Logistics xanh!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp logistics đang đứng trước ngã rẽ phát triển mới, trong đó áp dụng công nghệ mới sẽ giúp giảm thiểu chi phí, tăng năng suất và tận dụng dữ liệu hiệu quả.
Lĩnh vực logistics cũng cần “xanh hóa” Lĩnh vực logistics cũng cần “xanh hóa”

Xu hướng “xanh hóa” logistics

Việt Nam đang nằm ở vị trí chiến lược trên bản đồ vận tải quốc tế. Trong những năm qua, logistics đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng.

Nghị quyết 163/2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam nêu rõ, phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Phát triển bền vững, Néstle Việt Nam nhìn nhận, Phát triển bền vững không còn là tương lai hay xu hướng, mà là điều đang diễn ra và ngành logistics không là ngoại lệ. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như châu Âu, Mỹ... ngày càng quy định chặt chẽ hơn đối với yếu tố môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

“Nestle đã có những cam kết với khách hàng ở mức độ toàn cầu như phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, xây dựng chuỗi cung ứng không có các sản phẩm phá rừng, đẩy mạnh nông nghiệp tái sinh..., bên cạnh những cam kết về quản lý nguồn nước, bao bì bền vững hướng tới nền kinh tế tuần hoàn”, ông Hưng cho hay.

Còn ông Alexander Olsen, Phó chủ tịch Khối Vận tải quốc tế và Thương mại, Tập đoàn ITL cho biết, bên cạnh hoạt động sản xuất, ITL còn quan tâm đến cải thiện bền vững cả trong phương thức kinh doanh.

Theo lãnh đạo ITL, hiện nay, ngành vận tải đường bộ đang phát thải gấp 8 lần đường thuỷ nội địa. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng lớn về hệ thống sông ngòi để phát triển vận tải đường sông, đường biển, nên việc sử dụng sà lan sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, Việt Nam có thể tăng cường vận chuyển hàng hóa bằng đường thuỷ bởi có nhiều doanh nghiệp lớn đặt cơ sở của mình gần các dòng sông và bến thuyền nội địa.

Đầu tư công nghệ - chìa khóa giảm chi phí

Phát triển bền vững không còn là tương lai hay xu hướng, mà là điều đang diễn ra và ngành logistics không là ngoại lệ.

Trong quá trình phát triển logistics xanh, Việt Nam đang gặp phải nhiều rào cản do chưa có quy định và tiêu chuẩn đẩy đủ, rõ ràng, điều này gây khó khăn cho việc thực hiện, tuân thủ các phương pháp và tiêu chuẩn bền vững trong ngành logistics. Hạ tầng vận tải và giao thông của Việt Nam cũng chưa đáp ứng được nhu cầu cho logistics xanh. Sự thiếu hụt trong mạng lưới đường bộ và cơ sở hạ tầng vận tải công cộng đang gây ra tắc nghẽn giao thông và tăng lượng phát thải khí nhà kính.

Do đó, đầu tư công nghệ cho logistics xanh cũng là một phần quan trọng để cải thiện hiệu suất và phát triển bền vững của ngành. Các doanh nghiệp đều nhận thấy rằng, đầu tư công nghệ có thể mang lại lợi ích lớn về hiệu suất, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Nhìn sang Trung Quốc, với quy mô thị trường rộng lớn, việc áp dụng công nghệ vào logistics sẽ dễ dàng và cho hiệu quả tốt hơn, trong khi chi phí đầu tư không quá tốn kém. Điều này giúp chi phí vận chuyển của các sàn thương mại điện tử Trung Quốc ở mức rất rẻ.

Ông Mai Hoàng, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty GHN Logistics lấy dẫn chứng, giá vận chuyển một đơn hàng của Trung Quốc nhiều khi chỉ ở mức 3 nhân dân tệ (tương đương 10.000 đồng), trong khi ở Việt Nam vào khoảng 25.000 đồng, nên cần phải giảm chi phí này để gia tăng sức cạnh tranh.

Ông Trường Bùi, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam đưa ra 3 vấn đề trong áp dụng công nghệ. Thứ nhất, áp dụng công nghệ có thể giảm được 15-25% chi phí cho các nhà vận hành, nhưng với thị trường Việt Nam, doanh nghiệp tận dụng được công nghệ nào trong mảng nào thì cần sự nhanh nhạy để nhận biết bởi quy mô các doanh nghiệp phần lớn là nhỏ, cho nên đầu tư mảng nào, mở rộng mảng nào... là câu chuyện liên quan đến chiến lược mà doanh nghiệp phải cân nhắc. Thứ hai, doanh nghiệp phải biết tận dụng dữ liệu của khách hàng nhằm mang đến sự trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Thứ ba, làm thế nào để mang công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam mà vẫn phù hợp với quy mô thị trường và vận hành thành công.

Còn ông Sam Tan, Giám đốc Bộ phận Giới thiệu sản phẩm mới - NPL của UB Malaysia chia sẻ, Malaysia là quốc gia có sự dịch chuyển tự động hóa mạnh mẽ, nhưng khi bước vào “cuộc chơi” này, UB Malaysia cũng nhận về bài học cay đắng từ việc chạy đua ứng dụng tự động hóa. Do đó, ông Sam Tan có lời khuyên rằng, khi ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp cần có quá trình học tập, đánh giá tính phù hợp, khả thi, tập huấn và đánh giá mức độ thành công của việc áp dụng… tức là cần cả một hành trình.

“Khi triển khai áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), chúng ta cần xem xét con đường số hóa này như thế nào, hiểu bản chất số liệu, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc trong vấn đề này nên hành trình tự động hóa gặp nhiều khó khăn”, ông Sam Tan nói.

Cần hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Để đạt mục tiêu cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam còn nhiều việc phải làm.

Thứ nhất, về cơ chế chính sách, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành... nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics tại địa phương hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Nhà nước cũng cần hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường. Cùng với đó, rà soát để tận dụng cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại các hiệp định thương mại tự do (FTA), hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics...

Thứ hai, về phát triển kết cấu hạ tầng, Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất địa phương gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics, đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về giao thông - vận tải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất. Thu hút đầu tư các trung tâm logistics quy mô lớn, tập trung, theo vùng giúp lưu trữ, bảo quản hàng hóa trong thời gian dài từ đó phát luồng phân phối đi các nơi…

Thứ ba, về phát triển nguồn nhân lực, để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, đòi hỏi phải có sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề…

Thứ tư, về phía các doanh nghiệp logistics, cần xây dựng chiến lược kinh doanh, thực hiện liên kết chiến lược, liên doanh với các đối tác hoặc hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp mạnh, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, xây dựng giải pháp đầu tư, trong đó có định hướng dài hạn coi trọng việc đầu tư vào hạ tầng thông tin, đầu tư các trang thiết bị công nghệ phục vụ dịch vụ logistics đạt chuẩn, đầu tư vào quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng nhằm cung cấp các dịch vụ logistics tạo giá trị gia tăng. Xây dựng chiến lược nhân lực cho hoạt động logistics; sử dụng các chuyên gia nước ngoài tư vấn cho việc phát triển các dịch vụ logistics mới.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục