Lợi nhuận tăng không đều
Qua nửa chặng đường năm 2024, ACB đạt lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng (mục tiêu cả năm là 22.000 tỷ đồng). Trong đó, lợi nhuận quý II/2024 là 5.600 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023 nhờ có sự tăng trưởng tốt về quy mô, cải thiện phí dịch vụ và kiểm soát chi phí chặt chẽ.
Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2024 là 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần (NII) tăng hơn 40%, đạt 18.000 tỷ đồng. Riêng quý II/2024, NII tăng 50,6%, đạt 9.500 tỷ đồng; phí dịch vụ ngân hàng đầu tư lập kỷ lục 1.000 tỷ đồng (luỹ kế nửa đầu năm đạt 1.792 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước).
LPBank đạt 3.302,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2024, gấp gần 3,5 lần cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận của Ngân hàng ở mức 5.918,9 tỷ đồng, tăng trưởng 142%. Năm nay, LPBank đặt kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm ngoái.
Tại SeABank, lợi nhuận trước thuế quý II/2024 ước đạt 1.732 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2023; luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3.238 tỷ đồng, tăng trưởng 61%.
SeABank cho biết, trong nửa đầu đầu năm 2024, tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 6.011 tỷ đồng, tăng 43%; thu thuần ngoài lãi (NOII) đạt 1.268 tỷ đồng, tăng 39%; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tổng tài sản lần lượt đạt 16,38% và 1,88%. Tính đến cuối quý II/2024, SeABank có tổng tài sản 280.658 tỷ đồng, tổng huy động tiền gửi và giấy tờ có giá 160.926 tỷ đồng (tăng 16.139 tỷ đồng), số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 20.038 tỷ đồng (tăng 59% và chiếm 13,4% tổng huy động).
Nam A Bank cho hay, tính đến hết tháng 6/2024, lợi nhuận trước thuế ước tính hoàn thành hơn 50% kế hoạch cả năm (4.000 tỷ đồng).
Với ACB, Ngân hàng đang thực hiện theo kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2024 là 22.000 tỷ đồng (quý I đạt 4.900 tỷ đồng).
Trong khi đó, PGBank ghi nhận 151,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2024, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận đạt 267,5 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được hơn 48% kế hoạch cả năm.
Ngược lại, BaoViet Bank có lợi nhuận trước thuế quý II/2024 giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, xuống 17,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận là 25,8 tỷ đồng, tăng 4,4%. Theo BaoViet Bank, tổng thu nhập hoạt động nửa đầu năm nay đạt 1.034 tỷ đồng, tăng 50,4%, nhưng chi phí hoạt động tăng 22%, do Ngân hàng tiếp tục đầu tư cho các dự án công nghệ thông tin, tăng chuyển đổi số.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng quý II/2024 dự kiến có nhiều cải thiện, nhưng bức tranh toàn ngành chưa thực sự rõ nét. Lợi nhuận ngành ngân hàng quý II được dự báo tăng trưởng chậm lại ở mức 12%, sau khi đạt mức tăng 14% trong quý I. Nguyên nhân đến từ biên lãi ròng tiếp tục chịu áp lực giảm, khi lãi suất cho vay giảm theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, trong khi lãi suất huy động tăng nhẹ ở hầu hết nhà băng.
Tín dụng cải thiện
Lợi nhuận ngành ngân hàng quý II/2024 được dự báo tăng trưởng 12%, sau khi đạt mức tăng 14% trong quý I.
Tăng trưởng tín dụng cải thiện tích cực trong quý II/2024 là nhân tố chính giúp nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Chẳng hạn, tỷ lệ ROE nửa đầu năm 2024 của ACB đạt 23,4%. Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng vốn huy động của ACB đạt 512.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm; tỷ lệ CASA đạt 22%, nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường. Trong khi đó, tín dụng của ACB đạt 550.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với đầu năm, gấp đôi mức tăng bình quân toàn ngành (6%) và đây là mức tăng trưởng cao nhất trong gần một thập niên qua. Tăng trưởng tốt về quy mô giúp thu nhập lãi của ACB trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ trong quý II/2024 đạt mức tăng trưởng 13%, chủ yếu đến từ các sản phẩm cốt lõi như phí thẻ, thanh toán quốc tế…, đưa tổng thu nhập lũy kế 2 quý đầu năm 2024 lên 16.800 tỷ đồng, tăng trưởng 5,5%.
Trong nửa đầu năm 2024, ACB tiếp tục nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường. Đến cuối quý II/2024, tỷ lệ nợ xấu của ACB ở mức 1,5%. Cũng đến cuối quý II, tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) của Ngân hàng là 82,2%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 17,6%.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, để đạt hiệu quả kinh doanh cao, Ngân hàng đã thúc đẩy các chương trình tín dụng ưu đãi, với lãi suất cạnh tranh. Trong đó, lãi suất cho vay doanh nghiệp từ 6 - 8%/năm, với khách hàng cá nhân là 7 - 8%/năm. ACB không muốn giảm nhịp tín dụng nên phải tính toán, cân đối chi phí để đưa vốn rẻ ra thị trường. Ngân hàng kiểm soát chi phí đầu vào ở mức phù hợp để có thể giảm lãi suất đầu ra, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Trong quý II/2024, tín dụng của ACB tăng gấp đôi so với quý I và kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới. Thực tế, tín dụng luôn tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm của các doanh nghiệp, nên Ngân hàng đang nỗ lực để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho năm 2024 là 16%.
Với LPBank, lợi nhuận tăng trưởng cao trong quý II/2024 chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 3.645 tỷ đồng và lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng 247,5%, đạt 866 tỷ đồng. Theo một lãnh đạo cấp cao của LPBank, kết quả đó là nhờ Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, bên cạnh việc tiết giảm chi phí hoạt động (giảm 15,8% so với cùng kỳ).
Tại SeABank, tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến cuối quý II/2024 đạt 185.959 tỷ đồng, trong đó tín dụng xanh, dư nợ các khoản vay tín dụng xanh tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,91%.
Lãnh đạo một số ngân hàng khác cho hay, ngay từ đầu năm đã triển khai các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nên đến nay đạt mức tăng cao hơn bình quân toàn ngành như tại VietinBank, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 22/6 là 7%, tăng trưởng tín dụng của HDBank đến ngày 30/6 là 13,3%...
Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank chia sẻ, tính đến hết 30/6/2024, dư nợ tín dụng của Agribank tăng hơn 40.000 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó 50% là cho vay lĩnh vực tam nông. Trong 6 tháng cuối năm 2024, mục tiêu của Ngân hàng là tăng trưởng tín dụng tối thiểu 10%. Đặc thù hoạt động của Agribank là có tính chất mùa vụ, dư nợ tập trung vào 6 tháng cuối năm. Hiện nay, ngoài triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, gói cho vay lâm sản, thủy sản 30.000 tỷ đồng, Agribank đang triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi khác.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá, tăng trưởng tín dụng giai đoạn đầu năm 2024 ở mức thấp so với các năm trước do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 đến nay, tín dụng có xu hướng phục hồi. Kết thúc quý II, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, hoàn thành mục tiêu “phấn đấu đến hết quý II/2024 đạt 5 - 6%” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tín dụng các lĩnh vực ưu tiên đều tăng trưởng tốt. Trong đó, tín dụng lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,3%, công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%.