Lo sợ virus Covid-19, giới đầu tư lại ồ ạt bán tháo

(ĐTCK) Đà bán tháo ồ ạt một lần nữa lại xảy ra trong tuần này, thậm chí đà giảm của chứng khoán Âu, Mỹ còn mạnh hơn phiên bán tháo hôm đầu tuần khi phố Wall giảm 4%, mức giảm điểm ký lục trong phiên thứ Năm (27/2) do nỗi sợ virus Covid-19.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Số người nhiễm mới virus Covid-19 trong một ngày của Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc đại lục, nơi khởi phát của dịch bệnh. Số người lây nhiễm mới và tử vong cũng tăng nhanh tại Ý, Iran, đồng thời virus này cũng lây lan sang nhiều quốc gia khác.

Lo sợ sự lây lan của dịch bệnh, các chính phủ từ Iran tới Úc đã đóng cửa các trưởng học, hủy bỏ các sự kiện lớn và dự trữ vật tư y tế.

Những diễn biến mới của dịch bênh Covid-19 khiến giới đầu tư lo lắng thế giới đang bên bờ vực của một đại dịch, nên đồng loạt bán tháo ra trong phiên thứ Năm, đẩy phố Wall lao dốc hơn 4% trong cả 3 chỉ số chính.

Trong đó, với mức giảm gần 1.200 điểm, Dow Jones có phiên mất điểm mạnh nhất lịch sử, còn S&P có phiên giảm theo phần trăm lớn nhất kể từ tháng 8/2011.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống mức thấp kỷ lục dưới 1,25%. Đồng USD cũng giảm khi giới đầu tư đặt cược vào khả năng Fed sẽ giảm lãi suất để đối phó với dịch Covid-19.

Kết thúc phiên 27/2, chỉ số Dow Jones giảm 1.190,95 điểm (-4,42%), xuống 25.766,64 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 137,63 điểm (-4,42%), xuống 2.978,76 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 414,29 điểm (-4,61%), xuống 8.566,48 điểm.

Tương tự, việc số ca nhiễm mới virus Covid-19 tăng mạnh ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục và lây lan thêm ra nhiều quốc gia khác khiến giới đầu tư châu Âu cũng hoảng sợ bên bờ đại dịch ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Lo sợ này đã kích hoạt lệnh bán tháo diễn ra trên hầu khắp các thị trường chứng khoán trong khu vực, kéo các thị trường này một lần nữa có phiên giảm hơn 3%. Trong đó, nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất là cổ phiếu du lịch và hàng không.

Kết thúc phiên 27/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 246,07 điểm (-3,49%), xuống 6.796,40 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 407,42 điểm (-3,19%), xuống 12.367,46 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 188,94 điểm (-3,32%), xuống 5.495,60 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục giảm mạnh, trong đó chứng khoán Nhật Bản ghi nhận phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp do lo ngại virus Covid-19 lây lan nhanh trên thế giới và lần đầu tiên chỉ số Nikkei 225 đóng cửa dưới ngưỡng 22.000 điểm kể từ tháng 10/2019, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lại đảo chiều tăng trở lại sau khi Trung Quốc công bố số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 tại Trung Quốc đại lục giảm mạnh cho thấy dịch bệnh đang được kiểm soát tại nơi khởi nguồn.

Kết thúc phiên 27/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 477,96 điểm (-2,13%), xuống 21.948,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,40 điểm (+0,11%), lên 2.991,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 82,13 điểm (+0,31%), lên 26.778,62 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 21,88 điểm (-1,05%), xuống 2.054,89 điểm.

Trong khi đó, bất chấp sự hoảng sợ và bán tháo trên thị trường chứng khoán, giá vàng lại có phiên giao dịch khá bình lặng, không bùng nổ như phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 27/2, giá vàng giao ngay tăng 3,4 USD (+0,21%), lên 1.644,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 0,6 USD (-0,04%), xuống 1.642,5 USD/ounce.

Lo ngại về sự lây lan của virus Covid-19 cũng khiến giá dầu thô tiếp tục giảm và xuống mức thấp nhất 1 năm trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 27/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,43 USD (-4,99%), xuống 46,28 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,07 USD (-3,87%), xuống 51,36 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục