Lối mở nâng đời các sân bay công ích

0:00 / 0:00
0:00

Việc ACV được giao nâng đời sân bay Điện Biên sẽ kích hoạt cơ chế đầu tư, nâng cấp một số sân bay kém hiệu quả tài chính, khó xã hội hóa khác như Nà Sản, Rạch Giá, Cà Mau.

Với việc đầu tư nâng cấp, Cảng hàng không Điện Biên sẽ khai thác được thêm nhiều đường bay trực tiếp tới các đầu tàu kinh tế lớn của cả nước. Ảnh: A.M Với việc đầu tư nâng cấp, Cảng hàng không Điện Biên sẽ khai thác được thêm nhiều đường bay trực tiếp tới các đầu tàu kinh tế lớn của cả nước. Ảnh: A.M

Nhiệm vụ chính trị

Mặc dù phải đợi quyết định giao việc chính thức từ cơ quan có thẩm quyền, nhưng ngay từ lúc này, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (ACV) đã có thể bắt tay vào việc chuẩn bị nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, nếu chiểu theo Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 25/11/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về các dự án cảng hàng không Điện Biên, Phan Thiết và Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, Thông báo số 382/TB-VPCP nêu rõ, ACV đang quản lý, khai thác 21 cảng hàng không trên toàn quốc, trong đó có Cảng hàng không Điện Biên. ACV có trách nhiệm tính toán hiệu quả khai thác hệ thống cảng hàng không, thực hiện đầu tư, quản lý bảo đảm lợi ích cao nhất.

Với việc Nhà nước đang nắm giữ 95,4% vốn điều lệ, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, ACV là doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, Phó thủ tướng thống nhất giao ACV đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên và vùng Tây Bắc nói chung, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hiệu quả tổng thể của hệ thống hạ tầng hàng không do ACV quản lý.

“ACV có trách nhiệm lập dự án đầu tư và trình phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, pháp luật về đầu tư xây dụng và pháp luật có liên quan”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Trước đó, ngày 30/10/2020, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Công văn số 11000/BGTVT-KHĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao ACV triển khai đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên bằng nguồn vốn doanh nghiệp (có phân kỳ đầu tư), đồng thời xác định đây là nhiệm vụ chính trị của Nhà nước giao ACV.

Bộ GTVT cho biết, dù chưa đem lại hiệu quả tài chính cho ACV, nhưng việc đầu tư Khu bay mới với chi phí khoảng 1.539 tỷ đồng sẽ giúp Cảng hàng không Điện Biên khai thác được thêm nhiều đường bay trực tiếp với các đầu tàu kinh tế lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng bằng các tàu bay phản lực như A320/A321, góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của tỉnh Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACV, nếu tách riêng Dự án Nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên để đánh giá tính khả thi tài chính, thì không ai dám phê duyệt, bởi hiệu quả kinh tế rất thấp.

“Tuy nhiên, đặc thù ngành hàng không là điểm nối điểm theo vùng, nên hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào các điểm đến/đi và mang lại lợi ích cho nhau. Trong trường hợp thực hiện đầu tư sân bay Điện Biên, ACV vẫn có thể cân đối trên toàn mạng lưới cảng hàng không, đảm bảo hiệu quả tài chính của doanh nghiệp”, ông Thanh khẳng định.

Bù chéo lợi nhuận

Trong trường hợp ACV đầu tư Cảng hàng không Điện Biên được cấp có thẩm quyền thông qua, những vướng mắc trong việc đơn vị khai thác cảng hàng không lớn nhất nước này tiếp tục bỏ vốn vào một số dự án mở rộng cảng hàng không kém hiệu quả tài chính, mang nặng tính công ích, không được các nhà đầu tư tư nhân quan tâm như Nà Sản (Sơn La), Rạch Giá (Kiên Giang), Cà Mau (Cà Mau) cũng sẽ được khơi thông.

Vào giữa tháng 11/2020, ACV cũng đã báo cáo Bộ GTVT tiến độ triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre FS) Dự án xây dựng Cảng hàng không Nà Sản. Để “tái sinh” Cảng hàng không Nà Sản vốn đã bị đóng cửa từ 16 năm nay, ACV đề xuất xây dựng 1 đường cất hạ cánh mới, kết cấu bê tông xi măng để có thể khai thác tàu bay A320/321 hoặc tương đương; 1 nhà ga hành khách công suất 1 triệu hành khách/năm…, với tổng mức đầu tư khoảng 2.179 tỷ đồng. Do ngân sách nhà nước gặp khó khăn, nên ACV đề xuất đầu tư toàn bộ Dự án bằng nguồn vốn doanh nghiệp; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đầu tư công trình quản lý bay; UBND tỉnh Sơn La bố trí vốn tiến hành công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Thời gian thực hiện Dự án là 36 tháng kể từ khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

Hiệu quả hoạt động của ACV phải được xem xét hiệu quả hoạt động toàn mạng cảng hàng không do ACV đang quản lý, khai thác, không nên xét riêng một cảng hay một Dự án.

ACV cho biết, sân bay Nà Sản là cảng hàng không dân dụng - quân sự có vai trò tương đương sân bay Điện Biên, chi phí đầu tư khu bay lớn, trong khi lượng hành khách thông qua thấp, thời gian hoàn vốn kéo dài trên 50 năm. Vì vậy, việc giao ACV thực hiện Dự án cần được coi là nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao. Hiệu quả dự án chủ yếu tính vào hiệu quả về an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế cho vùng địa phương, đặc biệt là vùng núi.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La, địa phương này đã nhiều lần mời gọi đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản, nhưng không có nhà đầu tư tư nhân nào quan tâm, do Dự án không có khả năng hoàn vốn. Tính đến thời điểm này, ACV là đơn vị duy nhất đề xuất đầu tư Dự án, do có khả năng duy trì nguồn lực trong việc duy trì khai thác Cảng hàng không Nà Sản trong điều kiện hạch toán kinh doanh không có lãi kéo dài.

Tại Công văn số 11000/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT khẳng định, khi cổ phần hóa, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ACV vẫn kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp như trước khi cổ phần hóa. Như vậy, ACV có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác các cảng hàng không có hiệu quả như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh…, đồng thời phải có trách nhiệm cân đối để đầu tư phát triển các cảng hàng không có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

“Vì vậy, hiệu quả hoạt động của ACV phải được xem xét hiệu quả hoạt động toàn mạng cảng hàng không do ACV đang quản lý, khai thác, không nên xét riêng một cảng hay một dự án”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục