Vinawaco cổ phần hóa vào năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa được quyết toán vốn để chính thức vận hành theo mô hình công ty cổ phần. Khúc mắc lớn nhất nằm ở khoản nợ mua 3 tàu từ năm 1995 với chi phí 12 tỷ đồng.
Theo ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinawaco, lúc cổ phần hoá Tổng công ty, số nợ trên không có trong sổ sách, mãi đến năm 2016, Vietcombank gửi trát đòi nợ khiến doanh nghiệp bất ngờ.
Hiện tại, số nợ (bao gồm cả lãi) đã lên tới 60 tỷ đồng, “đá” qua “đá” lại mãi, Bộ Giao thông Vận tải và ngân hàng vẫn chưa có hướng giải quyết.
Khoản nợ 12 tỷ đồng được hình thành từ năm 1995, khi Vinawaco tiếp nhận 3 tàu vận tải từ Vietrancimex với giá trị 26,2 tỷ đồng.
Thời điểm đó, Vinawaco được Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bố trí vốn nhận thay nợ từ Công ty Vietrancimex (nay là Traximeco - CTCP Xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư giao thông vận tải) 19,2 tỷ đồng, số tiền còn nợ lại Traximeco khoảng 7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Vinawaco kinh doanh vận tải tàu thua lỗ, vì thế, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Vinawaco thanh lý 3 còn tàu trên. Số tiền bán tàu chỉ được trên 13 tỷ đồng, số nợ còn lại là 12,6 tỷ đồng “treo” từ đó.
Bộ Tài chính sau đó có Công văn số 9992/TC-TCDN ngày 8/9/2004, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý dứt điểm khoản nợ vay 3 tàu.
Dựa trên công văn này, Bộ Giao thông Vận tải có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất cho phép xóa khoản nợ trên. NHNN cũng trình Chính phủ cho phép NHNN chỉ đạo Vietcombank xử lý khoản nợ tồn đọng này (gồm nợ gốc và nợ lãi).
Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 791/VPCP - KTTH ngày 21/2/2005 nêu rõ: “Để hỗ trợ đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại Tổng công ty Vinawaco, đồng ý áp dụng xóa nợ theo đề nghị của các bộ, ngành”...
Năm 2016, Vietcombank lại tiếp tục gửi trát đòi nợ khiến các nhà đầu tư bỏ vốn vào doanh nghiệp này té ngửa về “khoản nợ” và không đồng ý vì không có trong sổ sách, định giá doanh nghiệp.
Ngày 7/3/2018, NHNN có công văn về việc xử lý tồn tại của Vinawaco gửi Văn phòng Chính phủ, trong đó, trích dẫn một số điều khoản nêu rõ: “Đối với số nợ gốc, Vietcombank hạch toán số nợ gốc được xử lý nêu trên ra theo dõi trên tài khoản ngoại bảng cân đối kế toán để tiếp tục theo dõi thu hồi nợ.
Đối với số nợ lãi, Vietcombank xử lý theo quy định hiện hành để xóa số nợ lãi phát sinh, từ số nợ gốc theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”.
Căn cứ theo quy định trên, Vinawaco chưa được xóa khoản nợ gốc là 12 tỷ đồng.
Tình trạng trên khiến Vinawaco không thể quyết toán cổ phần hóa. Tháng 3/2020, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý tồn tại tài chính và quyết toán vốn nhà nước tại Vinawaco, liên quan đến khoản vay từ Vietcombank.
Cụ thể, bộ này đề xuất Thủ tướng cho phép được phê duyệt quyết toán vốn nhà nước tại Vinawaco tại thời điểm bàn giao sang công ty cổ phần, trong đó không tính khoản nợ Vietcombank trong quyết toán bàn giao.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vinawaco về SCIC, đồng thời bàn giao khoản nợ Vietcombank của Vinawaco thời kỳ doanh nghiệp nhà nước về SCIC.
Trên cơ sở đó, SCIC tổ chức thoái vốn tại Vinawaco và dùng tiền bán vốn để trả nợ Vietcombank.
Tuy nhiên, SCIC cho rằng, hướng giải quyết như trên trái các quy định hiện hành. Trong Công văn số 797/ĐTKDV-DDT2 gửi Bộ Giao thông Vận tải ngày 16/4/2020, SCIC cho biết, Tổng công ty không có chức năng tiếp nhận, theo dõi, xử lý các khoản nợ, tài sản tồn đọng khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Do vậy, đề xuất chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Vinawaco từ Bộ Giao thông Vận tải sang SCIC để tổ chức bán và trả nợ cho Vietcombank là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của SCIC.
“Khoản nợ phải trả của Vinawaco tồn đọng tại Vietcombank là tồn tại trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Vinawaco, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải với tư cách là cơ quan chủ trì, quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp tiếp tục làm rõ, xử lý dứt điểm và xác định chính thức giá trị vốn nhà nước tại Vinawaco làm cơ sở chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Vinawaco sang SCIC theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”, SCIC nêu quan điểm.
Chưa rõ các bên sẽ xử lý “cục nợ” trên ra sao, tuy nhiên, theo lời lãnh đạo SCIC, dứt khoát Tổng công ty này không thể nhận bàn giao vốn nhà nước tại Vinawaco với tình trạng “dở dang và bùng nhùng” như vậy.