Lỏng lẻo quản lý vốn ở Vinashin

(ĐTCK) Ngày 10/6/2019, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án nhận lãi ngoài trái pháp luật tại Tập đoàn Vinashin. 
Lỏng lẻo quản lý vốn ở Vinashin

Năm 1996, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam ra đời. Ðến năm 2006, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được thành lập theo Quyết định số 103/2006/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án thí điểm Tập đoàn kinh tế Vinashin và Quyết định số 104/2006/QÐ-TTg về việc thành lập Công ty mẹ Tập đoàn Vinashin trên cơ sở tổ chức cơ quan quản lý điều hành và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Vinashin hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con bao gồm các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các doanh nghiệp đa sở hữu, có chức năng kinh doanh đa ngành, trong đó ngành công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thủy và vận tải biển là ngành kinh doanh chính.

Ngày 18/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 926/QÐ-TTg về việc tái cơ cấu, quyết định điều chỉnh nguyên trạng các doanh nghiệp, các dự án của Vinashin về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Sở dĩ có việc tái cơ cấu này là vì Vinashin hoạt động không hiệu quả, vay nợ lớn, đầu tư thua lỗ. Theo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, hết năm 2009, Vinashin có số nợ phải trả lên tới hơn 96.000 tỷ đồng, thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ do Nhà nước cấp.

Ðến tháng 8/2011, Chính phủ ban hành Quyết định số 1394/QÐ-TTg về việc xác định vốn điều lệ và cấp tạm ứng vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh cho Vinashin. Theo đó, Vinashin tiếp nhận 2.200 tỷ đồng từ PVN về tài khoản thanh toán (không kỳ hạn) ở tại Ngân hàng Ðại Dương (OceanBank) để tái cơ cấu Tập đoàn. Tiếp đó, Vinashin tiếp nhận 4.190 tỷ đồng từ Kho bạc Nhà nước về tài khoản thanh toán tại OceanBank để xác định vốn điều lệ và tạm ứng vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Do đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt nên Vinashin chỉ được sử dụng số tiền trên sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 29/10/2010, ông Nguyễn Ngọc Sự (SN 1957) khi đó là Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin ký Văn bản số 3323 gửi Thủ tướng Chính phủ và ông Trương Văn Tuyến (SN 1950) khi đó là Tổng giám đốc Vinashin ký Văn bản số 3470 ngày 11/11/2010 gửi Bộ Tài chính đề nghị được sử dụng số tiền để gửi tiền có kỳ hạn tại OceanBank nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 8/11/2010, ông Trương Văn Tuyến đã có văn bản ủy quyền cho ông Trần Ðức Chính (SN 1976), khi đó là Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Vinashin, thực hiện việc gửi tiền có kỳ hạn tại OceanBank.

Theo cáo buộc của cơ quan công tố, mặc dù không có ý kiến chấp thuận cho Vinashin gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank, nhưng các bị cáo Nguyễn Ngọc Sự, Trần Ðức Chính, Trương Văn Tuyến và Phạm Thanh Sơn (SN 1972, nguyên Phó tổng giám đốc Vinashin) đã thống nhất chủ trương và thực hiện việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank. Các cá nhân này còn được hưởng thêm khoản chi chăm sóc khách hàng của OceanBank.

Bốn bị cáo đồng thuận giao cho Trần Ðức Chính tiếp nhận, quản lý số tiền OceanBank chi lãi ngoài để chi tiêu cá nhân và sử dụng cho một số công việc chung của Vinashin như đối ngoại, hội họp, lễ tết, tiếp khách...

Tài liệu điều tra xác định, từ ngày 8/11/2010 đến ngày 30/6/2014, Vina -shin thực hiện 2.341 hợp đồng, giao dịch gửi tiền tại OceanBank, tổng giá trị tiền gửi hơn 103.859 tỷ đồng và hơn 181 triệu USD. Lãi phát sinh theo hợp đồng là 1.076 tỷ đồng và 29.000 USD.

Ngoài số tiền lãi theo hợp đồng, với mong muốn có nguồn tiền phục vụ cho hoạt động của OceanBank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng khi đó là Hà Văn Thắm và một số cán bộ lãnh đạo khác đã ban hành chủ trương chi tiền ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng cho Vinashin để lãnh đạo Vinashin quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank.

Từ tháng 3/2011 đến tháng 8/2014, bị cáo Trần Ðức Chính đã nhận hơn 105 tỷ đồng lãi ngoãi do các cán bộ của OceanBank chi. Số tiền hơn 105 tỷ đồng này, bị cáo Trần Ðức Chính trực tiếp quản lý, không hạch toán vào nguồn thu của Vinashin, mà để ngoài sổ sách và các bị cáo chiếm hưởng cá nhân trái pháp luật, chi phí không đúng quy định của Nhà nước.

Cơ quan công tố xác định, bị cáo Nguyễn Ngọc Sự đã chiếm hưởng cá nhân 8 tỷ đồng, bị cáo Trần Ðức Chính chiếm hưởng 10 tỷ đồng, bị cáo Trương Văn Tuyến chiếm hưởng 3,5 tỷ đồng, bị cáo Phạm Thanh Sơn chiếm hưởng 1,2 tỷ đồng.

Ðáng chú ý, đối với việc đề xuất giải ngân, quản lý, sử dụng khoản tiền 2.200 tỷ đồng nhận từ PVN và khoản tiền 4.190 tỷ đồng từ Kho bạc Nhà nước cho Vinashin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan để tiếp tục làm rõ.

Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra theo Quyết định số 90/QÐ-TTCP ngày 25/5/2018, sau đó gia hạn thanh tra, nhưng đến nay chưa có kết luận và quan điểm xử lý. Cơ quan Cảnh sát điều tra chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ sẽ xem xét xử lý sau.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục