Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của VPBank đã đạt 92% kế hoạch năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc quý III/2020, mức tăng trưởng tín dụng hợp nhất tại VPBank đạt 16,50%, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt 19,34%, ở mức tốt so với trung bình ngành, tạo nền tảng sẵn sàng cho cú bật tăng trưởng ở các phân khúc bán lẻ trong thời gian tới.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của VPBank đã đạt 92% kế hoạch năm

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tại VPBank được duy trì ở mức dưới 3% trong bối cảnh cả thị trường chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó tỷ lệ này tại ngân hàng riêng lẻ giảm từ mức 2,18% cuối 2019 xuống còn 2,01% cuối quý III/2020.

Song song với việc giảm dần tỷ lệ nợ xấu, ngân hàng cũng gia tăng chi phí dự phòng hợp nhất thêm 14,4% so với cùng kỳ (sau khi đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC), tỷ lệ này ở ngân hàng riêng lẻ đạt gần 30%, cho thấy ngân hàng luôn sẵn sàng với “bộ đệm” dự phòng nợ xấu để ứng phó với các tác động của dịch bệnh.

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng đạt mức ấn tượng, 15,60%, tăng mạnh so với mức trung bình 12-13% đạt được hồi cuối năm 2019 và cuối quý II vừa qua. Kết quả này phản ánh VPBank đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong việc đa dạng hóa nguồn vốn huy động dài hạn với mức giá hợp lý, góp phần tối ưu hóa bảng cân đối.

Các tỷ lệ an toàn đều được duy trì ở mức tốt. Tỷ lệ Dư nợ tín dụng trên Tổng vốn huy động (LDR) đạt mức 67% (giới hạn của NHNN là 85%), tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức tốt, 27,8%, thấp hơn nhiều so với mức tối đa NHNN cho phép là 40%.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tại ngân hàng hợp nhất tiếp tục được duy trì ở mức hơn 11%, mức khá cao so với yêu cầu tối thiểu 8% theo Basel II, đảm bảo “mức đệm vốn” được duy trì đủ tốt cho ngay cả trường hợp kịch bản xấu nhất của dịch bệnh có xảy ra.

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) vẫn ở top cao nhất thị trường, lần lượt đạt mức 21,8% và 2,5%.

Được biết, tổng doanh thu hợp nhất sau 9 tháng đạt 28,3 nghìn tỷ đồng (tăng 7,6%), riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng 18,7% so với cùng kỳ. Tính riêng trong quý III, tổng doanh thu của ngân hàng riêng lẻ đạt gần 5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 8% so với quý II/2020.

Thu nhập từ phí của ngân hàng mẹ (NFI) tăng trưởng gần 36%, đạt hơn 2,2 nghìn tỷ đồng, tỷ trọng NFI trên tổng thu nhập hoạt động tăng từ 13,2% lên 15,1% so với cùng kỳ, tiếp tục chỉ ra chỉ tiêu này là động lực tăng trưởng của VPBank.

Cùng góp phần vào tăng trưởng doanh thu là thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro với con số hợp nhất tuyệt đối sau 9 tháng đạt 1,5 nghìn tỷ đồng (tăng 24%), và ghi nhận tăng trưởng đột phá tại FE Credit (công ty con 100% vốn của VPBank) với mức tăng 30,3% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, VPBank cũng nỗ lực rất lớn trong việc kiểm soát chi phí hoạt động (OPEX). OPEX ngân hàng hợp nhất đã giảm tổng cộng 5,7% chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm, thể hiện sự quyết tâm của ngân hàng trong việc quản lý sát sao chi phí hoạt động nhằm kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Điểm đáng chú ý, số lượng khách hàng số (digital user) tại ngân hàng mẹ đã đạt gần 1,7 triệu vào cuối quý III, tương đương tăng 33% so với cuối 2019.

Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) ở ngân hàng hợp nhất giảm mạnh so với cùng kỳ, từ 34,7% xuống còn 30,4%, với mức 9 tháng tại ngân hàng mẹ được ghi nhận còn 32,3% và tại FE là 28,4%.

Với hàng loạt sản phẩm đa dạng hóa doanh thu được triển khai đồng bộ, kết hợp với chính sách kiểm soát và tối ưu hóa chi phí hoạt động một cách hợp lý, lợi nhuận trước thuế thu được sau 9 tháng của VPBank đã đạt 92% kế hoạch đề ra hồi đầu năm, tương đương mức gần 9.400 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt hơn 6.200 tỷ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục