Đặt cược số phận Hãng hàng không
Vietravel (Vietravel Airlines) vừa “bắt tay” phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hoá hàng không (VUAir Cargo) với Asean Cargo Gateway (ACG). Trong liên doanh này, Vietravel chiếm 51%, còn lại thuộc ACG.
Hai bên kỳ vọng thúc đẩy hoạt động kinh doanh hàng hoá, khai thác vận chuyển hàng hoá hàng không, đại lý hàng hoá cho các hãng hàng không trong khu vực.
Chia sẻ với giới truyền thông, lãnh đạo của Vietravel Airlines khẳng định, thị trường hàng hoá hàng không còn khá nhiều tiềm năng, chưa được khai thác triệt để. Đặc biệt, sự lo ngại về chuỗi cung ứng bị đứt gãy ngày càng tăng, khiến các cơ sở sản xuất của các tên tuổi trên thế giới đặt ở Trung Quốc sẽ dần dịch chuyển một phần sang Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội cho ngành logistics nói chung và vận tải hàng hoá hàng không nói riêng cất cánh trong thời gian tới.
Hiện là thời điểm thích hợp để Vietravel Airlines xây dựng, xúc tiến mảng vận tải hàng hoá đường hàng không (Air Cargo) đầu tiên tại Việt Nam. Với sự kết hợp giữa kinh nghiệm trong ngành logistics của ACG và vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines, hai bên kỳ vọng sẽ sớm đạt được mục tiêu.
Theo kế hoạch, hãng sẽ tập trung khai thác vận chuyển hàng hoá giữa Việt Nam và các “công xưởng” lớn tại châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan trên đội tàu bay chuyên dụng B737-800F dành cho hàng hóa với số lượng 2 - 4 chiếc trong năm đầu tiên và dự kiến tăng gấp đôi trong năm tiếp theo.
Đáng chú ý, trước đó, cổ phiếu VTR của Công Vietravel đã bị hạn chế giao dịch do bị âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2022. Theo báo cáo tài chính bán niên 2022 của Vietravel, tính đến ngày 30/6, Công ty có vốn điều lệ gần 173 tỷ đồng, nhưng âm vốn chủ sở hữu gần 104,3 tỷ đồng. Vietravel Airlines là công ty liên kết của Vietravel (Vietravel nắm giữ 43,92% cổ phần của Vietravel Airlines).
Tuy nhiên, Vietravel đã có động thái tái cấu trúc “chuyển túi trái qua túi phải” khi chuyển nhượng 55,58% cổ phần sở hữu tại Vietravel Airlines cho Vietravel Holdings. Vietravel Holdings sẽ trở thành công ty mẹ, sở hữu chi phối cổ phần tại Vietravel và Vietravel Airlines. Hai công ty này vẫn thuộc hệ sinh thái chung của Tập đoàn.
Trong khi đó, từ tháng 3/2021, ACG đã có sự chuyển đổi công năng sử dụng máy bay, khi chính thức mở đường bay vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đến Jakarta (Indonesia). Chuyến bay khai trương được thực hiện bằng tàu bay Airbus A321 CEO với tải trọng thương mại hàng hóa tương đương 11 tấn trong khoang hàng hóa và hơn 9 tấn xếp trên khoang hành khách. Khối lượng hàng hóa tương ứng 36 m3 trong khoang hàng và hơn 55 m3 trên khoang hành khách.
Đáng chú ý là, trong các chuyến bay của mình, ACG ưu đãi giảm giá cước vận chuyển cho mặt hàng nông sản. Đây là nỗ lực nhằm từng bước hiện thực hóa khát vọng “hãng hàng không chuyên biệt cho nông sản” của những người đứng đầu ACG.
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACG, cũng là người có gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành logistics tự tin vào thế mạnh sẵn có của ACG. Ngay sau khi được thành lập, ACG đã sớm trở thành thành viên cung cấp dịch vụ của Liên minh Hàng hóa thế giới (WCA Vendors), tạo dựng mối quan hệ hợp tác với gần 10.000 doanh nghiệp toàn cầu trong mạng lưới.
Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, vận tải hàng không là một trong những giải pháp đột phá cho
logistics nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá và doanh nghiệp Việt. Covid-19 là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chuyển đổi công năng máy bay từ chở hành khách sang vận tải hàng hóa (P2F). Doanh nghiệp Việt cũng nhanh tay nắm bắt cơ hội.
Cirium, một công ty chuyên phân tích về thị trường hàng không từng dự báo, con số chuyển đổi P2F trên toàn cầu tăng 36%, lên 90 chiếc máy bay trong năm 2021 và 109 chiếc trong năm 2022. Xu hướng này cho thấy, các hãng hàng không đặt cược tiền bạc vào việc vận tải hàng hóa bằng hàng không, khi người tiêu dùng ưu ái thương mại điện tử với tâm lý có thể nhận được hàng hóa nhanh hơn.
Công ty tư vấn Ishka nhận định, giá trị trên thị trường của các máy bay 15 năm tuổi đã giảm 20 - 40% kể từ đầu năm nay, tùy từng mẫu. Các chuyên gia dự đoán, phải đến năm 2024, việc di chuyển bằng hàng không mới hồi phục được về mức của năm 2019.
Việc thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam đã khá rầm rộ từ giữa năm 2021. Đầu tháng 6/2021, Công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập Hãng hàng không vận tải hàng hóa IPP Air Cargo. Đây là dự án hàng không chuyên biệt vận tải hàng hoá đầu tiên tại Việt Nam, có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.
Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. Chủng loại máy bay sẽ đưa vào khai thác là B737/B777/A330 và các loại tàu bay tương đương. IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chiếc máy bay đầu tiên của IPP Aircargo đã được xuất xưởng và chuẩn bị bàn giao về Việt Nam. Tuy nhiên, việc vận chuyển máy bay về Việt Nam vẫn còn chờ giấy phép chứng chỉ khai thác máy bay của Cục Hàng không Việt Nam.
Ước tính, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không trong nước chỉ đạt 18% trong năm 2019 và giai đoạn 2020-2021 đạt 11% thị phần hàng hoá quốc tế. Trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay, hàng loạt hãng chuyên chở hàng hóa của nước ngoài như China
Central Longhao Airlines, China Southern Cargo Airlines (Trung Quốc), Air Incheon (Hàn Quốc), SpiceJet (Ấn Độ), Kalitta Airlines LLC và Western Global Airlines LLC (Mỹ)… được cấp quyền thực hiện chuyến bay chuyên chở hàng hóa đi/đến Việt Nam.
Thời gian qua, do số lượng chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hoá giảm mạnh, trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao, nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt 3 - 4 lần. Thậm chí, có thời điểm, giá cước tăng 5 - 6 lần so với trước đại dịch Covid -19.
Phình to miếng bánh “bầu trời”
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), lưu lượng hành khách hàng không toàn cầu trong năm 2022 sẽ thấp hơn khoảng 1/5 so với mức của năm 2019. Tuy nhiên, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không năm nay sẽ cao hơn 11,7% so với năm 2019 và cao hơn 4% so với năm 2021.
Có thể nói, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không chưa hạ nhiệt. Xu hướng này siết chặt lợi nhuận của các chủ hàng, nhà sản xuất, nhưng lại giúp miếng bánh kinh doanh của các hãng bay chuyên chở hàng hóa phình to.
Các hãng sản xuất máy bay cũng lên kế hoạch đánh mạnh vào nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Airbus (Pháp) và Boeing (Mỹ) đang nhắm chính vào thị trường châu Á, bởi khu vực này vẫn phát triển năng động nhất, với nhu cầu trong 20 năm tới là khoảng 16.000 máy bay mới (gấp đôi nhu cầu của Bắc Mỹ và châu Âu). Theo ông Jean- François Laval, Phó chủ tịch điều hành khu vực châu Á của Airbus, châu Á đã và sẽ vẫn là thị trường lớn nhất thế giới, đặc biệt là đối với
Airbus. Không chỉ có Trung Quốc, mà những nước nhỏ hơn như Việt Nam, Indonesia cũng là những thị trường mà Airbus quan tâm đầu tư.
Trong khi đó, Boeing có kế hoạch tăng 80% số lượng máy bay vận tải của hãng được sử dụng trong 2 thập niên tới. Airbus, đối thủ chính của Boeing, có kế hoạch tăng số máy bay vận tải đang hoạt động thêm 50% vào năm 2041. Theo Darren Hulst, Phó chủ tịch tiếp thị thương mại của Boeing, đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ tầm quan trọng chiến lược của vận tải hàng không.
Đáng chú ý, với tiềm lực tài chính mạnh và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các hãng vận tải biển cũng lấn sâu vào lĩnh vực vận tải hàng không.
Tháng 4/2022, Tập đoàn AP Moller-Maersk ra mắt một hãng hàng không vận chuyển hàng không là Maersk Air Cargo. Hãng sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm nay. Động thái mạnh mẽ này được đưa ra sau khi AP Moller-Maersk chứng kiến sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã diễn ra trong 2 năm qua. Lượng khách hàng chuyển sang kết hợp vận tải đường biển và đường hàng không để tiết kiệm thời gian xử lý đơn hàng quan trọng đang tăng lên.
Năm 2021, Công ty vận chuyển CMA CGM đã thành lập CMA CGM Air Cargo, với đội bay gồm 4 máy bay chở hàng Airbus A330-200F và đã đặt hàng 2 máy bay vận tải Boeing 777.
Trong khi đó, hãng tàu container lớn thứ hai thế giới là MSC Group (Thụy Sỹ) và Hãng hàng không quốc gia Lufthansa (Đức) đã quan tâm đến việc mua lại phần lớn cổ phần của hãng hàng không kế nhiệm Alitalia là ITA Airways. Điều này sẽ giúp MSC có mặt trong cả hoạt động chở khách và vận chuyển hàng hóa.
Như vậy, các tên tuổi trên thị trường logistics đang tận dụng mọi cơ hội để đa dạng nguồn cung, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Khi năng lực vận tải hàng hóa bằng đường không tăng lên sẽ giúp giảm bớt áp lực trong việc tìm kiếm đơn vị vận tải cho các nhà sản xuất ở Việt Nam, nhất là các tên tuổi đang có ý định dịch chuyển một phần cơ sở sản xuất sang thị trường Việt Nam.
Tại thị trường Việt Nam, lưu lượng vận tải hàng hóa qua đường hàng không trong năm nay được dự báo lên tới hơn 1,52 triệu tấn, tăng 17% so với năm ngoái và cao hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 30 năm qua (15%/năm). Điều này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước và nước ngoài tăng cao khi Việt Nam củng cố vị trí trong các chuỗi cung ứng toàn cầu về mọi loại hàng hóa, từ đồ điện tử đến hàng dệt may, với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gần 20%, lên khoảng 336 tỷ USD trong năm 2021.