Trao đổi với một số doanh nghiệp, chủ đầu tư điểm chung phóng viên nhận được từ các phản ánh đó là thực chất ngành logistics của chúng ta mới dừng ở mức nhà xưởng, kho bãi (Warehouse), các yếu tố công nghệ cơ bản vẫn thấp.
Ngành logistics tại Việt Nam đã phát triển được một chặng đường và điều nhiều thành viên thị trường quan tâm là vị trí của ngành ở đâu nếu so sánh với khu vực, thế giới.
Ngành logistics của Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể trong thập kỷ vừa qua. Theo báo cáo Chỉ số Hiệu suất Hậu cần (LPI) của Ngân hàng Thế giới, logistics Việt Nam đã tăng từ vị trí 53 năm 2010 lên vị trí 43 năm 2023. Điều này cho thấy tiềm năng và sự phát triển của ngành logistics Việt Nam. Tuy nhiên, khi so sánh với bối cảnh thị trường khu vực và thế giới, thị trường logistics của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn sơ khai.
Bà có thể nói rõ hơn về thị trường logistics của Việt Nam?
Thị trường logistics Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai, với một số đặc điểm như: Thị trường bất động sản logistics chủ yếu phát triển rải rác, chưa tập trung và chưa có một quy hoạch phân vùng phát triển rõ ràng. Chủ yếu phát triển tại các tỉnh cận trung tâm đô thị như Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng và Bắc Ninh.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam. |
Cùng với đó, thị trường chủ yếu cung cấp các sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp. Sự cạnh tranh và phát triển giữa các dự án bất động sản logistics vẫn nằm ở yếu tố vị trí địa lý hơn là chất lượng xây dựng, cơ sở hạ tầng nội khu hay chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, tỷ lệ các ngành công nghiệp có giá trị thặng dư vẫn còn thấp. Đa phần khách thuê logistics đến từ các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân lực lao động, như dệt may và may mặc, thực phẩm, đồ gỗ và nội thất, và các sản phẩm từ cao su và nhựa.
Cơ hội để ngành logistics trong nước nâng tầm?
Với nền tảng kinh tế thị trường trong nước đang phát triển lạc quan, đồng thời chi phí logistics hoạt động tại các quốc gia trong khu vực ngày càng tăng cao, ngành logistics Việt Nam có dư địa để vươn lên trong cuộc đua phát triển thị trường này.
Đầu tiên là việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển và kho bãi để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Tiếp theo là nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực logistics. Một điểm quan trọng nữa là đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao và chuyển đổi số chi phí vận hành.
Theo bà, Chính phủ giữ vai trò thế nào trong sự chuyển mình của ngành này?
Bên cạnh các nhu cầu logistics truyền thống, sự phát triển mạnh mẽ của điện thoại thông minh và mức độ phủ sóng mạng 4G ngày càng mở rộng đã thúc đẩy doanh thu từ hoạt động mua sắm trực tuyến liên tục gia tăng. Theo đó, áp lực ngày càng tăng lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống nhà xưởng và nhà kho. Chính vì vậy, sự vào cuộc từ cấp Chính phủ là rất quan trọng trong việc hoạch định chiến lược quản trị chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của ngành logistics.
Chính phủ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, và kho bãi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và lưu trữ hàng hóa; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, và các giải pháp dựa trên công nghệ đám mây để quản lý chuỗi cung ứng. Việc số hóa chuỗi cung ứng giúp tăng cường khả năng giám sát, thu thập dữ liệu và dự báo, từ đó nâng cao khả năng ứng phó với các biến động cũng cần được đẩy mạnh.
Về vĩ mô, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, và thúc đẩy hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng. Chính phủ cũng cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp logistics phát triển.
Cuối cùng là chuẩn bị các biện pháp quản lý rủi ro để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp như đại dịch hoặc thiên tai.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc Chính phủ tham gia vào hoạch định chiến lược quản trị chuỗi cung ứng không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn tăng cường tính cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ảnh: Shutterstock. |
Trong bối cảnh đó, có lẽ nên nhìn nhận mức độ cạnh tranh của ngành ở cấp độ quốc gia?
Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm logistics của khu vực nếu tận dụng tốt các cơ hội và khắc phục những hạn chế hiện tại. Tuy nhiên, để nâng tầm vị thế ngành logistics nên được nhìn nhận ở góc độ quốc gia nhiều hơn.
Điều này là do ngành logistics không chỉ là một phần của hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính cạnh tranh của ngành trên thị trường quốc tế. Trong đó, Chính phủ đóng rất vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và thiết lập các chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và khuyến khích sử dụng công nghệ cũng giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do và hợp tác với các quốc gia khác giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics và thương mại quốc tế
Trung Quốc đã phát triển ngành logistics rất thành công, chúng ta có thể học hỏi gì từ nước láng giềng?
Ngành logistics Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc đầu tư và phát triển công nghệ để tối ưu hóa quy trình logistics. Ví dụ, hệ thống Cảng tự động (Automated Sea Port) và hệ thống định vị Bắc Đẩu (Beidou Navigation System - BDS) giúp tăng hiệu suất vận hành và quản lý dữ liệu di chuyển của các phương tiện.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã xây dựng các tập đoàn logistics quy mô lớn để tạo ra một hệ thống chuỗi cung ứng tích hợp, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng giao thông và kho bãi, bao gồm cả chuỗi lạnh để bảo quản và vận chuyển hàng hóa nhạy cảm với nhiệt độ.
Tất cả những nỗ lực trên đã giúp Trung Quốc tối ưu hóa việc vận chuyển và lưu trữ hàng hóa, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Singapore và Thái Lan cũng là những thị trường có ngành logistics phát triển vượt trội khi liên tục thúc đẩy chuyển đổi số và ban hành những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp, từ việc tiếp cận nguồn vốn đến đào tạo nguồn nhân lực.
Những bài học trên có thể giúp các doanh nghiệp logistics Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Cơ hội lớn của ngành logistics thời gian tới đến từ đâu?
Thương mại điện tử đang được gia tăng áp dụng lên mọi mặt cuộc sống trong đô thị, đặc biệt đối với thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm. Việt Nam còn sở hữu tầng lớp dân số trẻ và nhạy bén với công nghệ, hứa hẹn sẽ là yếu tố lớn thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử một cách ngoạn mục. Điều này đi đôi với nhu cầu tăng cao về bất động sản logistics chất lượng cao. Đặc biệt, trong các tháng cuối năm, khi nhu cầu từ thị trường bán lẻ được dự báo tăng bằng lần, càng khiến “cơn khát” nguồn cung nhà xưởng, kho bãi trở nên gay gắt hơn.
Nhu cầu sẽ ngày càng lớn trong thời gian tới. Theo tính toán của các chuyên gia, nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu đang đẩy sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ và vận chuyển tăng lên.
Với các đặc điểm địa lý thuận lợi, cũng như cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ và hàng loạt chính sách thúc đẩy đầu tư từ Chính phủ, có thể nói tiềm năng của logistics tại Việt Nam là rất lớn, hoàn toàn có thể trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các chủ đầu tư có tầm nhìn và tiềm lực mạnh.