Vinawaco lỗ gần ngàn tỷ hay gần 1 tỷ?

Sau hơn 4 năm chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP (Vinawaco) vẫn chưa thể khép lại những công đoạn quan trọng nhất của quá trình cổ phần hóa.

Lỗ gần ngàn tỷ hay gần 1 tỷ?

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Công văn hỏa tốc số 9430/BTC - TCDN liên quan đến việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vinawaco vừa được Bộ Tài chính gửi tới Văn phòng Chính phủ.

Tại văn bản này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), trong vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại Vinawaco, cần làm rõ về số lỗ phát sinh lên tới 993,8 tỷ đồng tại tổng công ty này.

Bộ Tài chính đề nghị đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước phải phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan tới khoản lỗ rất lớn, vượt gấp hơn 3 lần vốn điều lệ hiện tại của Vinawaco.

Theo Bộ Tài chính, căn cứ biên bản kiểm tra thuế của Cục Thuế TP. Hà Nội tại Vinawaco vào tháng 10/3/2016, thì từ ngày 1/7/2013 đến ngày 29/5/2014, Vinawaco lỗ tới 998,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco xác nhận, số liệu thua lỗ mà Bộ Tài chính dẫn chiếu là nhầm lẫn, bởi Cục Thuế TP. Hà Nội chỉ ghi nhận khoản thua lỗ 998,3 triệu đồng mà thôi.

Cần phải nói thêm rằng, tại Công văn số 6765/BGTVT - QLDN mà Bộ GTVT gửi xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về hướng xử lý liên quan đến việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vinawaco từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), khoản lỗ mà Cục Thuế TP. Hà Nội ghi nhận cũng chỉ là hơn 998 triệu đồng.

Chủ tịch HĐQT Vinawaco xác nhận, số liệu thua lỗ mà Bộ Tài chính dẫn chiếu là nhầm lẫn, bởi Cục Thuế TP. Hà Nội chỉ ghi nhận khoản thua lỗ 998,3 triệu đồng mà thôi.

Đây cũng là số liệu mà Bộ GTVT đề nghị lấy làm căn cứ để thực hiện quyết toán tiền thu từ cổ phần hóa, xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo đúng quy định về cổ phần hóa doanh nghiệpnhà nước.

Chủ tịch HĐQT Vinawaco khẳng định, ông không quan tâm tới việc các cơ quan quản lý nhà nước đang có sự lệch pha rất lớn về việc dẫn chiếu số liệu của Cục Thuế TP. Hà Nôi, vì đây là con số không có giá trị, đặc biệt là trong việc xác định lại phần vốn nhà nước.

Đại diện cổ đông chiến lược hiện nắm chi phối tại Vinawaco cho rằng, nếu tính cả khoản lỗ từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu nêu trên và các khoản phát sinh khác, tổng giá trị đề nghị giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 137 tỷ đồng.

“Phần vốn nhà nước tại Vinawaco chiếm 36,62% vốn điều lệ, tương đương 109,8 tỷ đồng, nếu các tồn tại này được xử lý, thì phần vốn nhà nước sẽ bị âm 30,3 tỷ đồng”, Chủ tịch HĐQT Vinawaco thông tin.

Căng thẳng

Việc không thống nhất được các tồn tại về tài chính là một trong những nguyên nhân khiến Vinawaco sau 4 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (ngày 30/5/2015) vẫn chưa thể quyết toán vốn để xác định phần vốn nhà nước - thủ tục quan trọng nhất để khép lại quá trình cổ phần hóa cũng như việc chuyển phần vốn này sang SCIC.

Theo Bộ GTVT, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinawaco sẽ căn cứ trên giá trị được phê duyệt tại Quyết định số 1591/QĐ-BGTVT ngày 28/4/2014 của Bộ GTVT điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần hóa (109,8 tỷ đồng).

Sau khi chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với SCIC, Vinawaco xử lý các tồn tại về tài chính của doanh nghiệp, quyết toán, công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu theo quy định của pháp luật về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và điều chỉnh giá trị phần vốn nhà nước đã chuyển giao.

Tuy nhiên, Vinawaco cho rằng, không thể thực hiện được lộ trình chuyển giao này, vì trái với Nghị định số 59/2011/NĐ - CP ngày 18/7/2011 và Thông tư số 127/TT - BTC ngày 5/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Theo đó, các tồn tại tài chính tại đơn vị cổ phần hóa cần phải được xử lý dứt điểm trước khi chính thức chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về SCIC.

Ông Tuấn cho rằng, Bộ GTVT là đơn vị trực tiếp thực hiện quá trình cổ phần hóa Vinawaco, mà không quyết toán dứt điểm được thì SCIC làm sao có thể xử lý nổi những tồn đọng phức tạp này.

Chủ tịch HĐQT Vinawaco thậm chí đề nghị Bộ GTVT điều chuyển ông Nguyễn Huy Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường sắt là Chủ tịch HĐTV Vinawaco giai đoạn 2010 - 2014 về làm người đại diện phần vốn nhà nước tại đây để cùng xử lý dứt điểm các khoản công nợ.

Quan điểm của Vinawaco khá tương đồng với đơn vị dự kiến tiếp nhận phần vốn nhà nước từ Bộ GTVT. “Trường hợp xác định vẫn còn vốn nhà nước tại Vinawaco để chuyển giao, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại Vinawaco phối hợp với HĐQT công ty lập hồ sơ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty đầy đủ theo hướng dẫn tại Thông tư số 118/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014 của Bộ Tài chính về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước và chuyển hồ sơ về SCIC để phối hợp rà soát theo quy định”, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết. 

Thực hiện Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 6/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng đường thủy, Bộ GTVT đã hoàn thành cổ phần hóa, chuyển đổi doanh nghiệp sang công ty cổ phần từ ngày 30/5/2014. Sau cổ phần hóa, Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP có vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, cổ đông Nhà nước nắm giữ 109.865.610.000 đồng, chiếm 36,62% vốn điều lệ.

Anh Minh
baodautu,vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục