Ngân hàng tuần qua: Trái phiếu, lợi nhuận nóng mùa ĐHĐCĐ; Doanh nghiệp sắp được cơ cấu nợ

(ĐTCK) Cao điểm ĐHĐCĐ ngân hàng diễn ra tuần qua với hàng loạt vấn đề nóng như: cổ tức, lợi nhuận, TPDN, sáp nhập ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN ban hành thông tư cơ cấu nợ, lãi suất liên ngân hàng giảm sâu… cũng là tâm điểm tuần này.

ĐHĐCĐ Techcombank: Lợi nhuận đi lùi, có thể là năm cuối cùng không chia cổ tức tiền mặt

Năm nay, Techcombank là ngân hàng đầu tiên năm nay trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận đi lùi (giảm 14% so với năm 2022, đạt 22.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất).

Trả lời chất vấn của cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho hay, trước khi trình ĐHĐCĐ, ngân hàng đã đưa ra nhiều phương án: 28.000 tỷ, 22.000 tỷ và có thể thấp hơn. Sau đó, Ban lãnh đạo ngân hàng đã lựa chọn phương án tương đối thận trọng nhất.

“Trong giai đoạn khó khăn thì thận trọng vẫn tốt hơn. Nếu thị trường phục hồi chúng tôi tin rằng kết quả sẽ tốt hơn”, Chủ tịch Techcombank kỳ vọng.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank

Năm 2022, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn đã gây ảnh đến Techcombank, do ngân hàng có tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản lớn.

Việc ngân hàng có tỷ lệ tập trung quá lớn vào bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp khiến cổ đông lo ngại. Có cổ đông chất vấn về việc ngân hàng nên chăng thay đổi mô hình hoạt động, đa dạng hóa danh mục để giảm rủi ro.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho hay, mô hình mà Techcombank đang theo đuổi là tăng CASA, là lợi nhuận cao, rủi ro thấp. Riêng về bất động sản, Techcombank đang tập trung vào những khách hàng tốt, kể cả giai đoạn khó khăn, ngân hàng vẫn quản trị được rủi ro, lợi nhuận ổn định.

“Chúng ta không đi dàn trải, nhưng không có nghĩa là không đa dạng, mà Techcombank cũng đang đẩy mạnh các phân khúc khác. Phân khúc SME, tiêu dùng phát triển trên nền tảng tốt số hoá, thời gian tới sẽ đẩy mạnh hơn.

Về bất động sản, đúng là Techcombank có lượng cho vay cao. Nhưng như tôi chia sẻ, phần nhiều nằm ở cho vay cá nhân có nhu cầu mua nhà. Còn với Dự án, Techcombank chọn được những khách hàng tốt, pháp lý đầy đủ, vẫn tiếp tục triển khai kể cả trong giai đoạn khó khăn. Techcombank đang kiểm soát rất tốt chất lượng nợ cũng như tỷ lệ nợ xấu”, ông Hồ Hùng Anh khẳng định.

Về trái phiếu doanh nghiệp - tâm điểm lo ngại của thị trường thời gian qua - lãnh đạo Techcombank cho biết ngân hàng luôn quản lý đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như một khoản vay, có tài sản đảm bảo. Chính vì vậy, dù là ngân hàng có tỷ trọng tư vấn phát hành trái phiếu rất lớn, nhưng chưa trái phiếu nào mà TCBS tư vấn bị quá hạn mà không thanh toán. Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị giảm sút rất mạnh song Chủ tịch Techcombank cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ quay trở lại.

Riêng với dự án Masterise - nằm trong hệ sinh thái Techcombank - lãnh đạo ngân hàng này khẳng định Masterise không phải là chủ đầu tư bất động sản, mà chỉ là đơn vị phát triển, bắt tay với các chủ đầu tư và thu phí. Techcombank không có hoạt động tín dụng tài trợ đầu tư dự án bất động sản cho Masterise. Các dự án phát triển (Development) của Masterise vẫn hoạt động tốt.

Cho rằng, nợ xấu với lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang được kiểm soát tốt, nên lãnh đạo Techcombank trấn an cổ đông không cần quá lo lắng khi vừa bị Moody's hạ bậc tín nhiệm.

“Việc hạ bậc tín nhiệm của Techcombank không có nghĩa ngân hàng kém đi. Chúng tôi không thấy bất kỳ vấn đề nào về rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn của Techcombank. Moody’s nhận thấy thị trường bất động sản Việt Nam có dấu hiệu tiêu cực, trong khi Techcombank là đơn vị cho vay bất động sản cao. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến đơn vị này hạ bậc tín nhiệm đối với Techcombank”, Tổng giám đốc Techcombank khẳng định.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, Techcombank cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), để nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên trên 94%.

Theo lãnh đạo Techcombank, TCBS hoạt động hiệu quả trong 5 năm qua và trở thành một công ty chứng khoán hàng đầu với tỷ lệ sinh lời (ROA và ROE) luôn được giữ ở mức cao. Tuy nhiên, khả năng phát triển mở rộng kinh doanh của công ty bị giới hạn bởi vốn chủ sở hữu (cụ thể là giới hạn đầu tư trái phiếu là 70% vốn chủ sở hữu và giới hạn cho vay margin bị giới hạn là 200% vốn chủ sở hữu).

Chính vì vậy, TCBS có kế hoạch tăng vốn từ việc chào bán riêng lẻ cho Techcombank với số tiền tối đa là 10.242 tỷ đồng với giá mỗi cổ phần là 97.542 đồng. Ngân hàng dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của TCBS với số tiền nêu trên. Sau đầu tư, tỷ lệ sở hữu của Techcombank tại công ty chứng khoán này sẽ tăng từ 88,8% lên 94,22%.

Thị trường chứng khoán đang gặp nhiều bất lợi khiến một số cổ đông tỏ ra lo ngại về chủ trương này. Dù vậy, ông Hồ Hùng Anh cho rằng,công ty chứng khoán trong năm 2022-2023 có những biến động, nhưng thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi lại. TCBS là đơn vị dẫn đầu về tư vấn trái phiếu cũng tư như vấn phát hành, nên việc tập trung thế mạnh là điều phù hợp.

Về cổ tức, như thường lệ, năm nay, Techcombank tiếp tục trình cổ đông phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau trích lập các quỹ mà không chia cổ tức cho cổ đông. Hiện tổng lợi nhuận chưa sử dụng của Techcombank tính đến ngày 1/1/2023 đạt hơn 58.000 tỷ đồng. Đây sẽ là năm thứ 12 ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Mặc dù vậy, Techcombank vẫn tiếp tục phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Năm nay, ngân hàng này dự kiến sẽ phát hành hơn 3,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được sẽ dùng để bổ sung vốn hoạt động của nhà băng. Nếu được thông qua, đây là năm thứ 6 liên tiếp Techcombank phát hành hàng triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên.

Nhiều cổ đông bày tỏ về việc ngân hàng 12 năm liên tiếp không chia cổ tức và đề nghị chia cổ tức tiền mặt, ông Hồ Hùng Anh cho rằng, chia cổ tức bằng tiền mặt phụ thuộc vào chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư vào phát triển ngân hàng. Năm nay có thể là năm cuối cùng Techcombank không chia cổ tức tiền mặt. Từ góc nhìn cá nhân, Chủ tịch Techcombank cho rằng, giá trị tương lai của Techcombank sẽ gấp 5-10 lần hiện tại.

ĐHĐCĐ MSB: Đợi bán FCCOM mới chia cổ tức, cổ đông không thông qua sáp nhập ngân hàng khác

Chiều nay (21/4), MSB tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. HĐQT đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2023 khiêm tốn, không chia cổ tức năm 2022 và trình kế hoạch sáp nhập một ngân hàng TMCP khác.

Năm nay kế hoạch kinh doanh được MSB đề ra rất thận trọng: Tổng tài sản 230.000 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận trước thuế 6.300 tỷ đồng tăng 9%; dư nợ tín dụng dự kiến 141.700 tỷ đồng, tăng 15% ( tùy theo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp theo chính sách điều hành từng thời kỳ), huy động vốn tăng 10%, nợ xấu duy trì dưới 3% theo quy định.

Đặc biệt, năm nay, MSB dự định không chia cổ tức (kể cả tiền mặt và cổ phiếu) cho lợi nhuận năm 2022. HĐQT đề xuất cổ đông giữ nguyên vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại, khi tình hình tích cực hơn sẽ trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức/cổ phiếu thưởng phù hợp với lợi nhuận tạo ra năm 2023. Kết thúc năm 2023, sau khi trích lập các quỹ, nguồn lợi nhuận còn lại của ngân hàng là 3.923 tỷ đồng.

Chia sẻ về kế hoạch tăng trưởng khiêm tốn cho năm 2023, lãnh đạo MSB cho biết, năm nay, mục tiêu ưu tiên của ngân hàng là phát triển bền vững, tập trung công tác quản trị vững mạnh, tiếp tục gia tăng hàm lượng số hóa trong sản phẩm – dịch vụ.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc không chia cổ tức năm 2022, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB cho hay, không phải ngân hàng không chia cổ tức. Tuy nhiên, ngân hàng vừa tăng vốn lên 20.000 tỷ đồng, ban lãnh cũng kỳ vọng có thể thể bán FCCOM với mức lợi nhuận cao, lúc đó sẽ chia cổ tức cho cổ đông với mức tốt hơn.

"Chúng ra sẽ thực hiện chia cổ tức nhưng ở thời điểm hiện tại chúng ta đang cân nhắc tỷ lệ cho nó thực sự hấp dẫn. Tôi vẫn khẳng định lợi nhuận để lại là thuộc quyền lợi và tài sản của cổ đông, không có lựa chọn nào khác", CEO MSB khẳng định.

Cũng tại tại ĐHĐCĐ chiều nay, HĐQT MSB cho biết thông tin cụ thể về lý do thoái vốn chưa thành công khỏi FCOM cũng như kế hoạch sáp nhập với một ngân hàng.

Cụ thể, năm vừa qua, Hội đồng điều hành MSB đã làm việc với nhiều đối tác là các định chế tài chính nước ngoài có kinh nghiệm trng lĩnh vực tài chính, ngân hàng về việc bán vốn cổ phần của MSB tại FCCOM. Các phương án đàm phán được lựa chọn bao gồm bán một phần hoặc 100% vốn tại FCCOM để MSB tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực cốt lõi.

Kế hoạch này bước đầu diễn ra khá thuận lợi với nhiều định chế tai chính quốc tế quan tâm. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới cũng như Việt Nam biến động theo chiều hướng tiêu cực ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư ra nước ngoài trên thế giới. Thêm vào đó, NHNN tăng lãi suất huy động kéo theo dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán khiến giá cổ phiếu toàn thị trường sụt giảm mạnh. Các yếu tố bất lợi này đã làm ảnh hưởng đến giá chào mua ban đầu của các đối tác, khiến cho việc đàm phán thoái vốn chưa thể hoàn thiện trong năm 2022.

Để đảm bảo bảo lợi ích cho cổ đông, Ban lãnh đạo MSB nghiên cứu lại các phương án mới, không loại trừ sẽ tìm ra định hướng chiến lược mới cho FCCOM. Dự kiến, kế hoạch thoái vốn này sẽ được nghiên cứu kỹ hơn và có khả năng khởi động lại, triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn trong năm 2023-2024 và sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua theo quy định.

Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ hôm nay, HĐQT ngân hàng đã trình cổ đông phương án sáp nhập thêm một ngân hàng. Trước đó, ngân hàng này đã có kinh nghiệm trong việc sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính Dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của NHNN.

Tổ chức tín dụng sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt. Tới thời điểm hiện tại, danh tính của đơn vị sẽ sáp nhập vẫn chưa được công bố.

HĐQT sẽ được quyết định các nội dung liên quan đến việc nhận sáp nhập, gồm nhưng không giới hạn ở nội dung phương án sáp nhập, các điều kiện thực tế triển khai, thời hạn cụ thể nhận sáp nhập, phương án phát hành, hoán đổi cổ phiếu trái phiếu, chuyển đổi tài sản.

Nếu M&A thành công, 2 bên có thể khai thác được những lợi thế của nhau, tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra cơ hội kinh doanh mới.

Liên quan tới vấn đề sáp nhập ngân hàng khác, Chủ tịch HĐQT MSB Trần Anh Tuấn cho hay, vấn đề sáp nhập ngân hàng HĐQT không quyết mà đưa ra xin ý kiến cổ đông và việc này cuối cùng cũng phải phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của NHNN.

Tuy vậy, tờ trình sáp nhập một ngân hàng của MSB không được ĐHĐCĐ thông qua khi chỉ có hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án sáp nhập.

ĐHĐCĐ VietinBank: Lợi nhuận quý I khả quan, không có bất kỳ phản hồi nào về bảo hiểm

Ngày 21/04/2023, VietinBank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Thông tin tại Đại hội, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, quý I/2023, VietinBank đạt kế hoạch kinh doanh tích cực: Tổng tài sản tăng 0,9%, tương đương tăng thêm 16.000 tỷ đồng, đưa tổng tài sản lên trên 1,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, riêng dư nợ tín dụng tăng tới 4,6%, thuộc top ngân hàng có tín dụng tăng tốt nhất hệ thống (cao gấp đôi mức độ tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống).

Dự kiến cả năm, lợi nhuận trước thuế của VietinBank sẽ tăng tăng 10-15%.

Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình.
Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình.

Thông tin thêm về tín dụng, ông Trần Văn Tần, thành viên HĐQT VietinkBank cho hay, năm 2023, room tín dụng mà ngân hàng được cấp là 8,7%. Tính đến 31/3/2023: Dư nợ tín dụng (cả cho vay khách hàng + trái phiếu doanh nghiệp) tăng 4,6%. Trong đó, dư nợ cho vay tăng 4,61% và dự nợ trái phiếu đoanh nghiệp giảm 1,43%

Liên quan đến vấn đề bán chéo sản phẩm bảo hiểm tại ngân hàng (bancas) đang được dư luận quan tâm, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành rất lạc quan về tiềm năng tăng trưởng.

Theo ông Dũng, Bancas là hoạt động bình thường của các ngân hàng thương mại. Năm 2022 là một năm bản lề trong hoạt động bancassurance. Đối với mảng nhân thọ là năm đầu hợp tác Manulife và với mảng phi nhân thọ, Công ty Bảo hiểm VietinBank (VBI) có kiện toàn nhân sự cấp cao cũng như điều chỉnh về phương thức triển khai hoạt động.

Cuối năm 2022, VietinBank đứng thứ 9/25 về mảng chéo bản hiểm trong số các ngân hàng. Hoa hồng đạt được từ mảng nhân thọ là 418 tỷ đồng, và phi nhân thọ là 416 tỷ đồng, đóng góp 26% thu phí hoạt động bán lẻ. Bước sang quý I/2023, mặc dù thị trường có nhiều khó khăn, song VietinBank vươn lên xếp hạng thứ 5/25 các ngân hàng.

Trong năm 2023, VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng khá thách thức với mảng bảo hiểm với mục tiêu doanh thu phí đạt 4.080 tỷ đồng, tăng 30%, thu phí bảo hiểm về ngân hàng đạt 809 tỷ đồng trong đó mảng nhân thọ qua Manulife tăng 51%.

Hiện tại, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại VietinBank mới đạt 0,25%, vì vậy, tiềm năng tăng trưởng là rất lớn nếu có định hướng đúng, giải pháp đúng. Ông Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, mảng Bancas sẽ còn mang lại giá trị gia tăng rất lớn cho VietinBank.

Mặc dù thị trường bảo hiểm đang hứng chịu nhiều lùm xùm do chất lượng tư vấn bán bảo hiểm ở nhiều ngân hàng có vấn đề, song ông Dũng khẳng định, việc đào tạo tư vấn viên và quy trình bán bảo hiểm tại VietinBank rất nghiêm khắc, do đó từ năm 2022 đến nay, ngân hàng chưa nhận được chưa nhận được phản hồi tiêu cực nào từ khách hàng, cơ quan báo chí hay cơ quan giám sát về lĩnh vực này.

“VietinBank xác định sản phẩm Bancas là nhằm mục đích phục vụ khách hàng, do đó chúng tôi cực kỳ nghiêm khắc trong việc chuẩn mực nghiệp vụ quy trình Bancas và đào tạo nhân viên bán, đồng thời thông qua bộ máy kiểm soát nội bộ để kiểm soát, đánh giá các tư vấn viên có thực hiện đúng các chuẩn mức đạo đức hay không”.

Để thực hiện mục tiêu doanh thu bảo hiểm tham vọng năm 2023, đại diện Ban Điều hành cho biết, ngân hàng đề ra hàng loạt giải pháp.

Thứ nhất, cực kỳ nghiêm khắc, chuẩn mực trong quy trình tuyển dụng, đào tạo tư vấn viên; chuẩn mực trong tra soát nội bộ để đánh giá tư vấn viên, đảm bảo tư vấn viên trong quá trình bán bảo hiểm là tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Thứ hai, thực hiện bán bảo hiểm theo gói, tư vấn kỹ, thông tin trung thực, chính xác, lựa chọn phương thức bảo hiểm kết hợp với các sản phẩm khác để khách hàng hiểu rõ và mang lại kết quả cao nhất cho khách hàng.

Thứ ba, đa dạng hóa tệp khách hàng của sản phẩm Bancas. Trước đây, VietinBank chủ yếu tập trung bán chéo sản phẩm cho khách hàng vay vốn, khách hàng VIP. Tuy nhiên, năm nay, ngân hàng sẽ mở rộng sang cả tệp khách hàng khác.

Thứ tư, ngân hàng sẽ thực hiện số hóa bán bảo hiểm với nền tảng kỹ thuật cho phép.

Thứ năm, ngân hàng sẽ cùng các đối tác thực hiện các chương trình trao đổi, gặp gỡ khách hàng và thiết kế các giải pháp riêng biệt cho khách hàng theo nhu cầu từng vùng miền, ngành nghề, độ tuổi, loại hình, ngành nghề,...

ĐHĐCĐ Vietcombank: Lên kế hoạch tăng vốn khủng, đang thuê tư vấn bán 6,5% vốn cho nước ngoài

Ngày 21/4, Vietcombank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Kết thúc quý 1/2023, lợi nhuận của Vietcombank ước tăng 14%, đạt 11.200 tỷ đồng. Ngân hàng đang có nhiều kế hoạch tăng vốn, thực hiện làm nhiều đợt, bao gồm cả việc phát hành riêng 6,5% cho đối tác nước ngoài.

Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Vietcombank đang triển khai 3 nội dung tăng vốn gồm:

Nội dung thứ nhất, theo nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 đã thông qua là tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành tăng vốn 18,1%. Ngày 19/4, NHNN đã thông qua đề xuất tăng vốn này. Nếu không có gì thay đổi, một tháng nữa sẽ hoàn thành tăng vốn theo phương án này.

Nội dung tăng vốn thứ hai đã thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường mới đây (tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước trước năm 2018). Mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ tăng thêm là 58,4%. Chủ trương tăng vốn đã được NHNN và Bộ tài chính thống nhất và đang chuẩn bị các thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Theo quy định, với mức tăng vốn như trên phải được Quốc hội thông qua.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank

Nội dung tăng vốn thứ ba là kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng đang triển khai các bước theo thủ tục và đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn tài chính. Dự kiến, Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại trong năm 2023 - 2024.

Phó tổng giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yến cho biết, nội dung tăng vốn thứ nhất (trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận 2020 và lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 18,1%) sẽ được triển khai các bước và thực hiện trong tháng 5/2023. Chương trình thứ 2 là trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2021 và lợi nhuận còn lại đến trước năm 2018 với quy mô 27.000 tỷ đồng hiện đang xin các cấp có thẩm quyền.

Về nội dung phân phối lợi nhuận năm 2022, ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại là hơn 21.000 tỷ đồng.

Về việc nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, Vietcombank khẳng định đây là cơ hội, động lực tăng trưởng mới cho ngân hàng giai đoạn tới. Do chưa chính thức nhận chuyển giao nên ngân hàng chưa đưa vào kế hoạch năm 2023.

ĐHĐCĐ VPBank: Lý giải nợ xấu, cam kết chia cổ tức tiền mặt 5 năm tới

Ngày 18/4, Ngân hàng TMCP VPBank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, trong quý I/2023, tăng trưởng tín dụng và huy động của ngân hàng mẹ khá tốt: tín dụng tăng 7%, huy động vốn tăng 11,5%. Mặc dù vậy, lợi nhuận của ngân hàng mẹ chỉ đạt 4.000 tỷ đồng, nguyên nhân là trong kỳ, ngân hàng trích lập dự phòng tới 2.600 tỷ đồng. Chưa kể, FE Credit vẫn còn khó khăn, ghi nhận lỗ trong quý I/2023.

Với 4.000 tỷ đồng lợi nhuận đạt được, ngân hàng mẹ VPBank mới đạt 1/5 mục tiêu lợi nhuận cả năm, trong khi đã trải qua 1/4 thời gian của năm. Mặc dù vậy, Ban lãnh đạo VPBank vẫn không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2023.

Theo ông Vinh, động lực tăng trưởng năm 2023 của VPBank đến từ nhiều mảng.

Thứ nhất, VPBank tiếp tục tăng trưởng phân khúc chiến lược Retail (bán lẻ) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Mảng Retail của ngân hàng dự kiến tăng 40% và mảng SME tăng 35% quý I/2023.

Thứ hai, phân khúc khách hàng FDI cũng sẽ tăng trưởng mạnh thời gian tới. Hiện VPBank đang phục vụ cho 80 doanh nghiệp FDI, nhưng con số này dự kiến sẽ sớm tăng lên 300 - 600 doanh nghiệp. VPBank đang hướng tới phát triển cung cấp dịch vụ cũng như tăng huy động từ nhóm khách hàng này. Mục tiêu của ngân hàng là nâng doanh số huy động của nhóm doanh nghiệp FDI từ 2.000 tỷ đồng hiện nay lên 10.000 tỷ đồng. Để hiện thực hóa kế hoạch, ngân hàng đã thành lập bộ phận riêng về khách hàng FDI với sự hỗ trợ mạnh mẽ của đối tác chiến lược SMBC.

Ngoài ra, mảng chứng khoán và bảo hiểm cũng sẽ gia tăng mức độ đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng. Năm 2022, công ty chứng khoán mới hoạt động nhưng cũng đóng góp tới 500 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất của VPBank và dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần trong năm nay nhờ việc mới tăng vốn vừa qua.

“Mặc dù lợi nhuận quý I mới chỉ đạt 4.000 tỷ đồng, nhưng mục tiêu 24.000 tỷ đồng không quá xa. Bởi lẽ, vào quý III và quý IV, ngân hàng thường bứt tốc mạnh hơn và nợ xấu cũng sẽ giảm”, Tổng giám đốc VPBank tự tin.

Do khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản cũng như khó khăn của nền kinh tế nói chung, nợ xấu bắt đầu tăng trở lại. Tại VPBank, nợ xấu tăng trong quý I/2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong quý II. Điều này khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Mặc dù vậy, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, với các giải pháp hỗ trợ khách hàng mà ngân hàng đang thực hiện, nợ xấu sẽ giảm đáng kể nửa cuối năm. Mục tiêu của ngân hàng là nợ xấu cả năm nay ở mức 2,2%.

Lãnh đạo VPBank cũng cho rằng, về phòng thủ nợ xấu, VPBank không hề thua kém các ngân hàng khác trên thị trường. So với các ngân hàng khác, nợ xấu của VPBank có điểm khác biệt là chủ yếu do nợ cho vay tiêu dùng (tại FE Credit), đa số khoản vay không có tài sản đảm bảo nên khi thành nợ xấu thì phải dùng tiền để xử lý. Chính vì vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VPBank không cao như một số ngân hàng khác song thực chất lại đủ để đảm bảo xử lý mọi rủi ro xảy ra. Hiện tổng dự phòng rủi ro của VPBank là hơn 19.000 tỷ và hơn một nửa để write off (xóa bỏ) nợ xấu.

Ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, năm nay, FE Credit vẫn sẽ tiếp tục khó khăn và đang trong quá trình tái cơ cấu, thiết lập lại mô hình tăng trưởng bền vững. Dù vậy, tài chính tiêu dùng vẫn là lĩnh vực tiềm năng trong 10 năm tới vì hiện vẫn còn tới hơn 60% dân số chưa thể tiếp cận vốn ngân hàng.

ĐHĐCĐ VPBank năm 2023 đã thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt 10% năm nay sau một thời gian dài liên tục nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho hay: “Trong chiến lược 5 năm 2022 - 2026, chúng tôi đã đưa mục tiêu chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền. Với nền tảng chúng ta có được, VPBank sẽ duy trì tăng trưởng cao và đủ dành 30% lợi nhuận hàng năm để chia tiền mặt cho cổ đông”.

Với thương vụ bán 15% vốn cho SMBC, VPBank đang trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ hai hệ thống. Chủ tịch VPBank tin tưởng, thương vụ này giúp ngân hàng có nền tảng vốn vững chắc để nâng cao sản phẩm, dịch vụ tài chính, đáp ứng nhu cầu của mọi phân khúc khách hàng, đặc biệt là những phân khúc trước nay chưa làm mạnh như nhóm khách hàng lớn, FDI.

Với tư cách cổ đông chiến lược, SMBC sẽ chia sẻ bí quyết về quản trị doanh nghiệp cho VPBank. Ngoài ra, với mạng lưới quốc gia đa dạng, SMBC sẽ giúp VPBank huy động vốn với vị thế tốt hơn trên trường quốc tế. Đồng thời, VPBank cũng có thể tiếp cận hơn 200.000 khách hàng của SMBC khi họ tham gia vào thị trường Việt Nam.

Theo tiết lộ của Chủ tịch VPBank, hôm qua (17/4), VPBank nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ, tương đương hơn 3.590 tỷ đồng. Còn một số thủ tục khi phát hành riêng lẻ, dự kiến sẽ kéo dài 2 - 3 tháng. Dự kiến cuối tháng 7, đầu tháng 8 sẽ hoàn tất thương vụ, khi đó đối tác sẽ chuyển tiền vào.

Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ giảm sâu, Ngân hàng Nhà nước hút ròng

Ngày 21/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh 0,12 – 0,54 % ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó.

Lãi suất qua đêm giảm mạnh nhất (giảm 0,54% so với hôm qua, giảm 2,22% so với tuần trước), chỉ còn 3,23%. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần còn 3,7%, giảm 1,82% so với tuần trước. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng cũng về mức dưới 5%, giảm 0,68% so với tuần trước.

Ngày 20/4, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 20.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn song có 6.177,31 tỷ đồng đáo hạn. Đây cũng là số tiền mà NHNN hút ròng ngày hôm qua thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Như vậy, trong 4 ngày đầu tuần này, NHNN đã hút ròng gần 13.500 tỷ đồng qua thị trường mở.

Trên thị trường 1, lãi suất tiền gửi niêm yết tại các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh theo chiều hướng giảm. Mức giảm lên tới 0.5-1% chỉ trong vòng 1 tháng gần đây.

Hiện nay chỉ còn vài ngân hàng như SCB, OCB, ABBank có lãi suất huy động ở mức 9%/năm, áp dụng ở kỳ hạn dài. Đại đa số các ngân hàng khác đều đã đưa lãi suất huy động các kỳ hạn về dưới 9%/năm. Riêng lãi suất cao nhất ở nhóm ngân hàng big 4 chỉ 7,2%/năm; lãi suất 6 tháng là 5,8%/năm.

Trong quý I/2023, tín dụng tăng trưởng thấp, nền kinh tế xuất siêu, NHNN mua 4 tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối, lãi suất điều hành giảm… khiến thanh khoản hệ thống dồi dào và lãi suất rẻ hơn.

Công ty chứng khoán KBSV cho rằng, NHNN sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, với kịch bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4-4,5%, áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022. Hơn nữa việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt, và FED được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý 2/2023, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%. Bên cạnh đó, NHNN có thể sẽ hạ tiếp các loại lãi suất chính sách thêm 0.5% trong quý 2/2023 để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.

Quý I/2023, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,119 tỷ USD

Kết thúc quý I/2023, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,119 tỷ USD, tăng 19,41% so với quý I/2022.

Có thể thấy, lượng kiều hối chuyển về TP. HCM trong quý vừa qua đạt mức tăng trưởng cao. Nếu như tốc độ tăng trưởng trong quý I/2022 đạt mức 14,2% thì quý I/2023 đạt mức tăng trưởng cao hơn nhiều là 19,41%.

Bên cạnh đó, lượng kiều hối chuyển về TP. HCM trong quý I/2023 cũng bằng khoảng 32% tổng lượng kiều hối chuyển về địa bàn trong năm 2022.

Mặt khác, nguồn kiều hối chuyển về từ châu Á (khu vực ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng kiều hối chuyển về TP. HCM trong quý I, chiếm 43%, đồng thời tăng khoảng 84% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này góp phần giúp kiều hối trong quý I/2023 tăng trưởng cao, mặc dù tại các khu vực khác như châu Mỹ, châu Phi, châu Đại dương kiều hối chuyển về giảm do điều kiện kinh tế khó khăn và lạm phát tăng.

Ngoài ra, việc kiều hối gửi về TP. Hồ Chí Minh trong quý vừa qua tăng trưởng 19,41% là kết quả tích cực trong bối cảnh hiện nay. Nguồn lực này sẽ cùng với các nguồn vốn khác từ nền kinh tế, góp phần vào phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ cũng như tham gia vào các thị trường, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Đồng thời, đây cũng là điểm sáng phản ánh môi trường đầu tư của đất nước ngày càng thuận lợi, cho thấy sự quan tâm và lòng yêu nước của kiều bào, sự chịu khó và tích lũy của người lao động Việt Nam tại nước ngoài…

Trước đó, số liệu vừa được công bố chính thức cho thấy, lượng kiều hối gửi về TP. HCM năm 2022 đạt 6,603 tỷ USD. Trong hai năm gần đây, những khó khăn do đại dịch, do khủng hoảng kinh tế, do xung đột địa chính, do lạm phát… trên thế giới được phản ánh rất rõ qua sự biến động của nguồn kiều hối chuyển về qua từng năm.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM, năm 2022, lượng kiều hối chuyển về chỉ tính riêng trên địa bàn TP. HCM đạt 6,603 tỷ USD (số liệu chính thức), giảm 6,67% so với năm 2021.

Nguyên nhân chính chủ yếu là do khó khăn kinh tế của một số quốc gia và khu vực kinh tế, xuất phát từ xung đột địa chính trị, giá dầu mỏ tăng cao, lạm phát và suy giảm kinh tế… Tất cả các yếu tố này tác động trực tiếp đến thu nhập, đến tích lũy và tiết kiệm của kiều bào, của người lao động, làm giảm lượng kiều hối chuyển về trong năm.

Còn tổng lượng kiều hối về Việt Nam năm 2022 tăng trưởng gần 5% so với năm 2021 và đạt gần 19 tỷ USD. Cụ thể, theo báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) thực hiện, Việt Nam - đất nước được đánh giá xứng đáng vươn tới vị thế “con hổ mới châu Á” - tiếp tục là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới.

Kiều hối là sự dịch chuyển của dòng tiền từ kiều bào hoặc từ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình. Các loại tài sản được xem là kiều hối gồm: tiền hoặc các loại giấy tờ có giá, có đơn vị ngoại tệ, vàng tiêu chuẩn quốc tế. Đối với các nước, đặc biệt là quốc gia đang phát triển, kiều hối mang lại những lợi ích tích cực và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.

Báo cáo trên nhận định, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm qua, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước.

Theo số liệu của WB và KNOMAD, tổng lượng kiều hối về Việt Nam tăng trưởng gần 5% trong năm 2022 và từ 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo, sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021.

Mức tăng này tương đương khoảng 1 tỷ USD và đạt gần 19 tỷ USD, nằm trong top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối.

Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Australia, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối là nguồn lực vàng đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời hỗ trợ và phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, đây là nguồn lực từ tích lũy, từ tiết kiệm và thu nhập của kiều bào, của người lao động nước ngoài gửi về.

Vì vậy, ngoài yếu tố cơ chế chính sách về ngoại hối; về lao động nước ngoài; về môi trường cũng như mạng lưới và dịch vụ chi trả, thì kiều hối còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và khu vực trên thế giới nơi kiều bào sinh sống, người lao động làm việc.

Các năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách phù hợp hơn đối với kiều bào và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để khơi dòng kiều hối.

Dự thảo Thông tư cơ cấu nợ: Gỡ nghẽn dòng tiền, chỉ cơ cấu nợ cho doanh nghiệp có khả năng trả nợ

Dự thảo cũng quy định ngân hàng phải trích lập dự phòng 100% cho nợ cơ cấu lại, cán bộ cấp tín dụng không được xét duyệt cơ cấu nợ, tránh trục lợi chính sách.

NHNN vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về việc tổ hức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, về cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, dự thảo Thông tư quy định: tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP) trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đáp ứng đầy đủ 7 điều kiện.

Thứ nhất, khoản nợ phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Thứ ba, được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Thứ tư, khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ khi được cơ cấu lại.

Thứ năm, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Thứ 6, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của khách hàng, không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thứ bảy, việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo Thông tư này được thực hiện từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Về giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ, dự thảo Thông tư quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm gần nhất trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này.

Khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trường hợp khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Số lãi phải thu của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư nảy, kể từ ngày được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo dõi, hạch toán theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Do nguồn lực thực hiện cơ cấu nợ là nguồn của chính các ngân hàng thương mại nên dự thảo Thông tư quy định, các ngân hàng đưa ra quyết định cơ cấu nợ dựa trên năng lực tài chính của mình, đồng thời đáp ứng trích lập dự phòng rủi ro 100% với các khoản nợ được cơ cấu. Tuy nhiên, dự thảo đưa ra hai phương án trích lập dự phòng.

Phương án 1, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định và thực hiện trích lập dự phòng đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Phương án 2 kéo dài thời gian trích lập dự phòng 100% ra hai năm: Đến thời điểm 31/12/2023: Tối thiểu 50% số tiền dự phòng phải trích lập quy định tại khoản 1 Điều này; Đến thời điểm 31/12/2024: Đủ 100% số tiền dự phòng phải trích lập quy định tại khoản 1 Điều này.

Việc ban hành Thông tư về cơ cấu nợ trong bối cảnh nền kinh tế quý I/2023 gặp nhiều khó khăn rất được doanh nghiệp mong chờ.

Theo đánh giá của NHNN, Thông tư này nếu ban hành sẽ có tác động tích cực trong tháo gỡ khó khăn về dòng tiền thông qua cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tương tự như đã triển khai trong giai đoạn dịch Covid-19.

Thông qua chính sách này, các doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, chưa có khả năng trả nợ TCTD đúng thời hạn đã thỏa thuận, có thể được kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu; nhờ việc được duy trì, giữ nguyên nhóm nợ, doanh nghiệp có điều kiện tiếp tục vay vốn phục hồi, duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn để trả nợ ngân hàng, tạo công ăn việc làm, cũng như tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Do chính sách được thực hiện từ nguồn lực của chính TCTD, không sử dụng nguồn chi từ ngân sách nhà nước nên không ảnh hưởng tới cân đối ngân sách cũng như không tác động tới sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ;

Quá trình thiết kế chính sách được cân nhắc, tính toán kỹ để bảo đảm TCTD thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ (trích lập 100% như trường hợp chuyển nhóm nợ sau khi cơ cấu), tạo bộ đệm tài chính xử lý khi phát sinh rủi ro.

Mặc dù vậy, NHNN cũng cảnh báo, việc cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ xấu tuy giúp khách hàng có điều kiện tiếp cận tín dụng song cũng sẽ mở rộng quy mô dư nợ cấp tín dụng và làm gia tăng mức độ rủi ro tín dụng tập trung vào các khách hàng có mức độ rủi ro cao và tăng nguy cơ phát sinh nợ xấu.

Dự thảo Thông tư quy định tổ chức tín dụng (TCTD) phải trích lập dự phòng đầy đủ theo lộ trình như đối với trường hợp không được giữ nguyên nhóm nợ; TCTD không hạch lãi dự thu đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ mà theo dõi ngoại bảng khi thu hồi được mới hạch toán thu nhập (quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính). Quy định này hài hòa lợi ích các bên.

Cụ thể, khách hàng sẽ được TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ có khả năng trả nợ cho TCTD sau khi được cơ cấu nợ, có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho khách hàng trong tương lai.

Trong khi đó, TCTD sẽ thu được nợ, có được lợi nhuận để phát triển hoạt động kinh doanh; không phải thực hiện các biện pháp xử lý để thu hồi nợ rất tốn kém và mất thời gian. TCTD có khách hàng tốt để tiếp tục cấp tín dụng và cung cấp các dịch vụ ngân hàng khác tạo thêm nguồn thu nhập tương lai cho chính ngân hàng.

Doanh nghiệp đang huy động “âm” từ trái phiếu doanh nghiệp

Tính từ đầu năm tới giữa tháng 4/2023, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới thấp hơn lượng trái phiếu doanh nghiệp mà doanh nghiệp mua lại.

Sau khi bất ngờ sôi động trong tháng 3, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng trở lại nửa đầu tháng 4. Theo dữ liệu được Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 14/04/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận trong nửa đầu tháng 4/2023.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận trong năm 2023 đạt gần 29.000 tỷ đồng với 6 đợt phát hành công chúng với giá trị 3.500 tỷ đồng và 14 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 25.500 tỷ đồng.

Mặc dù huy động vốn mới từ trái phiếu kém khả quan, doanh nghiệp vẫn phải tăng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 4/2023 là hơn 2.600 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 38.000 tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ năm 2022).

Như vậy, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đang huy động “âm” từ nguồn vốn trái phiếu.

Gánh nặng trái phiếu đáo hạn những tháng cuối năm vẫn đang rất lớn. Tính đến ngày công bố thông tin 14/4, tổng giá trị trái phiếu đến hạn còn lại trong tháng 4/2023 là gần 8.780 tỷ đồng. bất động sản và ngân hàng là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, lần lượt là 2.800 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng, chiếm 32% và 28% giá trị đến hạn.

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, trong tuần qua có thêm 4 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng dư nợ trái phiếu còn lưu hành của các doanh nghiệp là 4.6 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các mã trái phiếu của các doanh nghiệp này đều đáo hạn trong năm 2023 và 2024 (ngoại trừ khoản trái phiếu của Công ty TNHH Viễn Thông Trịnh Gia Nguyễn đáo hạn năm 2027).

Trong đó, hai trên 4 doanh nghiệp đã đàm phán thành công phương án tái cơ cấu với trái chủ bao gồm kéo dài kỳ hạn trái phiếu, bổ sung các điều khoản trả nợ gốc và lãi trái phiếu theo tiến độ.

Hiện số lượng doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm nay cũng không nhiều. Mới đây, HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) đã thông qua việc triển khai chào bán ra công chúng đợt 2 với 300 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cũng trình Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch phát hành tối đa 400 tỷ trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền có kỳ hạn 3 - 5 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Ngân hàng dễ bị tẩy chay bán bảo hiểm, nếu gian dối, mập mờ

Sau khi diễn viên Ngọc Lan lên tiếng vì “bị lừa” khi mua bảo hiểm nhân thọ, ngày càng nhiều người dân phản ánh về hành vi bán bảo hiểm mập mờ, thiếu minh bạch của cả các đại lý bảo hiểm nhân thọ lẫn ngân hàng thương mại.

Chị Hoàng Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, năm ngoái, chị gửi tiết kiệm tại ngân hàng T. và được nhân viên ngân hàng này tư vấn gói tiết kiệm lợi nhuận cao không kém lãi suất tiết kiệm, lại kèm thêm quyền lợi bảo hiểm, thời gian tham gia chỉ cần 5 năm.

Tin tưởng sản phẩm mà nhân viên ngân hàng giới thiệu là sản phẩm gửi tiết kiệm, chị Hương đồng ý ký hợp đồng. Mãi sau khi xảy ra trường hợp hàng chục khách hàng tố cáo các khoản tiền gửi tại SCB bị “hô biến” thành hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ, giật mình xem lại hợp đồng, chị Hương mới “tá hỏa” nhận ra, mình cũng bị lừa.

“Tôi đã nhiều lần lên kiện ngân hàng đòi trả lại hợp đồng, nhưng phía ngân hàng từ chối giải quyết, vì tôi không có bằng chứng. Nếu ngay từ đầu, nhân viên tư vấn nói là bán bảo hiểm nhân thọ, tôi sẽ không bao giờ mua. Chắc chắn nhiều người cũng bị lừa như tôi”, chị Hương bức xúc nói.

Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm nhân văn, song không phù hợp với nhu cầu và thu nhập của nhiều người dân, nhất là những người có tài chính hạn hẹp. Nhiều người tiêu dùng cho biết đã cố tình “né” mua bảo hiểm nhân thọ từ người quen, bạn bè làm đại lý bảo hiểm, song lại “sập bẫy” mua bảo hiểm nhân thọ khi gửi tiền tại các nhà băng, do nhầm lẫn với sản phẩm tiết kiệm.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nguồn lợi quá lớn từ bảo hiểm cộng với sức ép về chỉ tiêu khiến nhiều nhân viên ngân hàng tìm khách “ép” khách mua bảo hiểm, thậm chí tư vấn sai về bảo hiểm nhân thọ. Bản chất của bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm bảo vệ rủi ro, chứ không phải là sản phẩm sinh lời. Trong khi đó, nhiều nhân viên ngân hàng lại thổi phồng về mức sinh lời, bỏ quan các vấn đề khác mà lẽ ra người tiêu dùng phải cân nhắc, như kỳ hạn đóng phí dài, nếu rút trước hạn gần như sẽ bị mất hết…

Bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, bảo hiểm nhân thọ ra đời xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nếu đáp ứng đúng, trúng nguyện vọng của người tham gia trên cơ sở tự nguyện, thì thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ phát triển bền vững, song nếu có yếu tố ép buộc, lừa đảo, thì thị trường này sẽ không thể bền.

Khẳng định tình trạng ép khách chỉ xảy ra tại số ít, chứ không phải ở tất cả ngân hàng, song TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xốc lại thị trường bảo hiểm là rất cần thiết, từ đào tạo lại nhân viên tư vấn và quy trình bán bảo hiểm, chuẩn hóa mẫu hợp đồng theo hướng đơn giản hóa… cho tới phân nhóm sản phẩm bảo hiểm thông dụng hơn cho người dân.

Theo TS. Cấn Văn Lực, một trong những lý do khiến nhiều khách hàng gật đầu ký hợp đồng bảo hiểm mà không hiểu nội dung là do hợp đồng bảo hiểm quá dài và phức tạp, có trường hợp lên tới cả trăm trang. Trong khi đó, ở nước ngoài, mẫu hợp đồng bảo hiểm rất đơn giản.

Năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua ngân hàng (kênh bancassurance) tăng 45%; tổng thu phí bảo hiểm tại các ngân hàng niêm yết tăng 16,4% so với năm 2021. Các ngân hàng dẫn đầu về doanh số bán bảo hiểm gồm MB, VIB, Sacombank, ACB... Một số ngân hàng từ mô hình giới thiệu bảo hiểm đã chuyển sang mô hình bán bảo hiểm trực tiếp để nhận hoa hồng cao hơn. Những hợp đồng độc quyền bán bảo hiểm ngàn tỷ đồng đã mang lại nguồn lợi lớn cho các ngân hàng.

Năm ngoái, MB là ngân hàng có doanh thu bảo hiểm lớn nhất hệ thống (10.185 tỷ đồng) nhờ sở hữu 2 công ty bảo hiểm.

Ngân hàng thứ hai thắng đậm nhờ bảo hiểm là VPBank. Năm 2022, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của VPBank đạt 3.353 tỷ đồng, chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ, tăng trưởng 42%. Chưa kể, năm 2022, VPBank còn thu về khoảng 8.000 tỷ đồng từ thương vụ tái ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam).

Techcombank, TPBank, VIB cũng là các ngân hàng có doanh thu và lợi nhuận từ bảo hiểm lớn.

Mặc dù vậy, những lùm xùm về bảo hiểm nhân thọ gần đây có thể khiến hoạt động bán chéo bảo hiểm của các ngân hàng năm nay gặp khó khăn.

Hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng nếu triển khai đúng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Việc tư vấn mập mờ, thậm chí gian dối, sẽ khiến ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ bị người dân tẩy chay, ảnh hưởng đến sự phát triển dài hạn của thị trường này.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường bảo hiểm. Theo đó, Bộ Tài chính cần sớm ban hành thông tư, quy định, hướng dẫn, triển khai Luật Kinh doanh bảo hiểm; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục rà soát lại các văn bản để quản lý hoạt động bancassurance hiệu quả hơn nữa.

Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN cho biết, thời gian qua, NHNN nhận được nhiều kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan đến việc ngân hàng ép khách mua bảo hiểm hoặc tư vấn nhầm lẫn bảo hiểm với sản phẩm tiết kiệm tiền gửi. NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát toàn bộ, đảm bảo việc duyệt hồ sơ đúng quy định, cung cấp thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm rõ ràng, chính xác. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động này.

H.T
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục