Cụ thể, tại VIB, 9 tháng đầu năm Ngân hàng ghi nhận tổng doanh thu đạt 15.300 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần giảm 9% so với cùng kỳ. NIM duy trì tích cực ở mức 4%. Đáng chú ý, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro của nhà băng này đạt hơn 750 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ... Ngân hàng tiếp tục duy trì chính sách thận trọng với mức trích lập dự phòng trong 9 tháng khoảng 3.230 tỷ đồng, tăng 2% và cải thiện tỷ lệ bao phủ hơn so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế của VIB sau 9 tháng đầu năm đạt 6.600 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt khoảng 19%. VIB duy trì chiến lược thận trọng, đảm bảo cân bằng mục tiêu giữa tăng trưởng tín dụng, chất lượng tài sản và hiệu quả hoạt động. Trong đó, chất lượng tài sản của Ngân hàng đang dần cải thiện khi Nợ nhóm 2 giảm hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương giảm 27% và bộ đệm dự phòng tăng 27% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 30/9/2024 của VIB là 2,67%.
Tại Techcombank, Ngân hàng ghi nhận 9 tháng đầu năm chi phí hoạt động tăng 10,2% lên mức 10.600 tỷ đồng, trong đó riêng quý III đạt 3.400 tỷ đồng, giảm 5,5% so với quý trước và giảm 13,1% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ chi phí/ thu nhập (CIR) của Techcombank trong 9 tháng năm 2024 đi ngang, ở ngưỡng 28,4%; tuy nhiên chi phí dự phòng ghi nhận 3.964 tỷ đồng, tăng 73,4% so cùng kỳ.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Techcombank tăng trưởng tích cực lên 103,4% tại cuối tháng 9/2024, từ mức 101% cuối tháng 6/2024. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của Ngân hàng cải thiện lên mức 15,1% tại 30/9. Tỷ lệ nợ xấu trong quý III tăng nhẹ lên 1,35%, từ 1,28% tại cuối quý trước. Trong đó, tỷ lệ NPL trước ảnh hưởng của CIC chỉ ở mức 1,16%.
BaoViet Bank cũng cho biết, tổng thu nhập hoạt động sau 9 tháng đầu năm của Ngân hàng tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng cũng đã giảm 4% chi phí vận hành, nhưng tăng 35% trích lập dự phòng.
Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của BaoViet Bank đạt 90.377 tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm. Tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 12%, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 8,3%, đạt 57.230 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.
Bên cạnh đó, tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản của PGBank ở mức 61.804 tỷ đồng, tăng 11,4% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 36.894 tỷ đồng, tăng 4,4%. Tuy nhiên, số dư nợ xấu của Ngân hàng là 1.175 tỷ đồng, tăng 16,6%, tỷ lệ nợ xấu nhích tăng từ 2,85% lên 3,19%. Vì thế, chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm của PGBank cũng tăng gần gấp ba lần (lên 300 tỷ đồng) so cùng kỳ.
Còn tại SaigonBank, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng đến cuối tháng 9/2024 ở mức 2,2%, nhà băng này phải trích lập dự phòng thêm 20% so với năm trước. Kết quả, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 200 tỷ đồng (cùng kỳ đạt hơn 248 tỷ đồng). Kết thúc quý III, dư nợ tín dụng tăng 5% so với cùng kỳ và 2% so với đầu năm. Huy động vốn tăng trưởng 8% so cùng kỳ và 2% so đầu năm.
Nhận định về xu hướng nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng hiện nay, trong đó có các khách hàng bị ảnh hưởng bão ở khu vực miền Bắc mất khả năng trả nợ nên khả năng nợ xấu còn tăng cuối năm.
"Nợ xấu ngành ngân hàng đến thời điểm này có thể vượt 6%. Nếu nợ xấu tăng thì các ngân hàng phải đẩy lãi suất cho vay để bù đắp dự phòng nợ xấu và các thất thoát khi khách hàng mất khả năng trả nợ nên khó giảm lãi vay", TS Hiếu nhấn mạnh thêm.
Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 167.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 45,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, gần một nửa trong số đó là do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Điều này cho thấy thực trạng việc thu giữ tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn.