Rào cản tăng trưởng
PGS-TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế cho rằng, triển vọng tăng trưởng ngành ngân hàng vẫn sáng sủa bởi nhu cầu vốn rất lớn, tăng trưởng tín dụng hàng năm đều trên 2 con số.
“Năm 2023 và các năm tiếp theo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, nhu cầu tăng trưởng tín dụng vẫn cao, đảm bảo cho tăng trưởng của ngành ngân hàng rất lớn”, ông Phạm Thế Anh nhận định.
Dù triển vọng tăng trưởng tín dụng vẫn tốt, song năm nay, doanh thu của nhiều ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Theo đó, về tín dụng, các ngân hàng dẫn đầu về trái phiếu doanh nghiệp như Techcombank, VPBank, MB… có thể gặp khó khăn. Về dịch vụ, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính đẩy mạnh thanh, kiểm tra ngân hàng ép khách mua bảo hiểm sẽ làm nguồn thu từ bán chéo bảo hiểm của ngân hàng sút giảm.
Trong khi đó, việc lãi suất huy động bị đẩy cao thời gian qua, trong khi lãi suất cho vay đang bị “ép hạ” cũng có nguy cơ khiến NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng giảm xuống, ảnh hưởng đến khả năng sinh lời. Chưa kể, nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng đang tăng lên do thị trường bất động sản gặp khó khăn, khoảng 16,1 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023-2024 chưa tìm được cách tháo gỡ.
Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm FiinGroup cho rằng, các ngân hàng đang nắm giữ khoảng 40% lượng trái phiếu bất động sản. Sự suy yếu của ngành bất động sản và các ngành khác buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, nợ xấu có nguy cơ gia tăng.
Báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy, nợ xấu tuyệt đối của nhiều ngân hàng tăng mạnh, có ngân hàng tăng tới 100%. Đối với ngành ngân hàng, vấn đề lớn nhất có lẽ là thực trạng nợ xấu và sự chuyển dịch giữa các nhóm nợ chưa được phản ánh hết, vì có những chính sách đang khoanh nợ theo các chương trình tái cấu trúc nợ của ngân hàng thương mại.
“Do vậy, thách thức với hệ thống ngân hàng trong năm nay cũng như trong những năm tới là vấn đề quản trị rủi ro đối với vấn đề nợ xấu. Ngân hàng nào quản trị rủi ro tốt, sẽ có lợi trong xu hướng lãi suất đi xuống”, ông Phạm Thế Anh nhận định.
Theo báo cáo vừa công bố của WiGroup, năm 2023, các ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực tăng trưởng, những dấu hiệu suy yếu dần xuất hiện vào cuối năm ngoái. Số lượng các ngân hàng dễ bị tổn thương bởi nợ xấu đang tăng lên. Đà tăng của nợ xấu đã chậm lại trong quý IV/2022, nhưng dự phòng cho vay khách hàng đã giảm 11% so với quý trước. Năm nay, bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngân hàng thương mại.
Trong kế hoạch năm 2023, nhiều ngân hàng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn. Phần lớn các ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sát với chỉ tiêu tăng trưởng chung toàn hệ thống mà NHNN đưa ra.
Nợ xấu, lãi suất cao là rủi ro lớn nhất
Lãi suất đang đứng ở mức rất cao là rủi ro lớn nhất của nền kinh tế. Nếu điều này tiếp tục được duy trì, thì rất có thể, nhiều doanh nghiệp, khách hàng sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong ngắn hạn và có thể nhảy nhóm nợ rất nhanh. Đó là thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.
- PGS-TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế
Chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường cho rằng, nếu nhu cầu tín dụng vẫn cao, thì ngân hàng vẫn giữ được NIM. Về lo ngại lợi nhuận ngân hàng có thể giảm vì tăng trích lập dự phòng, chuyên gia này cho rằng, đây vừa là khó khăn, song cũng là điểm sáng của ngân hàng.
“Hiện tại, trích lập dự phòng cho nợ xấu là điểm tối rất khó để đánh giá. Năm 2023, nếu giá bất động sản tiếp tục giảm, thì các ngân hàng phải trích lập dự phòng cao lên, ảnh hưởng tới lợi nhuận. Tuy vậy, nếu NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu nợ, không để nợ nhảy nhóm, đồng nghĩa không phải trích lập dự phòng, thì ngân hàng lại có thêm thời gian tích lũy lợi nhuận và tạo bộ đệm mới”, ông Đào Phúc Tường phân tích.
Khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, năng lượng tái tạo đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại về chất lượng tài sản ngân hàng. Nợ xấu nội bảng của ngân hàng năm 2022 đã tăng lên so với năm 2021. Riêng với lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ nợ xấu năm 2022 đã tăng lên mức 1,81% so với 1,61% năm 2021.
Bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng Phân tích định chế tài chính, FiinGroup cho rằng, con số trên chưa phản ánh hết rủi ro nợ xấu của các ngân hàng. Nguyên nhân là “sức khỏe” của các chủ đầu tư tiếp tục suy yếu do thanh khoản tắc nghẽn. Thu nhập của người dân đang giảm, trong khi thời gian ân hạn của các hợp đồng mua nhà sau 2 năm Covid-19 sắp hết. Chưa kể còn hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.
Hiện hơn 70% tài sản đảm bảo của ngân hàng là bất động sản. Khó khăn của thị trường bất động sản sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, nhất là hoạt động phát mãi, thu hồi nợ. Dù vậy, trên bình diện chung, sức khỏe của ngành ngân hàng đã tốt hơn nhiều so với thời điểm cách đây 10 năm.
Một yếu tố mà các ngân hàng phải cẩn trọng để tránh sập bẫy chính mình, đó là lãi suất cao. Từ quý IV/2022 trở lại đây, các ngân hàng thương mại chạy đua lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất cho vay rất cao hiện nay ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người mua nhà.
“Với mặt bằng lãi suất cao như vậy, chi phí vốn của ngân hàng đội lên khá nhiều và tác động trực tiếp vào NIM. Khó khăn nữa là các ngân hàng vẫn có nhu cầu bức thiết để tăng bộ đệm vốn và cải thiện thanh khoản”, bà Oanh nhận định.