Lười có tên khoa học là Folivora, sinh sống chủ yếu ở khu vực rừng nhiệt đới Trung và Nam Mỹ. Đặc điểm nhận dạng của loài này, dĩ nhiên nằm ở tốc độ giải quyết, sinh hoạt của nó. Theo các nhà sinh vật học, lười là loài động vật có vú có tốc độ và tác phong sinh hoạt chậm nhất hành tinh.
Hầu hết những động vật ăn cỏ sẽ bổ sung thêm nguồn năng lượng khác bằng những thức ăn bổ dưỡng, nhiều khoáng chất như hạt, trái cây... Riêng loài lười, vì lười quá nên nó chỉ cần ăn lá cây là đủ, điều này khiến tỷ lệ trao đổi chất trong cơ thể của chúng rất thấp dẫn đến việc lười chỉ phát triển được khoảng 1/4 các nhóm cơ so với các loài động vật khác.
Sự bình thản với mọi thứ xung quanh khiến không ít người nghĩ rằng chúng chậm tiến hóa và tụt hậu so với sự phát triển của các loài động vật khác.
Thế nhưng đây lại chính là phương thức tiến hóa của loài động vật này nhằm hạn chế tiêu thụ chất dinh dưỡng nhất có thể.
Dù trên cạn hay dưới nước thì loài lười vẫn giữ được khuôn mặt luôn vui tươi. |
Việc di chuyển chậm giúp lười tiết kiệm được nhiều năng lượng, so với các loài động vật vú khác lười sử dụng năng lượng ít hơn đến 90%. Hơn nữa, chậm chạp, lười di chuyển còn là thứ vũ khí bí mật giúp loài động vật này khó bị phát hiện. Rất dễ dàng nhận thấy những con lười chậm chạp đến mức những kẻ săn mồi như báo đốm và đại bàng, những loài săn mồi tập trung vào chuyển động của con mồi sẽ không dễ dàng phát hiện ra chúng.
Lười cũng là động vật đặc biệt khi có thể quay đầu 270 độ do có thêm các đốt sống phụ ở cổ. Điều này cho phép chúng đánh hơi thấy những kẻ săn mồi đang đến từ hầu hết mọi hướng. Đây chính là một lợi thế đặc biệt hữu ích khi chúng dành gần như toàn bộ thời gian để bất động trên cây.
Nếu rơi vào trường hợp bị săn đuổi bởi các loài thú săn mồi, tốc độ tối đa mà một con lười có thể đạt được chỉ có thể lên đến 4m/phút, tức là nếu bị đuổi thì thôi nộp mạng luôn cho nhanh đỡ phải chạy cho tốn sức.
Clip nguồn: BBC Earth. |
Với lối sống tiêu diêu tự tại như vậy, câu hỏi được nhiều người thắc mắc đó là loài lười có biết bơi hay không? Dù sao thì loài động vật này cũng đâu có tìm kiếm thức ăn ở dưới nước, nghe qua thì có vẻ hoạt động bơi, lội khá là không cần thiết đối với lười cho lắm.
Sải tay dài là một lợi thế giúp loài lười có thể bơi nhanh hơn. |
Thực tế cho thấy điều hoàn toàn ngược lại, loài lười không những biết bơi mà còn là những vận động viên cừ khôi. Theo lý giải kiểu các nhà khoa học, có lẽ do tác động của lực hấp dẫn dưới nước bị giảm, cho phép những con lười có thể tự nổi trên nước thay vì phải lê lết qua các tán cây.