>> Cổ tức ngân hàng thua xa lãi suất tiết kiệm
Lợi nhuận giảm mạnh
Navibank vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2013. Theo đó, trong quý II, Navibank lỗ hơn 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 44 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2013, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế gần 11 tỷ đồng, giảm mạnh 88% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, dư nợ tín dụng của Navibank đến cuối quý II đạt 13.750 tỷ đồng, tăng 8,55% so với đầu năm nay. Tuy vậy, nợ xấu (nhóm 3 - 5) của Ngân hàng đến cuối quý II là 6,11%, tăng lên so với mức 5,6% ở thời điểm cuối năm 2012.
Lý giải nguyên nhân kết quả kinh doanh quý II sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, Navibank cho biết, trước diễn biến thị trường hiện nay, nhiều DN lâm vào tình cảnh rất khó khăn, mất khả năng trả nợ khi khoản vay đến hạn và Navibank đã có nhiều chính sách giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho các đối tượng khách hàng này.
Còn nhớ, tại ĐHCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 4/2013 vừa qua, HĐQT Navibank đã trình cổ đông thông qua kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2013, với các chỉ tiêu cơ bản như: tổng tài sản đạt 30.000 tỷ đồng, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 20.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 16.000 tỷ đồng (tăng tương đương 10% so cùng kỳ năm trước); lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng. Như vậy, kết quả lợi nhuận thực hiện trong nửa đầu năm của ngân hàng này đạt chưa đầy 10% kế hoạch cả năm. Kỳ vọng cổ tức chi trả cho cổ đông là điều không dễ với Ngân hàng. Năm 2012, Navibank cũng không chia cổ tức, do lợi nhuận chỉ đạt gần 3,5 tỷ đồng.
Navibank chắc chắn không phải là trường hợp cá biệt có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Với một số ngân hàng quy mô nhỏ và yếu kém, có tỷ lệ nợ xấu cao, trước áp lực tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khả năng sẽ không còn lợi nhuận để chi trả cổ tức năm nay.
Không chỉ với các ngân hàng có quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém mà ngay cả với những ngân hàng lớn như Eximbank, theo Chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng, cũng khó có thể kỳ vọng đạt kế hoạch lợi nhuận.
Do nợ xấu tăng cao
Thực tế hiện nay, do sức mua yếu, hàng tồn kho tăng cao, nhiều DN lâm vào tình trạng suy kiệt, không có khả năng hấp thụ vốn. Mặc dù lãi suất cho vay đã được cắt giảm mạnh theo đà giảm của lãi suất huy động, song việc đẩy vốn vào DN vẫn rất khó khăn. Kể cả với nhà băng lớn như Vietcombank, tín dụng 6 tháng vẫn âm 1,1% so với đầu năm thì các ngân hàng nhỏ khó có thể kỳ vọng dư nợ tăng trưởng tốt.
Trong khi đó, nợ xấu có xu hướng tăng, nhất là đối với nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), dẫn đến trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận. Nợ xấu tăng qua các tháng và nợ xấu nhóm 5 ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng nợ xấu. Dự phòng rủi ro tín dụng toàn ngành, theo thống kê của NHNN, đã tăng từ 64.200 tỷ đồng (cuối năm 2012) lên 71.700 tỷ đồng (cuối tháng 5/2013), tăng 7.500 tỷ đồng.
Cũng theo NHNN, 5 tháng đầu năm 2013, mặc dù kết quả kinh doanh của hệ thống được cải thiện so với năm 2012, song vẫn tiếp tục xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước đó, bằng 88% so cùng kỳ năm 2010 và bằng 61% so với cùng kỳ 2011. Có tới 24 tổ chức tín dụng thua lỗ trong 5 tháng đầu năm và 100 tổ chức tín dụng có lãi thì có đến 57 tổ chức tín dụng lãi giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo NHNN, kết quả kinh doanh theo báo cáo của các tổ chức tín dụng nói trên cao hơn nhiều so với thực tế.
Bởi lẽ việc thực hiện Quyết định 780/2012/QĐ-NHNN về cơ cấu lại nợ, giãn nợ đã làm giúp giảm đáng kể mức độ trích lập dự phòng rủi ro của các nhà băng, vào khoảng 14.400 tỷ đồng. Mặt khác, nhiều nhà băng phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quý chưa đến kỳ thực hiện. Như vậy, nếu không thực hiện theo Quyết định 780/2012, các tổ chức tín dụng sẽ phải trích lập thêm 14.400 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của toàn bộ hệ thống 5 tháng (sau khi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng) chỉ đạt khoảng 3.800 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng, kéo theo dự phòng rủi ro mất vốn tăng cao, khiến nhiều ngân hàng khó tránh thua lỗ. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng vẫn phải thực hiện nghiêm quy định về trích lập dự phòng rủi ro, trước khi thực hiện kế hoạch chi trả cổ tức cho các cổ đông.
6 tháng đầu năm, tín dụng của Vietcombank âm 1,1% so với đầu năm