Loay hoay xử lý đội vốn mặt bằng tại dự án giao thông

0:00 / 0:00
0:00
Không ít chủ đầu tư giao thông đang phải trả giá đắt về tiến độ cũng như chi phí do phương án đầu tư được neo vào những thông số thiếu chuẩn xác về khối lượng, đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng.
Thi công cầu Rạch Miễu 2 Ảnh: Nhật Bắc Thi công cầu Rạch Miễu 2 Ảnh: Nhật Bắc

Tăng vốn khủng

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 1760/VPCP-CN gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tăng tổng mức đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2.

Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương xem xét, giải quyết các vấn đề phát sinh của Dự án theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền; đồng thời thực hiện đánh giá năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thẩm định trong thời gian qua; thực hiện thanh tra, kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật.

“Giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác lập, thẩm định, trình duyệt các dự án đầu tư ngành GTVT theo đúng quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2023”, Công văn số 1760/VPCP-CN nêu rõ.

Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1730/QĐ-BGTVT ngày 29/9/2021.

Tại Quyết định số 1730/QĐ-BGTVT, tổng mức đầu tư Dự án được chốt là 5.175,127 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và dự phòng phí là 3.896 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng là 1.279 tỷ đồng. Dự án được Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, riêng công tác giải phóng mặt bằng do UBND hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre tổ chức thực hiện.

Công trình dự kiến triển khai từ năm 2021 đến năm 2025. Thực tế, Dự án đã được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận khởi công vào tháng 3/2022 nhằm góp phần giảm bớt áp lực giao thông trên Quốc lộ 60 - tuyến hành lang ven biển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với nút thắt là cầu Rạch Miễu 2 đã bị quá tải, thường xuyên bị ùn tắc giao thông.

Mặc dù đã tung vào đây những lực lượng thi công và quản lý dự án tinh nhuệ, nhưng đến tháng 12/2022, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đột ngột có Văn bản số 3632 /PMUMT-KHTH đề nghị Bộ GTVT cho đơn vị này được kích hoạt các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2.

Tại Văn bản số 3632 /PMUMT-KHTH, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận tổng mức đầu tư mới của Dự án là 6.358,82 tỷ đồng, tăng 1.183,69 tỷ đồng so với phê duyệt của Bộ GTVT tại Quyết định số 1730/QĐ-BGTVT.

Đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, tổng mức đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 tăng chủ yếu do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng điều chỉnh tăng sau khi hai địa phương cập nhật lại số liệu về đất đai.

Cụ thể, trên cơ sở áp dụng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất đã được UBND hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre phê duyệt, đơn giá bồi thường về đất (theo giá trị trường bình quân trong 2 năm gần đây) tại thời điểm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã tăng 6 - 20 lần, tùy theo tuyến đường, địa bàn, vị trí thửa đất, loại đất cụ so với đơn giá bồi thường tại thời điểm tư vấn khảo sát giá để lập Khung chính sách. Bên cạnh đó, hiện trạng vị trí các thửa đất thu hồi, diện tích và loại đất, nhất là thổ cư, cũng có sự thay đổi so với thời điểm tư vấn khảo sát, tổng hợp khối lượng bồi thường về đất để lập Khung chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, làm tăng giá trị bồi thường thực tế.

Điều đáng nói, đây vẫn chưa phải là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, bởi theo kết quả rà soát, làm việc của chủ đầu tư với các địa phương, chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án đã lên tới 2.892 tỷ đồng, tăng 1.613 tỷ đồng so với tổng chi phí giải phóng mặt bằng được duyệt. Trong đó, tỉnh Tiền Giang dự kiến tăng 1.257 tỷ đồng, tỉnh Bến Tre dự kiến tăng 356 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, việc tăng chi phí giải phóng mặt bằng nói trên làm vượt tổng mức đầu tư của Dự án, dẫn đến phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án.

Không chỉ phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng, đến tháng 1/2023, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lại tiếp tục xin Bộ GTVT điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 vào năm 2026, thay vì năm 2025 như kế hoạch đề ra.

Lý do Dự án buộc phải nới thời gian hoàn thành, theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, là do Gói thầu XL02 - xây dựng cầu chính dây văng của Dự án có tiến độ thi công được phê duyệt là 36 tháng. Đây là gói thầu có nhiều hạng mục kỹ thuật cao và phức tạp, trong quá trình thi công đòi hỏi thời gian triển khai thử nghiệm, thử tải… và phát sinh thời gian xử lý kỹ thuật (nếu có) để đảm bảo an toàn và chất lượng cho công trình sau khi đưa vào khai thác.

Trong khi đó, đến đầu tháng 2/2023, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận mới trao Gói thầu XL02 có giá 1.270 tỷ đồng cho Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C. Như vậy, nếu liên danh nhà thầu này khởi công ngay trong tháng 3/2023 và duy trì đúng tiến độ, thì Dự án cũng chỉ có thể hoàn thành vào đầu quý II/2026.

Thiếu vốn bố trí

Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài tuyến khoảng 17,5 km; điểm đầu giao cắt giữa Quốc lộ 1 với Đường tỉnh 870 thuộc huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang); điểm cuối kết nối với Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc tỉnh Bến Tre.

Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột dài 39,6 km, có điểm đầu tuyến Km0+00 tại Km1758+900-Quốc lộ 14 xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar; điểm cuối Km39+606,7 tại Km1790+445-Quốc lộ 14 xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột.

Cần phải nói thêm, công tác giải phóng mặt bằng vẫn đang là đường găng tiến độ tại Dự án khi đến giữa tháng 2/2023, hai địa phương mới bàn giao mặt bằng được 9,56/17,6 km, tương đương 54,3%, trong đó Tiền Giang đã bàn giao 2,18/7,95 km (tương đương 27,4%), phía Bến Tre đã bàn giao được 7,38/9,65 km (76,5%).

“Nếu không sớm điều chỉnh chủ trương đầu tư và tìm được nguồn vốn bổ sung, thì nguy cơ lụt tiến độ Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 do chậm giải phóng mặt bằng là điều chắc chắn sẽ xảy ra”, một lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) nhận định.

Liên quan đến việc phát sinh chi phí tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2, vào giữa tháng 2/2024, Bộ GTVT đã có Công văn số 1322/BGTVT-QLXD yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo Nghiên cứu khả thi, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Dự án.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án có trách nhiệm phối hợp với các địa phương làm rõ nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí giải phóng mặt bằng (làm rõ việc tăng do khối lượng, đơn giá, các nguyên nhân khác...) để xác định rõ trách nhiệm từng chủ thể liên quan.

Ngoài Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2, ngay tại thời điểm này, Bộ GTVT cũng đang chật vật tìm hướng xử lý chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao tại Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư 1.509 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, được Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Đến cuối tháng 2/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có Tờ trình số 57/TTr- BQLDAGTNN đề nghị Bộ GTVT xem xét thẩm định, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Trong đó, điểm nhấn nổi bật nhất trong tờ trình này là Ban Quản lý đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án từ 1.512 tỷ đồng lên 1.844 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 1.512 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh là 332 tỷ đồng.

Lý do khiến dự án trên bị đội vốn so với kế hoạch là do trong quá trình thực hiện, giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng là 726 tỷ đồng, tăng 84,13% so với chi phí giải phóng mặt bằng được Bộ GTVT phê duyệt là 394 tỷ đồng, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, theo chủ trương đầu tư được duyệt tại Quyết định số 659/QĐ-BGTVT ngày 10/4/2022 của Bộ GTVT thì tiến độ thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2023. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 2/2023, sản lượng thực hiện tại Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột mới đạt khoảng 174/975 tỷ đồng, bằng 18% giá trị hợp đồng.

Tiến độ thi công xây dựng Dự án bị chậm do gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và do điều kiện thời tiết của khu vực Tây Nguyên đến hết tháng 6 mới hết mùa mưa, nên với phần khối lượng còn lại để thi công hoàn thành công trình trong năm 2023 là không khả thi.

Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều văn bản đề xuất Bộ GTVT cân đối, hỗ trợ bổ sung vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch của Bộ. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT rất hạn hẹp, tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách, nên không có khả năng cân đối, bố trí thêm cho Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột.

Hiện tại, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép chấp thuận về chủ trương điều chỉnh Dự án và giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện, trong đó, phần vốn ngân sách tỉnh Đắk Lắk bố trí chi trả toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng phát sinh của Dự án (khoảng 332 tỷ đồng).

“Để Dự án bị đội vốn có trách nhiệm rất lớn của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, khi chưa chủ động nắm bắt tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương và chưa kiểm soát chặt chẽ kinh phí giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục