Đêm ngày trăn trở
Bắt đầu sự nghiệp kinh doanh muộn màng, nhưng ngay từ khi bắt tay vào việc, doanh nhân Đỗ Chí Lệ đã chọn cho mình lối đi hướng tới các công trình xã hội dân sinh. Vì thế, những dự án sau đó của Công ty cổ phần Thành Đạt đều xuất phát từ những trăn trở của ông nhằm cải thiện cuộc sống của người dân quê.
Đó là những dự án biến các chợ cũ nhếch nhác, lầy lội thành những khu thương mại khang trang, sạch đẹp, văn minh; Dự án xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch để xóa cảnh người dân phải rửa mặt bằng nước ao quê tù túng; Dự án xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu “an cư” của người có thu nhập thấp...
Riêng các nhà máy xử lý rác không đụng đến thì thôi chứ đụng vào thì triệu USD còn là ít.
- Giám đốc Công ty cổ phần Thành Đạt Đỗ Chí Lệ.
Nhưng ông bảo, vẫn ăn chưa ngon, ngủ chưa yên khi chưa xử lý được một trăn trở đã theo ông bao năm ròng, đó là vấn nạn rác thải trước tốc độ phát triển kinh tế và gia tăng dân số chóng mặt.
“Điều cốt tử là chưa có một công nghệ phù hợp giải quyết được loại rác thải sinh hoạt hỗn hợp ở Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn vốn không được phân loại từ đầu. Và một vấn đề không kém phần quan trọng là giá thành, bởi riêng các nhà máy xử lý rác không đụng đến thì thôi chứ đụng vào thì triệu USD còn là ít”, ông Lệ chia sẻ.
Để giải thoát khỏi những trăn trở ấy, ông Lệ đã bỏ tiền đi tới nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… tìm kiếm công nghệ xử lý rác. Nhưng cuối cùng, ông nhận ra rằng, không chỉ do giá thành quá đắt, mà công nghệ đó không phù hợp với thực trạng rác Việt Nam. Thậm chí, phương pháp đốt và chôn lấp còn là mối nguy hại tiềm ẩn, do khí thải không đạt tiêu chuẩn, việc chôn lấp tiêu tốn nhiều diện tích đất, gây ô nhiễm nguồn nước và đất đai.
Ông Lệ cũng rong ruổi tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng cũng không tìm được mô hình công nghệ nào ưng ý. Song đối với ông, những chuyến đi ấy không vô ích, bởi từ đây, ông đã xác định được mục tiêu tìm kiếm của mình. Đó là một mô hình xử lý rác thải có giá thành thấp, không sử dụng công nghệ đốt, không chôn lấp và biến rác - một thứ nguy hại, gây ô nhiễm, mất mỹ quan … trở thành hàng hóa hữu ích, thân thiện, có thể quay vòng trở lại phục vụ con người.
Từ thực tiễn và mục tiêu đó, Giám đốc Công ty cổ phần Thành Đạt đã truyền tới các cộng sự về những trăn trở và quyết tâm của mình.
“Khi bắt tay vào làm thì mới thấy vô cùng nan giải và phức tạp, nhất là với những doanh nhân không có một ngày học về cơ khí chế tạo máy như tôi…”, ông Lệ trăn trở.
Đêm ngày suy nghĩ, cuối cùng, ông Lệ cùng cộng sự đã tìm được điểm mấu chốt để bắt đầu. Đó là phải nhìn thấu thực tế các thành phần của rác ở nông thôn. Và lời giải đã có, đây là một loại rác hỗn hợp chưa được phân loại, bao gồm: rác hữu cơ như rơm rạ, cỏ, lá cây, thịt, rau, hoa quả (chiếm khoảng 40%); rác nilon (khoảng 30%); còn lại nước (khoảng 25%), gạch đá (3%), sắt thép (1,5%), cao su và vải quần áo (0,5%).
Những thông số trên là cơ sở để ông Lệ và bộ phận nghiên cứu chế tạo công nghệ xác định 3 đối tượng chính cần xử lý triệt để là rác hữu cơ, nilon và nước. Sau gần một năm “đánh vật” với lý thuyết, máy móc thiết bị, nghiên cứu, chế tạo, gia công, lắp đặt, cuối cùng, họ vỡ òa trong niềm vui khi chế tạo thành công công nghệ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt mang tên TTD01.
Trước hết, là công nghệ sản xuất trong nước, chi phí rất thấp, chỉ bằng 5% so với các công nghệ nhập khẩu có công suất tương ứng, TTD01 đã phân loại và xử lý tối đa các loại rác mà không phải đốt, không chôn lấp. Như được hóa phép thần tiên, rác thải đã được biến thành các sản phẩm hữu ích cho xã hội.
Cụ thể, rác hữu cơ thành phân hữu cơ sinh học chất lượng cao phục vụ nông nghiệp. Nilon được tái chế thành hạt nhựa phục vụ sản xuất công nghiệp. Còn nước thải sau khi được xử xử lý đã đạt tiêu chuẩn loại B.
Công nghệ hiện đại, nhưng đơn giản trong vận hành, phù hợp với rác thải tại Việt Nam. Công nhân vận hành công nghệ không phải đào tạo lâu, tiếp cận được nhanh trong mọi tình huống xử lý. Khi cần có thể tăng giảm công suất theo nhu cầu, từ 15 - 200 tấn/ngày. Hơn nữa, vật tư thay thế đơn giản, thuận tiện, không phải chờ đợi linh kiện từ nước ngoài. Nhà máy chỉ cần diện tích 2 ha (bằng diện tích một 1 lò đốt) cùng 30 công nhân là đã giải quyết gọn 50 tấn rác trong ngày.
“Hơn thế, đứng cách nhà máy 3 m không thấy mùi hôi, vào cổng mới biết là nhà máy xử lý rác. Công nhân vận hành được hạn chế tối đa sự ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe”, ông Lệ vui mừng thông báo và cho biết, chi phí bỏ ra thấp ngoài sức tưởng tượng, nhưng hiệu quả xử lý rác và hiệu quả kinh tế đạt được lại rất cao, vừa giúp bảo vệ tốt môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn đầu tư ngân sách, cũng như diện tích đất đai.
Được biết, chỉ trong vòng 5 tháng, Nhà máy xử lý rác thải công nghệ TTD01 đã “tiêu diệt sạch” bãi rác thải khổng lồ tồn tại gần 20 năm của huyện Quỳnh Phụ. Ông tự hào gọi đây là chiến công vang dội đầu tiên của công nghệ TTD01. Đặc biệt, sản phẩm phân hữu cơ của nhà máy, với sự đỡ đầu của Viện Nông hóa thổ nhưỡng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, trong vụ lúa vừa qua, đã được bón thử nghiệm ở xã Quỳnh Hưng và cho năng suất khá cao 2,5 tạ/sào; còn sản phẩm hạt nhựa làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Công nghệ TTD01 của Công ty cổ phần Thành Đạt đã được đăng ký bản quyền của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); được Trung tâm Nghiên cứu khí tượng thủy văn và quan trắc quốc gia công nhận: “Công nghệ đã đạt tất cả các chỉ số về môi trường”. Đặc biệt, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản giao Công ty nghiên cứu dự án xử lý rác cho toàn tỉnh. Công ty cũng đã được UBND TP. Thái Bình chấp thuận nghiên cứu, đầu tư Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác phía Bắc Thành phố.
Khi được hỏi về bài học rút ra từ dự án 4 trong 1 này, ông Lệ cho biết, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu, các nhà doanh nghiệp có những ý tưởng và đầu tư nguồn lực, tổ chức triển khai thì sẽ thành công trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ. Thành công của công nghệ TTD01 chính là sự kết tinh trí tuệ và nguồn lực của doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước và nhà nông.
Về hướng phát triển công nghệ xử lý rác, theo doanh nhân Đỗ Chí Lệ, ông và các cộng sự sẽ thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị xử lý môi trường rác thải, nước thải, làm cơ sở triển khai các nhà máy xử lý rác thải, nước thải cho tỉnh Thái Bình thay cho công nghệ chôn và đốt.
Cho đến thời điểm này, ông Lệ vẫn chưa nguôi trăn trở với rác. Ông đang cho tiếp tục nghiên cứu để tiến tới tự động hóa hoàn toàn công nghệ xử lý rác thành sản phẩm hàng hóa; triển khai ứng dụng các sản phẩm phân hữu cơ từ rác để tạo vùng sản xuất lúa sạch phục vụ trong nước và tiến tới xuất khẩu, thiết thực hưởng ứng chủ trương đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch.
Các dự án Công ty cổ phần Thành Đạt đã thực hiện thành công năm 2016:
- Nhà máy xử lý rác tại Thị trấn Quỳnh Côi với tổng vốn trên 60 tỷ đồng.
- Nhà máy nước sạch xã An Đồng, vốn đầu tư 66 tỷ đồng, phục vụ 5 xã với trên 40.000 dân.
- Chung cư nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, với tổng đầu tư 56 tỷ đồng, diện tích 3.000 m2, quy mô 81 căn hộ và các hạng mục phụ trợ.
- Chợ thực phẩm tại phường Bồ Xuyên, vốn đầu tư trên 37 tỷ đồng, khánh thành tháng 6/2016.