Lợi nhuận ngân hàng quý I/2023 giảm tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy có sự giảm tốc so với quý liền trước, song đây vẫn là mức tăng trưởng đáng khích lệ với bối cảnh hiện tại.
Lợi nhuận ngân hàng quý I/2023 giảm tốc

Kết quả kinh doanh được cải thiện

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank (mã VPB) chia sẻ, kết thúc quý I/2023, Ngân hàng đạt hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận với tăng trưởng tín dụng 7%, tăng trưởng huy động 11,5%.

Còn ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB (mã ACB) cho hay, lợi nhuận hợp nhất quý I/2023 đạt 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và đạt 26% kế hoạch cả năm.

Về kết quả kinh doanh quý đầu năm 2023, Tổng giám đốc Eximbank (mã EIB) Trần Tấn Lộc thông tin, Ngân hàng ước lãi trước thuế trên 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2022.

Thông tin khá chi tiết, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB (mã SHB) cho biết, tính đến cuối quý I/2023, quy mô cấp tín dụng của SHB đạt khoảng 423.000 tỷ đồng; nguồn vốn huy động trên thị trường 1 (khu vực tổ chức kinh tế và dân cư) đạt khoảng 440.000 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế trong quý đầu năm nay đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2022 và hoàn thành khoảng 35% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023 theo kế hoạch đại hội cổ đông vừa thông qua; tổng tài sản tính đến ngày 31/3/2023 đạt khoảng 571.500 tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với cuối năm 2022.

Liên quan đến kết quả kinh doanh quý I/2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank (mã VCB) Phạm Quang Dũng cho hay, tín dụng của Ngân hàng tăng 2,5%; huy động vốn tăng 3,2% - cao hơn hơn mức tăng chung của ngành. Biên lãi ròng (NIM) của Vietcombank có cải thiện so với năm ngoái khi nhích tăng 0,04%; lợi nhuận riêng lẻ đạt 11.050 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất đạt 11.200 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 26% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Ông Trần Văn Tần, Thành viên Hội đồng quản trị VietinBank (mã CTG) thông tin, tính đến ngày 31/3/2023, dư nợ tín dụng (cả cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) của Ngân hàng tăng 4,6%. Trong đó, cho vay tăng 28.091 tỷ đồng (tăng 4,61%); tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp giảm 1,43%; tổng tài sản tăng 9%, đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng.

Ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính là PGBank (mã PGB) cho biết, tổng thu nhập hoạt động trong quý đầu năm 2023 đạt 391 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2022; chi phí hoạt động tăng 22% lên 186 tỷ đồng; chi phí dự phòng rủi ro giảm 27% xuống còn 51 tỷ đồng. Theo đó, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức 153 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản PGBank ở mức 46.474 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm chủ yếu do Ngân hàng giảm cho vay các tổ chức tín dụng khác và giảm danh mục chứng khoán đầu tư. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 0,3% lên 29.146 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 4,8% lên 32.770 tỷ đồng.

Thông tin dồn dập trên thị trường cho thấy, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 đã bắt đầu với 92/1.648 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết đại diện cho 23,6% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM vừa có ước tính hoặc công bố chính thức về lợi nhuận quý đầu năm nay, theo thống kê từ FiinTrade.

Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý I/2023 của 10/27 ngân hàng đại diện cho 70,6% vốn hóa toàn ngành ước tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù giảm tốc so với mức tăng 33,9% trong quý IV/2022, nhưng với bối cảnh vĩ mô hiện tại, đây vẫn là mức tăng trưởng đáng khích lệ. So với quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế của 10 ngân hàng tăng 17,8% so với quý liền kề trước đó.

Hệ sinh thái lớn là lợi thế

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của các ngân hàng có lợi nhuận tăng cao trong quý I/2023 là BID, ACB, STB hiện ở vùng đỉnh 1 năm, sau khi tăng mạnh 40-60% so với giữa tháng 11/2022.

Báo cáo tài chính của PGBank cho biết, thu nhập lãi thuần trong quý I/2023 - nguồn thu cốt lõi - tăng tới 44,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 339 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng thu nhập lãi cho vay khách hàng. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 32% lên 14 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 32,4% lên 13,5 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư không ghi nhận lãi/lỗ trong kỳ, còn lãi từ hoạt động khác đạt 24 tỷ đồng, giảm 63%.

Còn Tổng giám đốc ACB chia sẻ: “Là ngân hàng bán lẻ và dù bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của nền kinh tế, nhưng tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu khôi phục từ đầu tháng 3/2023, giúp ACB hoàn thành 26% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Ban lãnh đạo Ngân hàng tự tin hoàn thành kế hoạch năm, đi cùng với mức tăng trưởng tín dụng và huy động phù hợp”.

Với VPBank (mã VPB), mặc dù con số lợi nhuận vẫn nằm trong nhóm cao nhất thị trường, nhưng chỉ mới đạt khoảng 20% kế hoạch trong quý I/2023 và công ty con là Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit tiếp tục thua lỗ khiến các cổ đông quan ngại. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank đã nêu 5 lý do để trấn an cổ đông.

Thứ nhất, VPBank có 2 phân khúc chiến lược và các phân khúc này vẫn đang tăng trưởng cao. Cụ thể, phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) dù gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì tăng trưởng tới 35%. Ngoài ra, dư nợ tín dụng phân khúc bán lẻ (Retail) đạt 200.000 tỷ đồng, phát triển cân bằng giữa các nhóm sản phẩm, đóng góp 60% số dư huy động. Riêng trong quý I/2023, huy động phân khúc này tăng 12%.

Thứ hai, VPBank chuyển hướng chiến lược xây dựng tập đoàn tài chính đa năng. Theo đó, phân khúc doanh nghiệp vừa và lớn sẽ từ phân khúc phụ thành phân khúc chính.

Thứ ba, một phân khúc khác có thể tăng trưởng trong năm 2023 là doanh nghiệp FDI. Hiện VPBank đang phục vụ 80 doanh nghiệp FDI, nhưng con số này dự kiến sẽ sớm tăng lên 300-600 doanh nghiệp. Doanh số huy động của phân khúc này cũng dự kiến tăng từ 2.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng. Để hiện thực hóa kế hoạch, VPBank đã tuyển dụng một đội ngũ chuyên nghiệp từ SMBC và xây dựng nhóm có 300 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Thứ tư, công ty chứng khoán mới hoạt động nhưng cũng đóng góp tới 500 tỷ đồng lợi nhuận trong 2022 và dự kiến tăng 3 lần trong năm 2023 nhờ vào việc tăng thêm vốn mới đây.

Thứ năm, một số động lực khác là đưa vào nền tảng công nghệ hỗ trợ khách hàng cá nhân, tiếp tục phát triển ngân hàng số. Năm 2023, VPBank dự kiến tăng 3,5 triệu khách hàng cá nhân mới, từ 9 triệu lên 12,5 triệu khách hàng.

Lý giải về kết quả lợi nhuận quý I/2023, Tổng giám đốc SHB thông tin: “Trong quý đầu năm, SHB tiếp tục đẩy mạnh chiến lược bán lẻ và gia tăng các nguồn thu dịch vụ. Chiến lược chuyển đổi số đang phát huy hiệu quả và giúp tối ưu hóa vận hành”.

Theo các chuyên gia của FiinTrade, với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đã niêm yết (gồm Vietcombank, BIDV và VietinBank), tăng trưởng lợi nhuận được hỗ trợ bởi tín dụng tăng và NIM ổn định. Riêng BIDV, áp lực trích lập dự phòng giảm giúp ngân hàng này cải thiện lợi nhuận quý đầu năm nay.

Với nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, ngoại trừ các ngân hàng với tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản ở mức cao (bao gồm Techcombank - mã TCB) có lợi nhuận giảm do tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, hầu hết có lợi nhuận sau thuế quý I/2023 ước tăng trưởng so với cùng kỳ 2022, dẫn đầu là Sacombank (mã STB, +57%) và ACB (+24,6%). Tuy nhiên, việc tín dụng tăng rất thấp, thậm chí giảm ở một số ngân hàng bán lẻ (ACB, VIB) là điểm cần lưu ý.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của các ngân hàng có lợi nhuận tăng cao trong quý I/2023 là BID, ACB, STB hiện ở vùng đỉnh 1 năm, sau khi tăng mạnh 40-60% so với giữa tháng 11/2022.

Theo kết quả điều tra tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố, lợi nhuận tuy có sự “cải thiện” nhưng tốc độ tăng đã chậm lại so với quý trước đó. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá, lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 có tăng trưởng nhưng chưa đạt kỳ vọng.

Tuy nhiên, có 66,7-79,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2023 và 88,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, có 5,7% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và một tỷ lệ tương tự TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Đáng chú ý, trong quý I/2023, các TCTD tiếp tục đánh giá các nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực, giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng. Trong đó, “nhu cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” cùng với “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được kỳ vọng là những yếu tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý II/2023 và cả năm 2023.

Hà An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục