Lửa xa, lửa gần

(ĐTCK) Câu chuyện được nhiều nhà đầu tư bàn luận mấy hôm nay tưởng như rất xa xôi: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung liệu có khả năng diễn ra trên quy mô lớn? 
Lửa xa, lửa gần

Những động thái “ăn miếng, trả miếng” dồn dập của cả hai bên trong những ngày qua được cho là có tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu và ít nhiều tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế nhắm vào 60 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, còn Trung Quốc trả đũa bằng danh sách 128 mặt hàng mà Mỹ sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Nếu hai bên không dàn xếp ổn thỏa, cuộc chiến thương mại có thể gây thiệt hại gần 500 tỷ USD và giới đầu tư e ngại có thể là ngòi nổ cho những bất định của nền kinh tế toàn cầu.

Thị trường chứng khoán vốn là hàn thử biểu của nền kinh tế đã trồi sụt liên tục trong những phiên gần đây. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do để giải thích cho biến động khá mạnh của TTCK Việt Nam trong những ngày này.

Trong nhiều phiên giao dịch, biên độ tăng giảm của VN-Index là rất lớn, tới hàng chục điểm ngay trong một phiên. Tình trạng xanh vỏ đỏ lòng diễn ra khá phổ biến, nhiều nhiều nhà đầu tư mất lãi hoặc thậm chí đã “ăn vào thịt”. Cũng đã có sự e ngại nhất định khi thanh khoản trong những phiên gần đây đang giảm dần, khối ngoại bán ròng mạnh tay.

Khi tâm lý e ngại gia tăng, phải chăng nhà đầu tư sẽ phòng thủ? Quan sát thị trường sẽ  thấy dù VN-Index đã vượt đỉnh nhưng chỉ loanh quanh mốc 1.180 điểm mà không thể bùng nổ. Diễn biến thị trường nghiêng về các cổ phiếu trụ tăng giá, còn phần lớn mang sắc đỏ, có thể là những chỉ báo về một giai đoạn khá bấp bênh, kể từ đầu tháng 3 tới nay, nhiều nhà đầu tư phản ánh, kiếm tiền từ chứng khoán thực sự khó khăn.

Lực đỡ cho thị trường thời điểm này chủ yếu nằm ở thông tin mùa đại hội đồng cổ đông 2018 với những kế hoạch kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp đặt ra là khá tham vọng, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 2 con số.

Tính khả thi của những kế hoạch mà các DN công bố đến đâu? Nhà đầu tư và cổ đông của các doanh nghiệp sẽ phân tích mổ xẻ và một dữ liệu phổ biến là dựa trên độ ổn định của các doanh nghiệp đã thể hiện trong quá khứ. Trong tương lai, ngay cả những đại gia dẫn đầu như Vinamilk hiện cũng đã phải tìm kiếm những cách đi mới, những không gian kinh doanh mới để duy trì vị thế của mình.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk nói rằng, khi quy mô doanh nghiệp đã bước lên một tầm cao mới, khả năng đi nhanh, đi vững luôn là câu hỏi khó với các nhà lãnh đạo. Vinamilk cũng không là ngoại lệ. Dù đã thành công, doanh nghiệp không được ngủ quên trên chiến thắng và buộc phải tìm những lối đi mới, cách đi mới.

Có lẽ bởi vậy mà với cục diện thị trường và tâm lý phòng thủ như hiện nay, giới đầu tư sẽ dồn tâm điểm cho những doanh nghiệp luôn có chuyện mới để kể.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục