02 sau ngày hết hạn hợp đồng. Sau khi tiếp nhận, PVN và PVEP đã ký Hợp đồng thuê tạm thời điều hành hoạt động dầu khí Lô 01-02, theo đó, PVEP đã thành lập Ban Điều hành dự án để trực tiếp điều hành hoạt động dầu khí tại Lô 01-02 từ ngày 10/9/2017 tới nay.
Năm năm qua, việc thiếu cơ sở pháp lý và cơ chế rõ ràng cho Lô 01-02 sau khi hết hạn hợp đồng dầu khí ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai hoạt động cả về khía cạnh kỹ thuật, pháp lý và kinh tế.
Có những hợp đồng 5 năm chưa ký được
Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam phản ánh, có những hợp đồng dầu khí đã trình 5 năm, mà vẫn chưa ký được, do cách hành xử của các cơ quan có liên quan.
Vì thế, khi Luật Dầu khí mới được thông qua, ông Thập đề nghị, cần sớm ban hành hướng dẫn thực hiện, khắc phục được tình trạng nêu trên thì mới có thể đáp ứng được kỳ vọng của cả xã hội và doanh nghiệp.
Do PVEP không phải nhà đầu tư/nhà thầu dầu khí, không thể triển khai các hoạt động đầu tư, nên hoạt động dầu khí hiện tại chỉ dừng ở mức duy trì hoạt động khai thác an toàn tại các mỏ hiện có, không có đầu tư lớn (đầu tư Capex).
Bên cạnh đó, Hợp đồng thuê điều hành Lô 01-02 chỉ được gia hạn hằng năm, các hợp đồng phục vụ bảo trì, vận hành khai thác chỉ được ký ngắn hạn, không tận dụng được ưu thế như đàm phán ký kết các hợp đồng thương mại dài hạn, đặc biệt là hợp đồng thuê kho nổi chứa, xuất và xử lý dầu thô (FPSO) dài hạn - loại hợp đồng có giá trị lớn, thời hạn dài, có ý nghĩa sống còn trong việc duy trì khai thác và khai thác tận thu các mỏ, các phát hiện dầu khí và cấu tạo tiềm năng trong lô.
Ông Hóa nêu thực tế, những năm tới đây, sẽ có nhiều lô hợp đồng dầu khí hết hạn và được hoàn trả cho nước chủ nhà với trữ lượng dầu khí còn lại và sản lượng nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp, như các Lô 01-02, Lô 01-02/97 hay mỏ Sông Đốc. Thực tế đó đặt ra yêu cầu bổ sung vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) các quy định để đa dạng hóa hình thức hợp đồng dầu khí, không chỉ giới hạn ở hình thức truyền thống như hiện nay, mà cho phép áp dụng cả những hình thức khác (như hợp đồng cấp phép, hợp đồng dịch vụ điều hành phi lợi nhuận…) theo nguyên tắc đôi bên (Nhà nước và nhà đầu tư) cùng có lợi.
Chính sách mới ở mức khuyến khích, chứ chưa ưu đãi
Một trong những mục tiêu đặt ra khi sửa đổi Luật Dầu khí là góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, được lãnh đạo PVN đánh giá “nói chung là xấu”.
Theo đó, chính sách ưu đãi là nội dung được quan tâm để hiện thực hóa mục tiêu trên.
Là Ủy viên Thường trực của Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án Luật Dầu khí sửa đổi), đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, so với dự thảo ban đầu, thì cơ chế ưu đãi đã được bổ sung và theo đánh giá của Chính phủ, là đã có thể cạnh tranh được trong thu hút đầu tư.
Dự thảo Luật mới nhất đã quy định chính sách ưu đãi áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí được thực hiện thông qua hợp đồng dầu khí.
Theo đó, hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10% và mức thu hồi chi phí tối đa 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
Hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), theo ông Hiếu, cũng đã có nhiều cải cách về thể chế, tính toán rất nhiều đến cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt là ở khâu điều tra, thăm dò. “Đây cũng chính là ưu đãi và có thể còn hiệu quả hơn cả những ưu đãi được đong đếm bằng con số cụ thể”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, ông Hiếu thông tin, Dự thảo đã phân định rất rõ thẩm quyền, trước đây thì dồn rất nhiều quyền lên Thủ tướng Chính phủ, mà Thủ tướng Chính phủ cần có ý kiến của các bộ, ngành liên quan trước khi quyết định; nếu quan điểm của bộ, ngành không rõ và không thống nhất, thì sẽ mất rất nhiều thời gian.
Lần sửa đổi này, Dự thảo đã phân định rất rõ thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề quan trọng, còn lại xác định rõ thẩm quyền ở từng khâu thuộc trách nhiệm của bộ, PVN...
“Thủ tục hành chính đã được quy định theo chuỗi, hài hòa các thủ tục đầu tư, từ đất đai, xây dựng... Đây là cải cách thể chế rất quan trọng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Liên quan đến ưu đãi, trao đổi quan điểm cá nhân, ông Trần Hồ Bắc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) cho rằng, những quy định của Dự thảo Luật chỉ nên gọi là khuyến khích đầu tư, chứ không phải là ưu đãi đầu tư.
“Ở các nước khác, có hợp đồng chia sẻ rủi ro, còn với quy định tại Dự thảo, thì rủi ro nhà thầu chịu 100%. Những ưu đãi về thuế chỉ tiệm cận ở mức cạnh tranh với các nước khác, mà ở Việt Nam, để sửa luật mất cả chục năm, trong khi các nước khác họ có thể điều chỉnh rất nhanh”, ông Bắc đưa ra thông tin so sánh.
Kiến nghị nhiều lần về ưu tiên ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân trong nước
Cho biết, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) đã gửi hơn 300 ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Phó tổng giám đốc PTSC, ông Trần Hồ Bắc thông tin, khoảng 70 - 80% ý kiến đã được tiếp thu
Tuy nhiên, có một vấn đề đã kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được tiếp thu. Cụ thể, Điều 26 Luật Dầu khí hiện hành quy định: “Nhà thầu được quyền ký kết hợp đồng về dịch vụ dầu khí, nhưng phải ưu tiên ký kết những hợp đồng đó với tổ chức, cá nhân Việt Nam”.
“Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) không còn quy định nội dung này, PTSC vẫn kiến nghị giữ nguyên quy định nói trên, bởi các nước khác cũng đều có quy định về bảo hộ để bảo vệ các công ty trong nước”, ông Bắc nói.