Lợi nhuận ngân hàng và chuyện lãi vay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những con số lợi nhuận 6 tháng đầu năm khối ngân hàng dần công bố cho thấy vì sao sức ép hạ lãi suất vay ngày càng lớn.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay từ nay đến cuối năm được dự báo xoay quanh mức hiện tại. Ảnh Dũng Minh Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay từ nay đến cuối năm được dự báo xoay quanh mức hiện tại. Ảnh Dũng Minh

Kiếm bộn tiền

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong 6 tháng đầu năm 2021 như huy động vốn thị trường I đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 1,8%; dư nợ tín dụng đạt trên 920.000 tỷ đồng, tăng 9,8%; tín dụng bán lẻ tăng 11,9% so với cuối năm 2020 và chiếm 54,8% tổng dư nợ tín dụng… Kết quả, Vietcombank ghi nhận 14.560 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 57,8% kế hoạch cả năm.

Tại MB, lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 của ngân hàng này đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận Ngân hàng mẹ đạt 7.038 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. Các chỉ số quản trị duy trì ở mức tốt như chi phí trên thu nhập (CIR) đạt khoảng 28,6%, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi hơn 30%, lợi nhuận trước thuế/bình quân đầu người gấp 1,6 lần so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu thấp kỷ lục, dự phòng bao nợ xấu vượt 310%.

FiinGroup cho rằng, mục tiêu lợi nhuận năm 2021 của các ngân hàng không quá khó để thực hiện.

Đối với TPBank, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.007 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng 47,8%.

Tương tự, VietinBank ước đạt 13.000 tỷ đồng lợi nhuận trong nửa đầu năm, tăng khoảng 75% so với cùng kỳ năm ngoái; MSB ước đạt 2.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 3 lần so với cùng kỳ và bằng 85% kế hoạch năm.

LienVietPostBank cho hay, lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 1.700 tỷ đồng, gần bằng 60% kế hoạch cả năm và cao hơn 70% so với 6 tháng đầu năm ngoái.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2021 có thể đạt 13% và GDP tăng 6,5% - dựa trên kỳ vọng nhu cầu quốc tế phục hồi, thúc đẩy các hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nửa cuối năm, nhờ các gói kích cầu và quy trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 hiệu quả. Đồng thời, lãi suất cho vay thấp nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay thúc đẩy các doanh nghiệp vay thêm để phục vụ hoạt động. Các doanh nghiệp sản xuất có thể đạt công suất hoạt động tối đa trong quý III/2021. Du lịch và dịch vụ vốn là hai ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 được dự báo sẽ dần phục hồi từ quý IV/2021.

Theo đó, tăng trưởng dư nợ vay của các ngân hàng, vốn chiếm một nửa tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, có thể vượt hạn mức được cấp cho năm 2021. Tăng trưởng dư nợ của Vietcombank có thể đạt 14%, MB đạt 17%, VIB đạt 26%, Techcombank đạt 14%...

Các chuyên gia phân tích của FiinGroup cho rằng, mục tiêu lợi nhuận năm 2021 của các ngân hàng không quá khó để thực hiện. Thông tư 03/2021/TT-NHNN về giãn thời gian cơ cấu nợ đã giúp ngân hàng tránh lợi nhuận bị ảnh hưởng lớn nhờ được phân bổ thời gian trích lập dự phòng trong 3 năm. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến các ngân hàng “bội thu” chính là nhờ thu nhập từ lãi cũng như hoạt động dịch vụ tăng trưởng.

Giá vốn thấp

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn trên 5.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2021 giảm còn 4,66/năm% và 5,5%/năm, thấp nhất kể từ năm 2017. Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng, lãi suất huy động là 5,37%/năm và 5,98%/năm. Tính chung, mức lãi suất huy động bình quân trên thị trường của hai kỳ hạn này lần lượt là 4,82%/năm và 5,61%/năm.

Lợi nhuận nửa đầu năm 2021 của nhiều ngân hàng ước tính tăng mạnh so với cùng kỳ như MSB tăng gấp 3, VietinBank tăng khoảng 75%, MB tăng 55%, TPBank tăng 47,8%, Vietcombank tăng 36%...

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay ở hầu hết ngân hàng cao gấp đôi so với lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp từ 6 - 9%/năm, nhưng với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay từ 9 - 11,5%/năm.

Báo cáo chiến lược thị trường 6 tháng cuối năm 2021 của VNDIRECT nhận định, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí vốn thấp do chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng duy trì trong nửa cuối năm để hỗ trợ nền kinh tế, cũng như giúp các ngân hàng duy trì thanh khoản ổn định.

Về việc lãi suất liên ngân hàng tăng trong tháng 4 và tháng 5/2021, nhóm phân tích VNDIRECT cho rằng, điều này là do các ngân hàng đã tận dụng nguồn vốn rẻ hơn. Trước đó, lãi suất liên ngân hàng ổn định trong quý I/2021, trong khi tín dụng gia tăng. Cùng với đó, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) của các ngân hàng vào cuối quý I/2021 (ngoại trừ VietinBank và BIDV) không vượt quá mức 80%, so với mức trần 85%. Mặt khác, lãi suất liên ngân hàng cũng đã đảo chiều vào tháng 6.

Một số ngân hàng có tỷ lệ CASA cao và còn dư địa mở rộng đối với mảng ngân hàng bán lẻ như Vietcombank, MB, Techcombank, VietinBank sẽ có nhiều cơ hội cải thiện biên lãi ròng (NIM) hơn.

Thực tế cho thấy, các ngân hàng lãi lớn trong nửa đầu năm 2021 chủ yếu nhờ chênh lệch lãi suất huy động và cho vay ở mức cao. Theo các chuyên gia phân tích, lãi suất huy động giảm mạnh, trong khi lãi suất cho vay giảm chậm khiến NIM của các ngân hàng cải thiện mạnh mẽ, cộng với chi phí hoạt động giảm, nguồn thu từ dịch vụ tăng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm đã giúp ngân hàng bội thu về lợi nhuận. Đó cũng chính là lý do mà Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các nhà băng tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước làn sóng Covid-19 thứ tư.

Sau cuộc họp ngày 12/7/2021, Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã thống nhất phương thức và thời gian thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021 theo chỉ đạo của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Lãi suất tiết kiệm ở mặt bằng thấp, trong khi một số kênh đầu tư khác như chứng khoán thu hút nguồn vốn, khiến tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng chậm lại. Tính đến ngày 21/6/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,48% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,59%), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,35%), trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47% (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,45%).

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục