Theo phản ánh của ông Trương Minh Cát Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TILA, doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý bảo hiểm, mới đây, có một khách hàng đã đến công ty ông để kêu cứu về việc bị lừa mất số tiền 160 triệu đồng.
Cụ thể, ban đầu, vị khách này nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên một công ty tài chính quốc tế có dịch vụ huy động vốn. Người này chào mời dịch vụ đầu tư hưởng lãi suất cao, chỉ cần đầu tư 160 triệu đồng trong 2 ngày (có hiệu lực từ ngày 15/7/2022 đến ngày 17/7/2022) sẽ được hưởng lãi suất lên tới… 3,2 tỷ đồng, rút lãi ngay trong ngày và cam kết “khoản vay được đảm bảo, quản lý bởi Công ty Bảo hiểm B. có địa chỉ đặt tại 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, TP.HCM”, “quy chế bảo hiểm là sẽ áp dụng quy định bồi thường 200% theo giá trị ban đầu của khách hàng trong trường hợp xảy ra lỗi do bên dẫn lệnh”.
Đối tượng cũng hứa hẹn sau khi chuyển khoản xong số tiền trên thì khách hàng sẽ nhận được giấy chứng nhận đầu tư.
Do khách hàng sống ở nông thôn, không tiếp cận đầy đủ thông tin về các dịch vụ tài chính cũng như các hình thức lừa đảo qua mạng, nên sau một thời gian nhắn tin đi tin lại qua Zalo đã tin tưởng và quyết định chuyển tiền “đầu tư” cho đối tượng. Nhưng ngay sau khi chuyển tiền thì “nhân viên công ty tài chính quốc tế” mất tích.
Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, trên thị trường không có công ty bảo hiểm có tên gọi như đối tượng lừa đảo giới thiệu, mà chỉ na ná. Tại địa chỉ mà đối tượng cung cấp cũng không phải là trụ sở của doanh nghiệp bảo hiểm nào.
Trước đó, một công ty bảo hiểm đã có thông báo gửi khách hàng, đối tác để cảnh báo về tình trạng một số đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên của công ty này tư vấn cho khách hàng về dịch vụ cho vay của công ty qua liên doanh với các ngân hàng.
Kênh tiếp cận mục tiêu lừa đảo của các đối tượng này cũng là mạng xã hội Zalo, Telegram… Cách thức lừa đảo là hướng dẫn khách hàng chuyển khoản trước 10% để được giải ngân cho vay, sau đó chiếm đoạt số tiền này và cắt đứt liên lạc.
Thực tế, việc giả mạo thương hiệu công ty bảo hiểm để gửi tin nhắn/gọi điện thoại để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân chỉ là một trong nhiều hình thức lừa đảo trong thời gian gần đây, bên cạnh việc mạo danh ngân hàng, bưu điện, cơ quan công an… Tình trạng lừa đảo trực tuyến diễn biến ngày càng phức tạp hơn với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Có 3 hình thức lừa đảo công nghệ chính được thực hiện thông qua 3 kênh chính, đó là lừa đảo qua điện thoại và tin nhắn (để yêu cầu chia sẻ hoặc cập nhật thông tin); lừa đảo qua email (gửi email yêu cầu chia sẻ thông tin cá nhân hoặc bấm vào đường dẫn chứa phần mềm độc hại; lừa đảo trên mạng xã hội (sử dụng các mánh khóe tinh vi như đường dẫn, trang web bán hàng và cửa sổ thông báo (pop-up) giả mạo hoặc mạo nhận quyên góp từ thiện để tiếp cận thông tin tài chính và mật khẩu của khách hàng.
Trở lại với tình trạng mạo danh công ty bảo hiểm để lừa đảo diễn ra gần đây, các công ty bảo hiểm bị “mượn danh” đã lên tiếng cảnh báo khách hàng, đồng thời tiến hành các hành động pháp lý để bảo vệ thương hiệu.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia trong ngành, mỗi người phải trang bị kiến thức để tự mình bảo vệ mình bằng việc bảo mật thông tin cá nhân. Theo đó, cần cẩn trọng với các email, điện thoại, tin nhắn từ số lạ. Khi nhận được cuộc gọi có dấu hiệu nghi vấn, khách hàng cần bình tĩnh, không làm theo yêu cầu, đặc biệt không chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của người lạ, nhanh chóng thông báo với cơ quan có thẩm quyền…
Ngoài các biện pháp trên, theo ông Phan Quốc Tuấn, Giám đốc Viện Phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm (HDI), khách hàng cần kiểm tra kỹ tư cách pháp nhân, địa chỉ kèm các thông tin liên quan của bên cung cấp dịch vụ để tránh sập bẫy lừa đảo.