Dè dặt đặt chỉ tiêu lợi nhuận
Ngoại trừ các ngân hàng quốc doanh có báo cáo kết quả kinh doanh tốt, trong năm qua, hầu hết các nhà băng đều không đạt chỉ tiêu đề ra, kể cả nhà băng lớn đã thu về hàng nghìn tỷ đồng tiền lãi trước đây. Eximbank là ví dụ điển hình, khi chỉ đạt phân nửa chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận 2013 (3.200 tỷ đồng). Vì thế, trong năm nay, HĐQT Eximbank dự kiến tăng trưởng huy động vốn 21%; dư nợ tín dụng tăng 23%, nợ xấu kiểm soát ở mức 3%, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận giảm mạnh so với kế hoạch các năm trước, với 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo cấp cao của nhà băng này, để đạt được mục tiêu lợi nhuận như trên, đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn trước bối cảnh thị trường có nhiều thách thức về tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, với Sacombank, dù tăng trưởng tín dụng cũng như lợi nhuận đạt được năm qua hết sức khả quan, khi nhà băng này thu về 2.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và tín dụng tăng trưởng trên 13%. Thế nhưng, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay của Sacombank cũng chỉ ở mức 3.000 tỷ đồng là đã có sự cân nhắc kỹ. Bởi trong bối cảnh thị trường hiện nay, để kỳ vọng được mục tiêu lợi nhuận cao theo lãnh đạo Sacombank là không thể. Vả lại, chỉ tiêu lợi nhuận Sacombank đưa ra cho năm nay cũng không phải là con số nhỏ. Do đó, dù chỉ cao hơn 200 tỷ đồng so với kết quả năm vừa rồi, song lợi nhuận của Sacombank vẫn cao hơn các ngân hàng khác có cùng quy mô.
Với DongA Bank, kết quả kinh doanh năm qua không như kỳ vọng khi nhà băng này đưa ra chỉ tiêu 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, song 3 quý đầu năm 2013, DongA Bank chỉ mới đạt được 50%. Nguyên nhân tín dụng của nhà băng này tăng trưởng khá thấp, chỉ đạt vài phần trăm.
Tuy đến thời điểm này, DongA Bank chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2013, nhưng ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc nhà băng này cho biết, việc không đạt mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng và kết quả sẽ được công bố trong kỳ ĐHCĐ tới. Vì vậy, mục tiêu lợi nhuận DongA Bank dự kiến đề ra cho năm nay khá thận trọng. Dù DongA Bank được xem là một trong những ngân hàng có nguồn thu từ mảng dịch vụ khá tốt, nhờ sở hữu số lượng lớn tài khoản thẻ (ATM, tín dụng…) của khách hàng và các dịch vụ liên quan, nhưng theo ông Bình, trong lúc này, hoạt động ngân hàng rất khó để có được lợi nhuận cao, vì lợi nhuận phần lớn vẫn đến từ tín dụng.
Trao đổi với ĐTCK, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT KienLong Bank cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận Ngân hàng đưa ra cho năm nay cũng chỉ ở mức tương đương năm vừa qua. Năm 2013, KienLong Bank ước đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, so với chỉ tiêu đưa ra ban đầu là 493 tỷ đồng. Theo ông Thắng, sở dĩ năm qua KienLong Bank đạt lợi nhuận gần với chỉ tiêu đưa ra là do Ngân hàng kiểm soát được nợ xấu dưới 2,3%, trích lập dự phòng không lớn và tín dụng tăng trưởng tốt.
Đồng loạt cắt giảm cổ tức
Hều hết ngân hàng cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay chỉ ở mức tương đương, thậm chí thấp hơn so với mức đạt được năm 2013. Kết quả hoạt động không đạt như kỳ vọng, trong khi nợ xấu khoản vay cũ vẫn không ngừng phát sinh, khiến khoản trích dự phòng của các ngân hàng gia tăng và như vậy, rất khó để làm vui lòng nhà đầu tư về chính sách cổ tức trong năm nay, bởi còn phải tập trung vào việc trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, đảm bảo an toàn hoạt động.
Năm qua, không phải nhà băng nào cũng có thể thực hiện được chính sách chi trả cổ tức cho cổ đông. Đơn cử như MeKong Bank, trong 6 tháng đầu năm 2013, nhà băng này chỉ đạt lợi nhuận trước thuế trên 64 tỷ đồng, có khoảng cách rất xa so với chỉ tiêu lợi nhuận cả năm là 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Vì thế, MeKong Bank cũng khó lòng thực hiện được kế hoạch cổ tức 5,5%. Năm 2012, ngân hàng này từng trình ĐHCĐ tỷ lệ cổ tức 6,5%, nhưng do kết quả kinh doanh trong năm sụt giảm mạnh, Ngân hàng chỉ chi trả cổ tức với tỷ lệ khiêm tốn, 2,5%.
Không chỉ ngân hàng nhỏ, ngay cả nhà băng lớn, cổ tức dự kiến chi trả cho năm nay cũng thấp hơn những năm trước. Đơn cử như DongA Bank, Eximbank trong các năm qua, tỷ lệ cổ tức chi trả tương đối ở mức cao, từ 15 - 20%. Thế nhưng, với tình hình kinh doanh không đạt mục tiêu đề ra, lãnh đạo DongA Bank cho biết, sẽ khó duy trì được mức cổ tức như 2 năm trước 14 - 15%. Eximbank cũng tương tự, trước đây khi mua cổ phiếu Eximbank, ngoài việc kỳ vọng giá lên, nhà đầu tư luôn nhìn đến khoản thặng dư mà nhà băng này có được từ việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài và lợi nhuận thu về ở mức tương đối cao hàng năm. Tỷ lệ cổ tức Eximbank chi trả cho cổ đông những năm trước đều trên dưới 20%. Thế nhưng, mới đây, HĐQT Eximbank đã ra quyết định mua lại 62 triệu cổ phiếu quỹ từ nguồn lợi nhuận trước thuế của năm 2013 và nguồn thặng dư vốn cổ phần còn lại nên khó duy trì cổ tức như kế hoạch ban đầu. Đồng thời, chính sách cổ tức nhà băng này đưa ra cho năm 2014 chỉ có 8,5%.
Có thể nói, với các nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng, trong lúc này rất khó kỳ vọng vào chính sách cổ tức, cho dù cổ tức được không ít ngân hàng chi trả thua xa lãi suất tiết kiệm 7%/năm hiện nay. Thậm chí, với các ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu thì còn không nghĩ đến việc chia cổ tức mà lợi nhuận đạt được phải tập trung cho mục tiêu trích lập dự phòng rủi ro. Đơn cử như SCB, năm qua, Ngân hàng đạt 100 tỷ đồng lợi nhuận, song do nhà băng này đang tập trung đẩy mạnh tái cấu trúc lại hoạt động sau thời kỳ hậu hợp nhất, nên chủ trương của HĐQT đưa ra là không chia cổ tức.