Lòng tham tạm lấn lướt nỗi sợ hãi

(ĐTCK) Ðón nhận nhiều thông tin xấu và bất định, nhưng nhiều tuần gần đây, TTCK trong nước và quốc tế vẫn tiếp tục đà tăng điểm. Tại TTCK Việt Nam, VN-Index đang tiến sát vùng điểm trước khi xảy ra đại dịch, với nhiều mã như PNJ, FRT, SAB, HVN… tăng giá mạnh, bất chấp hiện trạng kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp hiện hữu bằng con số tài chính.
Ảnh Dũng Minh Ảnh Dũng Minh

Phớt lờ thông tin xấu...

Ðộng lực tăng điểm của các TTCK được lý giải bởi việc nhà đầu tư kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ dần khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi các quốc gia lần lượt mở cửa các hoạt động kinh tế, giao thương trở lại.

Chính sách kích cầu của nhiều quốc gia khiến dòng tiền giá rẻ bơm trên diện rộng, kích thích TTCK và cuối cùng là tín hiệu khả quan từ quá trình điều chế vắc-xin chống dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng tích cực, TTCK toàn cầu gần đây liên tiếp đón nhận những thông tin tiêu cực.

Hầu hết các tờ báo lớn trên thế giới phản ánh về sự căng thẳng Mỹ - Trung khi các bên chưa ngừng dừng lại việc đổ lỗi nhau về việc để bùng nổ dịch bệnh Covid-19 và mới đây là câu chuyện liên quan đến kế hoạch thông qua dự luật an ninh mới tại Hồng Kông của Trung Quốc (theo Reuters, nếu không có gì trục trặc, dự luật sẽ được phê chuẩn trước tháng 9/2020).

Sự căng thẳng giữa hai cường quốc đang đe doạ thoả thuận thương mại giai đoạn 1 trước đó, cũng như có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp hai bên và toàn thế giới.

Làn sóng phá sản lan rộng khắp nơi trên thế giới, từ các thương hiệu nổi tiếng ở Mỹ như JC.Penney với 118 tuổi; J.Crew - chuỗi bán lẻ cung cấp quần áo, phụ kiện phụ nữ; Hert - hãng cho thuê ô tô lớn thứ 2 Mỹ; hãng máy bay Thai Airways của Thái Lan…

Tại Nhật, theo dự báo của Bloomberg, sẽ có hơn 10.000 công ty tuyên bố phá sản trong năm nay. Trong tháng 4, Nhật Bản có 758 đơn xin phá sản, trong đó 123 trường hợp do ảnh hưởng bởi dịch chủ yếu là khách sạn, nhà hàng. Doanh nghiệp phá sản khiến thất nghiệp trở thành vấn nạn của đời sống xã hội.

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, Mỹ có hơn 40 triệu lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, chiếm 25% lực lượng lao động. Tình trạng gia tăng số doanh nghiệp phá sản, số người thất nghiệp xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng này.

Lòng tham tạm lấn lướt nỗi sợ hãi  ảnh 1

... Nhiều cổ phiếu tăng ngược hiện trạng doanh nghiệp

CTCP Vàng bạc Ðá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố báo cáo luỹ kế 4 tháng đầu năm với doanh thu là 5.502 tỷ đồng, giảm 4%, lợi nhuận sau thuế là 320 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. Ðáng chú ý, tháng 4, PNJ ghi nhận mức lỗ 89 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của PNJ được dự báo gặp nhiều thách thức khi khuynh hướng tiêu dùng hàng thiết yếu lên ngôi, trong khi hàng xa xỉ có dấu hiệu chậm lại.

Tuy nhiên, trái với hiện trạng khó khăn của doanh nghiệp, cổ phiếu PNJ từ đầu tháng 4 đến nay tăng giá từ vùng 46.000 đồng/cổ phiếu lên vùng 62.000 đồng/cổ phiếu.

Thông tin báo cáo lỗ tháng 4/2020 của PNJ không có ảnh hưởng gì tới thị giá cổ phiếu, thậm chí còn khiến mã này tăng 34,8% kể từ đầu tháng 4 tới nay.

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 với doanh thu là 4.093 tỷ đồng, lợi nhuận là 35,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 1,9% và 44,7% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu 15.320 tỷ đồng, lợi nhuận là 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 21% so với thực hiện năm 2019.

Tại Ðại hội đồng cổ đông 2020, Chủ tịch FRT Nguyễn Bạch Ðiệp đặt mục tiêu tăng trưởng vào chuỗi Long Châu, năm 2020 sẽ tăng từ 83 cửa hàng lên 220 cửa hàng. FRT tin rằng, giai đoạn đầu các cửa hàng chưa có lời, nhưng năm 2022 sẽ bắt đầu có lời.

Trong khi chuỗi Long Châu còn đang trong giai đoạn mở rộng và kỳ vọng ở tương lai thì chuỗi FPTshop có dấu hiệu chững lại về hiệu quả. Thách thức cho đà tăng trưởng năm 2020 của FRT là lớn, nhưng dòng tiền đầu tư dường như không quan tâm, thị giá FRT tăng mạnh, từ 10.600 đồng/cổ phiếu lên mức 26.000 đồng/cổ phiếu, tăng 145% kể từ đầu tháng 4 đến nay.

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 với doanh thu 4.908,8 tỷ đồng, lợi nhuận 717 tỷ đồng, lần lượt giảm 47,4% và 44,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân kết quả kinh doanh đi xuống của SAB là do chịu tác động kép từ Nghị định 100/2019/NÐ-CP về hạn chế bia, rượu khi tham gia giao thông, cũng như dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi hành vi tiêu dùng. Thách thức hiện hữu và còn kéo dài, nhưng giá cổ phiếu SAB không có dấu hiệu điều chỉnh, cứ tăng liền mạch 53,5%,  từ vùng 114.000 đồng/cổ phiếu lên vùng 175.000 đồng/cổ phiếu trong gần 2 tháng vừa qua.

Một doanh nghiệp khác, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HVN) cũng công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 với doanh thu 18.813 tỷ đồng, giảm 26,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế âm 2.612 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 1.212 tỷ đồng. Hết quý I/2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính tại HVN âm 3.822 tỷ đồng, so với mức dương 2.994,7 tỷ đồng cùng kỳ.

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra vắc-xin chống lại Covid-19, khiến nhu cầu đi lại nội địa cũng như quốc tế sẽ không thể hồi phục được trong năm 2020. Nhà đầu tư dường như không để tâm đến nỗi lo này, nên giá cổ phiếu HVN cũng “nhảy” từ vùng đáy 17.900 đồng lên 27.300 đồng/cổ phiếu, tăng 52,5% kể từ đầu tháng 4 đến nay.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong một số ngành nghề được dự báo sẽ khó khăn như ngân hàng do phải hạ lãi suất, giãn nợ cho khách hàng cũ, cũng như khó trong quá trình cho vay mới, điều này đồng nghĩa nhóm ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế; xuất khẩu thuỷ sản, dệt may do các thị trường tiêu thụ chính như châu Âu, Mỹ bị thiệt hại nặng nề và chưa thể khôi phục nhanh hoạt động kinh doanh…

Tham khảo nhiều nhà đầu tư cho thấy, điểm họ kỳ vọng là có làn sóng chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam và các doanh nghiệp có quỹ đất cho thuê sẽ hưởng lợi.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch (nếu có) sẽ là quá trình dài và Việt Nam cũng phải chịu sự cạnh khốc liệt với các quốc gia khác trong khu vực, nhất là khi lợi thế về cơ sở hạ tầng và trình độ lao động không còn mạnh như trước.

Lịch sử hoạt động của TTCK cho thấy, trong ngắn hạn, diễn biến thị trường được quyết định dựa trên cảm xúc giữa lòng tham và nỗi sợ hãi của nhà đầu tư.

Nhưng trong trung và dài hạn, thị trường sẽ phải đi theo triển vọng tăng trưởng của từng quốc gia và trong lòng thị trường, giá cổ phiếu phản ánh giá trị nội tại của doanh nghiệp. Sự tách rời giữa chuyển động trên TTCK và nền kinh tế sẽ chỉ là tạm thời.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục