Lợi nhuận ngân hàng sẽ phân hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Tín dụng cải thiện được cho là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý II cũng như nửa đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận quý II toàn ngành được dự phóng sẽ không cao và có sự phân hóa giữa các nhà băng.
Nhờ tín dụng tăng trưởng tích cực, LPBank được MBS dự phóng ghi nhận lợi nhuận quý II tăng trưởng ba chữ số Nhờ tín dụng tăng trưởng tích cực, LPBank được MBS dự phóng ghi nhận lợi nhuận quý II tăng trưởng ba chữ số

Lợi nhuận kỳ vọng cải thiện cùng tín dụng

Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng cho hay, tín dụng quý I của ngân hàng này âm trong quý I và bắt đầu cải thiện trong quý II. Nhờ đó, so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế gần 7.000 tỷ đồng đưa ra cho cả năm nay, ngân hàng này hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh 6 tháng.

Thông tin được Nam A Bank tiết lộ, lợi nhuận 6 tháng đầu năm dự kiến sẽ chạm đỉnh mới, vượt 50% kế hoạch cả năm (kế hoạch lợi nhuận 2024 của Nam A Bank là 4.000 tỷ đồng trước thuế và trong quý đầu năm, nhà băng này đã thu về 1.000 tỷ đồng).

ACB cho biết, Ngân hàng đang thực hiện theo kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho cả năm nay là 22.000 tỷ đồng (quý I đạt 4.900 tỷ đồng)...

Trong báo cáo phân tích về ngành ngân hàng công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra dự báo, năm 2024 tiếp tục là một năm có nhiều thách thức với ngành ngân hàng, song một số tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ có sự cải thiện về tăng trưởng lợi nhuận. Theo đó, VDSC kỳ vọng, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trung bình của các ngân hàng trong danh sách theo dõi sẽ đạt 18% so với cùng kỳ, với thu nhập lãi tăng trưởng 19%.

Lợi nhuận ngân hàng được dự báo sẽ khả quan nhờ tín dụng tăng trưởng tốt hơn từ quý II, khi lãi suất cho vay hợp lý hơn và nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, kéo theo nhu cầu vay sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng tăng lên. Lãi suất huy động có tăng nhưng vẫn ở mức khá thấp nên NIM toàn ngành sẽ phục hồi nhẹ và góp phần vào tăng trưởng thu nhập lãi thuần. Với tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động phục hồi, VDSC cho rằng, ngân hàng sẽ có cơ sở để tăng trích dự phòng nhằm nâng cao khả năng xử lý nợ xấu, kiểm soát chất lượng tài sản.

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho thấy, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý II có cải thiện nhưng chưa thực sự rõ nét so với quý I và chưa đạt được như kỳ vọng của TCTD. Cụ thể, có khoảng 70 - 75,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý III và cả năm 2024. Tính trong cả năm 2024, 86,2% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023. Bên cạnh đó, vẫn có 11% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và 2,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Các TCTD nhận định, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng (nhu cầu gửi tiền, sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ và nhu cầu thanh toán) chỉ phục hồi nhẹ trong quý II/2024, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng. Trong đó, nhu cầu gửi tiền, sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ được nhận định “cải thiện” nhiều hơn so với nhu cầu vay vốn trong cùng kỳ. Tại thời điểm cuối quý II/2024, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp được nhận định cao hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và TCTD khác.

Đồng thời, theo kết quả điều tra của NHNN, các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng trong quý III/2024 có thể “cải thiện” tốt hơn so với quý II/2024 và trong năm 2024 cải thiện so với năm 2023 khi nền kinh tế có nhiều diễn biến tích cực; trong đó, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,3% trong quý III/2024 và tăng 10,1% trong năm 2024, cao hơn mức dự báo 9,9% ghi nhận tại kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,7% trong quý III/2024 và tăng 14,1% trong năm 2024, tăng 0,47% so với mức dự báo 13,6% tại kỳ điều tra trước.

Trong quý II/2024, các TCTD cho biết, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục có biểu hiện “tăng nhẹ”, chưa đạt được kỳ vọng “giảm nhẹ” như kết quả tại thời điểm quý I và tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ giảm trong quý III. Vì thế, lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý II/2024 được đánh giá khó tăng cao.

Khó tăng trưởng ở mức cao

Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, quý II/2024, nhìn chung lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng có mức tăng trưởng không cao, thậm chí một số ngân hàng có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm do so sánh trên mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, lợi nhuận ngành ngân hàng được MBS dự báo tăng trưởng 12% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2024 (14% so với cùng kỳ). Nguyên nhân, NIM sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm (1 - 2%/năm theo yêu cầu của NHNN), trong khi lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng.

Tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ cũng thừa nhận, với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu và ngân hàng phải tập trung tái cơ cấu, xử lý nợ xấu nên khả năng lợi nhuận quý II/2024 sẽ bị ảnh hưởng, không dễ hoàn thành chỉ tiêu đưa ra cho cả năm nay ở mức hơn 1.000 tỷ đồng trước thuế.

BIDV cho biết, hiện Ngân hàng có 16 gói tín dụng ưu đãi quy mô từ 80.000 - 90.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5 - 2,5%/năm so với khách hàng thông thường để thúc đẩy tăng trưởng. Trong gần 6 tháng đầu năm, BIDV giảm lợi nhuận 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng… Đó cũng chính là các yếu tố sẽ tác động lên lợi nhuận của Ngân hàng trong quý II.

Các chuyên gia phân tích của MBS cũng cho rằng, trong quý II/2024, nhìn chung, lợi nhuận sau thuế các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao, thậm chí một số ngân hàng có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm do cùng kỳ năm ngoái ở mức cao như Sacombank, BIDV.

MBS dự báo, Sacombank sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 4% vào cuối quý II, NIM ở mức 3,5%, lợi nhuận sau thuế quý II ước giảm 21% so với cùng kỳ. Còn BIDV được dự báo lợi nhuận quý II giảm 14% so với cùng kỳ do chi phí dự phòng rủi ro tăng 25%, NIM chưa cải thiện rõ rệt do nhà băng này vẫn đang thực hiện chính sách ưu đãi lãi suất cho vay ở mức thấp so với toàn ngành.

Một số ngân hàng được dự báo sẽ có tăng trưởng tín dụng tốt trong nửa đầu năm như LPBank, VPBank, HDBank..., tiền đề để ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong nửa đầu năm. MBS dự phóng lợi nhuận quý II của LPBank tăng 146% so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp của năm trước, cộng với động lực từ tăng trưởng tín dụng đạt 12,8% trong 6 tháng.

Trong khi đó, VPBank được dự phóng sẽ ghi nhận lợi nhuận quý II tăng trưởng 62% so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng tín dụng cuối quý II là 11,5%. NIM của Ngân hàng được cho là sẽ đi ngang so với quý I và đạt mức 5,8%, trong khi chi phí trích lập dự phòng giảm 15% so với quý I.

HDBank được dự phóng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 38% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 9%, NIM tạo đáy trong năm 2023 và đang trên đà cải thiện. Một số ngân hàng khác được dự phóng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong quý II như Eximbank (tăng 29%), Techcombank (tăng 26%), ACB (tăng 20%), VietinBank (tăng 8%), Vietcombank (tăng 4%)...

SSI Research dự báo, trong số 13 ngân hàng, gồm Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, HDBank, Sacombank, TPBank, VIB, MSB và OCB, nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tích cực, tuy nhiên cũng có hai ngân hàng bị đánh giá sẽ có lợi nhuận đi lùi trong quý II.

Đánh giá triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn tích cực, dù có sự phân hóa, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược Dragon Capital cho rằng, ngoại trừ năm 2023, từ năm 2016 - 2022, ngành ngân hàng luôn có lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số và với việc chiếm tỷ trọng hơn 35% giá trị vốn hoá của VN-Index và trên 60% tổng lợi nhuận của VN-Index, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn luôn thu hút sự quan tâm của khối ngoại. Nhóm này đã ghi nhận đà tăng giá trung bình khoảng 14% kể từ đầu năm tới nay, cao hơn mức tăng của chỉ số VN-Index là 10,2%. Ngoài ra, mức định giá hấp dẫn (P/B khoảng 1,7 lần) so với quá khứ, cộng với mức tăng trưởng lợi nhuận (NPAT) khoảng 15-18% và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) khoảng 18-20% là động lực tăng trưởng giá của ngành ngân hàng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục