Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi: Sàng lọc để loại “công nghệ bãi rác”

Cho ý kiến vào Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi cuối tuần qua, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến chính sách của Nhà nước với hoạt động chuyển giao công nghệ.
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải - TP.Hải Phòng đề xuất các nội dung chính sách về chuyển giao công nghệ cần được bao quát. Ảnh: Quochoi.vn Đại biểu Nghiêm Vũ Khải - TP.Hải Phòng đề xuất các nội dung chính sách về chuyển giao công nghệ cần được bao quát. Ảnh: Quochoi.vn

Ngăn công nghệ lạc hậu

Theo Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi, Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; ưu tiên chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia…

Đồng thời, Nhà nước khuyến khích đẩy mạnh chuyển giao công nghệ trong nước, chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; hạn chế, ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người.

Theo Đại biểu Lê Quang Trí, các chính sách khuyến khích trên vẫn chưa đủ, mà phải bổ sung chuyển giao công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, vì Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vấn đề này sẽ trở nên trầm trọng hơn trước việc Tổng thống Mỹ, ông Donand Trump vừa tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Phải bổ sung chuyển giao công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, vì Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu   

“Cần bổ sung khuyến khích công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu để có chính sách ưu tiên với các công nghệ sản xuất giống cây trồng chịu hạn, kháng mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp”, ông Trí đề xuất.

Công nghệ Việt Nam lạc hậu 2-3 thế hệ so với thế giới. Vì vậy, theo Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước, chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ, mà cần có chính sách thu hút công nghệ cao được chuyển giao từ nước ngoài vào.

Đồng tình với việc khuyến khích chuyển giao công nghệ, nhưng Đại biểu Châu Quỳnh Dao (tỉnh Kiên Giang) lo ngại, nếu không có cơ chế, chính sách bảo vệ, thì Việt Nam sẽ nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ bị lỗi của thế giới.

“Không ít doanh nghiệp trong nước bị gài mua công nghệ lạc hậu, lỗi thời, thiếu đồng bộ. Thậm chí, có doanh nghiệp biết là công nghệ lỗi thời, lạc hậu, nhưng vẫn nhập khẩu do tham giá rẻ”, bà Dao phát biểu.

Mấu chốt vẫn là nguồn nhân lực

Để tránh tình trạng Việt Nam có thể trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới, theo bà Dao, phải có chính sách khuyến khích phát triển các tổ chức, cơ quan trung gian thẩm định, kiểm tra công nghệ trước khi du nhập vào Việt Nam.

Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước phải liên tục cập nhật danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao. Muốn làm được điều này, cần có chính sách đào tạo, thu hút nhân lực đủ trình độ sàng lọc công nghệ cũ, “công nghệ bãi rác”.

Một quốc gia có thành công trong việc phát triển khoa học - công nghệ hay không, vấn đề mấu chốt vẫn là nhân lực. Ở góc độ nhà khoa học, PGS-TS Nguyễn Thị Lan (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội) nhấn mạnh tới thu hút nguồn nhân lực khoa học - công nghệ có chất lượng cao, được đào tạo bài bản từ các nước có nền khoa học tiên tiến, đang làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học nước ngoài.

“Chúng ta cần có chính sách trọng dụng hấp dẫn, thiết thực để thu hút lực lượng trí thức này, bởi đây là chìa khóa để phát triển khoa học - công nghệ nước nhà. Họ là những người nắm được bí quyết công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn”, bà  Lan nhấn mạnh.

Theo bà Lan, Nhà nước cũng phải có chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho một số viện nghiên cứu, tổ chức khoa học, công nghệ.

“Cần có chính sách và cơ chế đặc thù đối với các cơ sở khoa học trọng tâm, trọng điểm, thì Việt Nam mới tiếp cận và làm chủ được công nghệ mới”, bà Lan phát biểu.

Ý kiến của bà Lan đã nhận được sự đồng tình của GS-TSKH Nghiêm Vũ Khải (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng) khi ông cho rằng: “Phải có chính sách phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp, kỹ thuật viên lành nghề. Đây là lực lượng nòng cốt trong đổi mới sáng tạo, ươm tạo công nghệ, làm chủ công nghệ và đưa công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân”.

Nam Kinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục