Lỗi hẹn với cổ đông, doanh nghiệp bảo hiểm gọi vốn trở lại

(ĐTCK) Sau vài lần lỗi hẹn với cổ đông, mùa đại hội năm nay, một số doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), dù là công ty đại chúng niêm yết hay chưa niêm yết, đều tranh thủ khởi động lại kế hoạch tăng vốn của mình, như Bảo Minh, PJICO, MIC…
Lỗi hẹn với cổ đông, doanh nghiệp bảo hiểm gọi vốn trở lại

Lỗi hẹn đã lâu

Trong số các cái tên kể trên, Bảo Minh là DNBH đã lỗi hẹn khá lâu, vì lẽ ra phải hoàn tất kế hoạch tăng vốn lên 1.100 tỷ đồng ở giai đoạn 3 vào năm 2010.

Theo đề án cổ phần hóa, lộ trình tăng vốn của DN này được chia làm 3 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1, năm 2004 tăng từ 303 tỷ đồng lên 434 tỷ đồng, giai đoạn 2 năm 2007 tăng từ 434 tỷ đồng lên 755 tỷ đồng, giai đoạn 3 tăng lên 1.100 tỷ đồng vào năm 2010.

Đến thời điểm này, vốn điều lệ của Bảo Minh mới ở mức 830,4 tỷ đồng, cho thấy việc thực hiện tăng vốn giai đoạn 3 đang diễn ra quá chậm.

Tại ĐHCĐ năm 2014, HĐQT Bảo Minh đã trình phương án tăng vốn nhưng không thực hiện được vì tỷ lệ cổ đông thông qua không đạt tỷ lệ theo quy định (trên 75%).

Tương tự, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng chưa hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng như cam kết với cổ đông tại kỳ đại hội trước, khi mới chỉ tăng thêm 100 tỷ đồng vốn (đạt 500 tỷ đồng). Hiện Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đang sở hữu 49,77% vốn điều lệ và các cổ đông khác sở hữu 50,23%.

Được coi là một trong những điển hình DN thành công trong huy động vốn nước ngoài, nhưng 2 năm gần đây PVI Holdings vẫn chưa tìm được dòng vốn ngoại cho 2 công ty con là Bảo hiểm PVI và PVI Re (hoạt động trong lĩnh vực tái bảo hiểm).

Năm ngoái, PJICO cũng là cái tên lỗi hẹn với cổ đông khi chưa thể tăng vốn theo chủ trương đã định.  

Gọi vốn trở lại

Tại ĐHCĐ sắp diễn ra, Bảo Minh sẽ tiếp tục khởi động lại kế hoạch tăng vốn khi trình cổ đông phương án tăng vốn từ 830 tỷ đồng lên 913 tỷ đồng, thông qua phát hành hơn 83 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 10:1, giá 10.000 đồng/CP.

Theo ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch HĐQT Bảo Minh, việc tăng thêm 10% vốn điều lệ thực góp như trên là phù hợp, căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh hiện tại, đồng thời cũng giảm sức ép chia cổ tức, đảm bảo mức tăng trưởng lợi nhuận theo kịp tốc độ tăng vốn.

Năm 2016, MIC sẽ nâng vốn thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu mới. Trong đó, dự kiến phát hành 28,5 triệu cổ phần, 1,5 triệu cổ phần phát hành cho cán bộ công nhân viên.

Tương tự, PJICO lên kế hoạch tăng vốn từ 700 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ hơn 17,7 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Theo nguồn tin của ĐTCK, đến nay đã có 2 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chào mua và đang tiếp tục thương thảo để chốt thương vụ.

Đối với Công ty mẹ PVI Holdings, kế hoạch đặt ra cho năm 2016 là tiếp tục tăng vốn cho các công ty con, bên cạnh việc tái cấu trúc các công ty này. Trong đó, đẩy mạnh công tác tìm kiếm, lựa chọn cổ đông chiến lược cho PVI Re để mở rộng quy mô, năng lực tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh 

Gặp khó vì thiếu vốn

Nhu cầu về vốn đối với mỗi DNBH là khác nhau, tuy nhiên mục đích tăng vốn thường là nhằm gia tăng nguồn lực tài chính để tham gia đầy đủ vào mọi dịch vụ bảo hiểm trên thị trường; mở rộng quy mô hoạt động thông qua việc thành lập mới các đơn vị; hiện thực hóa các mục tiêu phát triển mang tính chiến lược; đồng thời là đòn bẩy để DNBH hoàn tất dự án đánh giá hệ số tín nhiệm theo tiêu chuẩn quốc tế. Cũng bởi thế, thất bại trong bổ sung vốn khiến nhiều DNBH gặp khó khăn.

Tại ĐHCĐ mới đây, Chủ tịch HĐQT MIC Uông Đông Hưng cho biết, việc chưa hoàn thành tăng vốn điều lệ lên tối đa 800 tỷ đồng như đã cam kết với cổ đông cũng chính là điểm hạn chế trong hoạt động đầu tư của MIC trong năm 2015, khiến hãng bảo hiểm này chưa thể thành lập được chi nhánh, công ty liên doanh tại nước ngoài. Một DN khác lên tiếng cho rằng, việc không thể bổ sung vài trăm tỷ đồng vốn như kỳ vọng đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của DN.

“Với nguồn vốn khiêm tốn, chúng tôi buộc phải bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư, không chỉ là những khoản đầu tư sinh lời rủi ro thấp quen thuộc như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh…, làm giảm hiệu quả của danh mục đầu tư, không thể gia tăng thêm cổ tức cho cổ đông”, lãnh đạo một DNBH nói.  

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục