Lừa đảo và chuyện bảo vệ thương hiệu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023 tiếp diễn chiêu trò mạo danh các công ty bảo hiểm, không chỉ các công ty bảo hiểm phi nhân thọ mà còn cả công ty bảo hiểm nhân thọ để lừa đảo.
Doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng về chức năng, công việc kinh doanh của mình Doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng về chức năng, công việc kinh doanh của mình

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm bị các đối tượng lừa đảo mạo danh để lừa đảo người dân với chiêu mời gọi đầu tư lãi suất cao, với cam kết có bảo lãnh từ công ty bảo hiểm.

Cụ thể, một số đối tượng đã mạo danh Công ty Bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam, kêu gọi người dân góp vốn đầu tư với thủ tục đơn giản, đảm bảo có lợi nhuận và được rút tiền trong ngày… Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân như hình chụp căn cước công dân và chuyển tiền vào tài khoản cá nhân do đối tượng chỉ định qua Zalo để phát hành hợp đồng cam kết dưới danh nghĩa công ty, với con dấu và chữ ký giả mạo. Đối tượng lừa đảo làm giả văn bản tinh vi với đầy đủ dấu mộc và cố tình lồng ghép tên, thông tin địa chỉ, mã số thuế… của Hanwha Life Việt Nam để lấy lòng tin của khách hàng.

Nguy hiểm hơn, đối tượng còn có thể yêu cầu khách hàng mở thẻ tín dụng để được nhận lãi mỗi tháng, sau đó chiếm đoạt thẻ của khách hàng và tiêu xài cá nhân. Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến người dân, mà còn tổn thất nghiêm trọng đến danh tiếng của Hanwha Life Việt Nam.

Hanwha Life Việt Nam khẳng định, không có bất kỳ sản phẩm hay hình thức huy động vốn đầu tư nào, hay kêu gọi hợp tác gói đầu tư siêu lợi nhuận như các đối tượng lừa đảo quảng cáo. Công ty luôn tuân thủ các quy định của pháp luật trong mọi hoạt động kinh doanh. Vì vậy, khi phát hiện có gian lận, Hanwha Life Việt Nam đã lập tức tố giác hành vi vi phạm với cơ quan điều tra để xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần triệt phá thành công các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Điển hình, vừa qua, đối tượng P.T.S.Hòa (Đà Nẵng) với các hành vi mạo danh thương hiệu Hanwha Life Việt Nam, lừa đảo khách hàng, đã bị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng tuyên phạt mức án 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hanwha Life Việt Nam cảnh báo thủ đoạn mạo danh Công ty để lừa đảo

Hanwha Life Việt Nam cảnh báo thủ đoạn mạo danh Công ty để lừa đảo

“Hanwha Life Việt Nam tin rằng, những hành vi trục lợi, lừa đảo sẽ được pháp luật trừng trị nghiêm minh”, đại diện công ty này nhấn mạnh.

AIA Việt Nam cũng cho biết, nhận được phản ánh của nhiều người về việc bị dụ dỗ tham gia vào các chương trình được gọi là hợp tác đầu tư của các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo như TEMU, WANHAI, Orsted Việt Nam… Các đối tượng này đã lợi dụng thương hiệu của Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA bảo lãnh trong hợp đồng hợp tác đầu tư, lôi kéo các nạn nhân tham gia vào gói cung ứng gói sản phẩm của trang web https://down.temu... (được quảng cáo là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới TEMU). Khi tham gia vào gói này, tất cả các nhà đầu tư đều được ký hợp đồng hợp tác đầu tư tiền với lợi nhuận cao, nhưng trong hợp đồng (tên hợp đồng là hợp đồng thỏa thuận dự trữ hàng) lại ghi rõ được bảo lãnh bởi bên C là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam. Các đối tượng lừa đảo này còn gửi các nạn nhân hợp đồng trực tuyến giữa các cá nhân/nhà đầu tư cá nhân này và TEMU, trên đó có hình con dấu của AIA Việt Nam.

Không chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, các công ty bảo hiểm phi nhận thọ như Bảo Việt, MIC, Bảo hiểm VietinBank, PVI… cũng bị các đối tượng lợi dụng thương hiệu để lừa đảo qua chiêu trò tương tự là giả mạo giấy tờ bảo lãnh công ty bảo hiểm để mời gọi đầu tư tài chính. Để tăng sự tin tưởng, các đối tượng này chiêu dụ rằng người chơi sẽ được bên công ty bảo hiểm phi nhân thọ cung cấp gói bảo hiểm bảo lãnh (trường hợp đặt lệnh lỗi sẽ được hoàn tiền 100%, đồng thời cam kết mức lợi nhuận rất cao sau một khoảng thời gian nhất định).

Không những thế, Bảo hiểm VietinBank còn bị các đối tượng mạo danh kêu gọi khách hàng tham gia chương trình bình chọn dịch vụ của Bảo hiểm VietinBank để nhận tiền và các sản phẩm bảo hiểm. Công ty này khẳng định, hiện tại không hề triển khai bất kỳ chương trình bình chọn dịch vụ nào có thông tin như trên.

Cần chủ động bảo vệ mình

Dưới sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, các hành vi, thủ đoạn lừa đảo ngày càng phức tạp và tinh vi. Các chuyên gia pháp lý, cũng như chuyên gia công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm khuyến cáo, người dân cần chủ động trang bị các kiến thức về lĩnh vực này, đặc biệt cảnh giác trước các lời mời gọi đầu tư hưởng lãi suất, lợi nhuận cao… Nếu thấy nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền cho bất kỳ đối tượng nào, liên hệ về hotline của các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán... để tìm hiểu các thông tin chính thống hoặc thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Với các doanh nghiệp bảo hiểm, trước thủ đoạn ngày càng phức tạp, tinh vi, để khách hàng tránh gặp phải những trường hợp mạo danh, lừa đảo, các công ty cần kịp thời phát hiện và đưa ra khuyến cáo cho khách hàng, người dân trên website và facebook của công ty.

Theo luật sư Nguyễn Thị Tình, Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt - Đoàn luật sư TP. Hà Nội, lừa đảo qua mạng ngày càng nhiều, tỷ lệ tăng nhanh chóng, đây được coi là hành vi lừa đảo dựa trên uy tín của thương hiệu doanh nghiệp bảo hiểm. Để tạo niềm tin cho người dân, các đối tượng mạo danh những tổ chức uy tín, hoặc có chức năng bảo vệ rủi ro như doanh nghiệp bảo hiểm làm trung gian đảm bảo cho các giao dịch của mình với khách hàng. Trong khi đó, nhiều người dân không am hiểu sâu về lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, khi thấy mức lợi nhuận cao, trong khi có doanh nghiệp bảo hiểm bảo vệ (đảm bảo, bảo lãnh) thì nghĩ rằng giao dịch sẽ được an toàn nên tin tưởng nộp tiền.

“Người dân cần nâng cao nhận thức về doanh nghiệp bảo hiểm, hiểu rõ doanh nghiệp bảo hiểm chỉ kinh doanh sản phẩm bảo hiểm và các sản phẩm này hướng đến chi trả khi khách hàng bị tổn thất, thiệt hại, chứ doanh nghiệp bảo hiểm không tham gia các hoạt động kinh doanh ngoài bảo hiểm (loại trừ tự đầu tư). Khi có bất cứ nghi ngờ thì cá nhân nên kiểm tra, gọi điện cho đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm xác minh thông tin trước khi giao kết, các doanh nghiệp này luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin và trả lời”, bà Tình khuyến cáo.

Còn với các doanh nghiệp bảo hiểm, bà Tình cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến qua các kênh báo chí, truyền thông về chức năng, công việc kinh doanh của mình. Luôn cảnh báo vấn đề lừa đảo dựa trên thương hiệu doanh nghiệp bảo hiểm đến người dân.

Với các bộ, ngành, bà Tình kiến nghị, Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nên cảnh báo, lưu ý các doanh nghiệp bảo hiểm trên diện rộng để có biện pháp bảo vệ hình ảnh. Bộ Thông tin và Truyền thông cần chủ động ra giải pháp quản lý không gian mạng. Bên cạnh đó, cũng cần sự vào cuộc của Bộ Công an để điều tra, ngăn chặn và trấn áp tội phạm lừa đảo.

Trang Diệu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục