Loại 7 tuyến đường cao tốc khỏi quy hoạch tới 2020

Cơ quan lập Báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 đề xuất không đầu tư 7 tuyến cao tốc từng được đưa vào quy hoạch đã được phê duyệt năm 2008.
Những năm tới sẽ tập trung xây dựng đường cao tốc ở các vùng kinh tế trọng điểm      Những năm tới sẽ tập trung xây dựng đường cao tốc ở các vùng kinh tế trọng điểm

Điểm nhấn lớn nhất đề cập trong Báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 do Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải (TEDI) lập vừa được Bộ GTVT cho ý kiến vào giữa tuần qua chính là việc hạ mục tiêu tổng chiều dài đường cao tốc hoàn thành vào năm 2020.

Theo đề xuất của TEDI, đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch, tổng chiều dài các tuyến đường bộ cao tốc hoàn thành xây dựng vào năm 2020 sẽ chỉ còn 1.763 km, giảm đáng kể so với Quy hoạch Phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 (Quy hoạch 2008).

Bên cạnh đó, TEDI cũng đề xuất không đầu tư 7 tuyến cao tốc từng được đưa vào quy hoạch năm 2008; đẩy sớm tiến trình đầu tư 3 tuyến cao tốc có tổng chiều dài 171 km để có thể hoàn thành trước năm 2020, gồm: Dầu Giây - Phan Thiết; Hòa Lạc - Hòa Bình và vành đai IV TP. Hà Nội, đồng thời đưa vào quy hoạch thêm 4 tuyến cao tốc khác.

“Để phù hợp với nhu cầu thực tế, khả năng huy động vốn, nhiều tuyến cao tốc sẽ hạ quy mô đầu tư từ 4 làn xe xuống còn 2 làn xe”, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI cho biết.

Theo TEDI, việc hoàn thành sớm các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 14 từ 2 làn xe lên 4 làn xe trước năm 2015 đã hưởng trực tiếp tới tiến trình đầu tư của các tuyến cao tốc, đặc biệt là trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây.

“Việc hoàn thành sớm các dự án nâng cấp thật sự tác động rất lớn tới tiến trình đầu tư của các trục cao tốc này, khi nguồn vốn đầu tư của các tuyến cao tốc chủ yếu do các nhà đầu tư huy động và hoàn vốn chủ yếu là nguồn thu phí”, ông Sơn phân tích.

Trong khi đó, theo đánh giá của TEDI, nhiều mục tiêu đề ra tại Quy hoạch 2008, trong đó có việc hoàn thành 2.235 km cao tốc vào năm 2020 đã bị “vỡ”, dù quỹ thời gian vẫn còn tới 6 năm.

Cụ thể, tới giữa tháng 5/2014, cả nước mới có 548 km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Dự kiến, nếu như các dự án cao tốc đang triển khai hoàn thành đúng tiến độ, thì đến năm 2020 cũng sẽ chỉ có thêm 281 km đường cao tốc hoàn thành.

Tính tổng cộng đến năm 2020, cả nước mới có 829 km đường cao tốc, chủ yếu tập trung vào các đoạn tuyến của trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến cao tốc khu vực phía Bắc, phía Nam và đường Vành đai III TP. Hà Nội, chiếm tỷ lệ 14,41% tổng chiều dài mạng đường bộ cao tốc của cả nước và chỉ đạt 37,09% tổng chiều dài các tuyến cao tốc được hoàn thành đến năm 2020 như Quy hoạch đề ra.

Đại diện TEDI cho biết, bên cạnh việc ngân sách hạn chế, thì các cơ chế ưu đãi, chia sẻ rủi ro còn thiếu để hút vốn tư nhân cũng là những lý do khiến tiến độ triển khai các dự án xây dựng đường cao tốc của nước ta không đảm bảo tiến độ đề ra trong Quy hoạch 2008.

Thừa nhận việc rất khó đạt được mục tiêu hoàn thành 2.235 km đường cao tốc vào năm 2020, song ông Lê Thanh Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, báo cáo đầu kỳ điều chỉnh Quy hoạch Phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của đơn vị tư vấn nghiên cứu còn thiếu thông tin, số liệu, cần phải bổ sung, cập nhật.

“Nếu tính đúng, tính đủ, chiều dài mạng đường cao tốc hoàn thành vào năm 2020 chắc chắn vượt con số 1.800 km, trong đó, việc đưa vào khai thác 1.000 km cao tốc vào năm 2015 vẫn có tính khả thi”, một chuyên gia thuộc Hội Khoa học Cầu đường Việt Nam chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, trên cơ sở Quy hoạch Phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đơn vị tư vấn cần tập trung nghiên cứu kỹ nội dung điều chỉnh về quy mô, tuyến, phân kỳ đầu tư; làm rõ những nội dung bổ sung mới, những tuyến kéo dài, quy mô 2 - 4 làn xe; các tuyến đường cao tốc trong Quy hoạch được hoạch định với quy mô hoàn chỉnh, nhưng trong quá trình thực hiện có thể phân kỳ xây dựng để phù hợp với lưu lượng xe và khả năng huy động vốn.

“Trước mắt, việc điều chỉnh Quy hoạch Phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng tuyến đường bộ cao tốc ở các vùng kinh tế trọng điểm, như Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Huế, Cần Thơ - TP.HCM - Bà Rịa -Vũng Tàu”, ông Trường chỉ đạo.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục