Thay đổi nơi đến
Đề án thành lập Ban Quản lý dự án (PMU) Mỹ Thuận trên cơ sở tái cơ cấu Tổng công ty Cửu Long rất có thể phải dỡ ra làm lại nếu chiểu theo Thông báo số 165/TB - GTVT thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp nghe báo cáo quá trình đề nghị thành lập PMU Mỹ Thuận.
Thông báo nêu rõ, thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã hoàn thiện Đề án thành lập PMU Mỹ Thuận và chính thức trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 10922/BGTVT - TTr ngày 18/11/2019.
Sau khi xem xét Đề án, tại Công văn số 766/VPCP - TCCV ngày 4/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Để có cơ sở quyết định việc thành lập PMU Mỹ Thuận, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan lập hồ sơ đề nghị sáp nhập Tổng công ty Cửu Long vào Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC”.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đề nghị sáp nhập Tổng công ty Cửu Long vào VEC đang gặp rất nhiều khó khăn do VEC đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đang là đối tượng kiểm tra, điều tra của các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, việc thành lập PMU Mỹ Thuận trên cơ sở một số bộ máy của Tổng công ty Cửu Long không sáp nhập về VEC sẽ phát sinh thêm đầu mối tổ chức, không phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT giao Vụ Quản lý doanh nghiệp chủ trì phối hợp với Tổng công Cửu Long khẩn trương lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sau đó trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Vụ Quản lý doanh nghiệp tiếp tục được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu trình Bộ trưởng ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công Cửu Long cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đề xuất này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức đối với Đề án thành lập PMU Mỹ Thuận, lãnh đạo Bộ GTVT lưu ý.
Tổng công ty Cửu Long được thành lập năm 2011 với mức vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó, PMU Mỹ Thuận (thành lập năm 1994) là nòng cốt của công ty mẹ; 2 đơn vị thành viên là Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715 và Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ.
Trên thực tế, việc dừng thí điểm mô hình Tổng công ty Cửu Long đã được Bộ GTVT tính đến từ cuối năm 2017, khi hoạt động của Tổng công ty bộc lộ nhiều khiếm khuyết, trong đó, vốn điều lệ chưa được cấp đủ (thực tế vốn điều lệ được cấp đến nay là 136,42/1.500 tỷ đồng, chỉ đạt khoảng 9%); không tham gia đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và chưa thực hiện được nhiệm vụ vay lại vốn vay thương mại. Hoạt động của Tổng công ty Cửu Long chủ yếu thực hiện công tác quản lý dự án. Vì vậy, giữa mô hình tổ chức bộ máy (doanh nghiệp) với tình hình sản xuất, kinh doanh (quản lý dự án) chưa thực sự phù hợp.
Không còn PMU Mỹ Thuận
Để xử lý các bất cập trong mô hình tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Cửu Long, tại Tờ trình số 10922/BGTVT - TTr, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương kết thúc mô hình thí điểm và chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Cửu Long, đồng thời quyết định thành lập PMU Mỹ Thuận trực thuộc Bộ.
Cùng với việc đưa PMU Mỹ Thuận vào danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho chuyển một phần tài sản của Tổng công ty Cửu Long sau khi kết thúc mô hình thí điểm (chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp) sang PMU Mỹ Thuận.
Việc tái lập PMU Mỹ Thuận là để kế thừa năng lực, kinh nghiệm và đội ngũ nhân lực chuyên môn của Tổng công ty Cửu Long trong công tác quản lý các dự án của Bộ GTVT tại khu vực phía Nam, Tờ trình số 10922 nêu rõ.
Tuy nhiên, ngoài việc thay đổi địa chỉ sáp nhập từ VEC sang SCIC, một điểm rất đáng chú ý trong Thông báo số 165 là Bộ trưởng Bộ GTVT giao Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Ban cán sự đảng Bộ GTVT kiện toàn nhân sự lãnh đạo của Ban Quản lý các dự án đường thủy và PMU 7 để đáp ứng yêu cầu công việc, trong đó lưu ý lựa chọn, điều động một số nhân sự có kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án ở Tổng công ty Cửu Long. Bộ trưởng Bộ GTVT giao Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long rà soát, chuẩn bị nhân sự có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và năng lực để tăng cường cho Ban Quản lý các dự án đường thủy và PMU 7.
Theo ông Phạm Hồng Quang, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cửu Long, nếu chiểu theo Thông báo số 165, mặc dù vẫn phải đợi chỉ đạo của Thủ tướng, nhưng việc tái thành lập PMU Mỹ Thuận trong thời gian tới là không còn cần thiết nữa.
Liên quan đến việc hoàn thiện lại Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Cửu Long, ông Quang cho biết, Tổng công ty Cửu Long sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nhằm sớm định dạng lại số phận của mình trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt là trong thời gian chờ sắp xếp, Tổng công ty sẽ cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư, trong đó có Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.