Cần sự chung tay trong xử lý nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Đặng Văn Huy, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự nói chung và án tín dụng ngân hàng nói riêng, cần có sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ, nhất quán của cả hệ thống chính trị.
Nợ xấu và xử lý nợ xấu luôn là bài toán đau đầu của các tổ chức tín dụng Nợ xấu và xử lý nợ xấu luôn là bài toán đau đầu của các tổ chức tín dụng

Ông có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự đối với các tổ chức tín dụng?

Theo thống kê, mặc dù số vụ thi hành án cho tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng số vụ thi hành án hàng năm, nhưng số tiền trong các vụ việc này lại chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số tiền phải tổ chức thi hành án, trung bình chiếm khoảng 50 - 60% của toàn hệ thống thi hành án dân sự. Một số địa phương có số việc và tiền phải thi hành án lớn như Hà Nội, TP.HCM, Long An, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, dẫn đến tình trạng quá tải của chấp hành viên... Điều này tạo ra một áp lực rất lớn cho các cơ quan thi hành án dân sự.

Ông Đặng Văn Huy, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp

Ông Đặng Văn Huy, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp

Bên cạnh đó là khó khăn trong việc xác minh hiện trạng tài sản bảo đảm là bất động sản. Nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản có sự chênh lệch về diện tích giữa hợp đồng thế chấp, bản án và kết quả xác minh trên thực tế của chấp hành viên. Hoặc tài sản bảo đảm có tài sản gắn liền với đất của thửa liền kề xây chồng lấn…, dẫn đến mất nhiều thời gian cho các bên đương sự thực hiện việc thỏa thuận, hoặc phải làm thủ tục đề nghị tòa án giải thích, đính chính… Hay như khó khăn trong việc truy tìm tài sản là động sản. Thực tế, tổ chức tín dụng chỉ giữ giấy tờ, bên thế chấp vẫn sử dụng tài sản nên cơ quan thi hành án dân sự khó khăn trong việc truy tìm tài sản (ví dụ như xe ô tô, xe ủi, xe múc, ghe, tàu...). Điều đó dẫn đến số lượng vụ việc thi hành án tồn đọng lớn, mất thời gian, chi phí xác minh tài sản.

Bên cạnh đó là khó khăn trong việc thẩm định giá đối với một số tài sản phức tạp, số lượng lớn như nhà máy, dây chuyền sản xuất…; một số trường hợp người phải thi hành án chống đối, không hợp tác, cản trở tổ chức thẩm định thực hiện việc xác định giá.

Trường hợp tổ chức tín dụng cho vay tín chấp, không có tài sản thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán nợ, quá trình tổ chức thi hành án không đạt được hiệu quả cao, không thể xử lý xong việc thi hành án do người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, dẫn đến án tồn đọng kéo dài nhiều năm.

Hay có trường hợp tài sản bảo đảm được tuyên rõ trong bản án nhưng đương sự lợi dụng việc thụ lý giải quyết tranh chấp của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự phải hoãn thi hành án theo quy định, dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài.

Theo ông, nguyên nhân của những vướng mắc trên là gì?

Trước tiên, xuất phát từ vấn đề thể chế. Các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự còn nhiều bất cập. Thủ tục thi hành án còn dài, nhiều quy định không phù hợp; chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật có liên quan như Luật Khoáng sản, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp...

Thứ hai, xuất phát từ công tác phối hợp. Tòa án nhân dân các cấp khi xét xử thường căn cứ vào tình trạng tài sản theo các hợp đồng kinh tế, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp để giải quyết vụ việc, mà không xác minh tài sản thực tế. Hay tòa án một số địa phương, khi ban hành bản án, quyết định liên quan đến khoản nợ có tài sản thế chấp, tuyên tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp, không tuyên xử lý tài sản, dẫn đến ở giai đoạn thi hành án không có căn cứ để xử lý.

Đối với cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan có liên quan, nhiều trường hợp chậm xác minh thông tin tài sản, đo vẽ, phục vụ cho việc kê biên, xử lý tài sản thi hành án, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý hồ sơ thi hành án. Từ phía các tổ chức tín dụng, trong nhiều trường hợp, việc thẩm định giá trị tài sản thế chấp chưa sát với thực tế, dẫn tới khi cơ quan thi hành án dân sự kê biên, thẩm định, giá trị còn lại không cao. Tài sản thế chấp là đất nhưng tài sản trên đất là của người khác, dẫn đến việc xử lý gặp khó khăn.

Ngoài ra, có lúc, có nơi, tổ chức tín dụng không giải chấp tài sản, mặc dù đã nhận đủ tiền theo bản án, quyết định; không thực hiện nội dung đã thỏa thuận với đương sự mà đề nghị cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục kê biên, xử lý tài sản, nên người phải thi hành án bức xúc, chống đối. Các tổ chức tín dụng chưa kịp thời, tích cực trong việc thỏa thuận tìm phương thức thanh toán phù hợp trong việc nhận tài sản sau hai lần giảm giá; đại diện theo ủy quyền không có quyền quyết định khi làm việc với chấp hành viên, dẫn đến thụ động, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải quyết án...

Bên cạnh đó còn là nguyên nhân khách quan đến từ thị trường bất động sản có nhiều biến động, xuất hiện tâm lý e ngại mua tài sản thi hành án. Cụ thể, theo báo cáo 10 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có tổng số 3.815 vụ bán đấu giá chưa thành, tương ứng 21.007 tỷ đồng. Thậm chí, có những vụ tài sản đưa ra bán đấu giá hơn 20 lần không thành công (39 việc, tương ứng 304 tỷ đồng)...

Để giải quyết những vướng mắc trên, nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng cũng như đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, theo ông, cần có những giải pháp nào?

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng tại các cơ quan thi hành án dân sự, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, cần rà soát, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự. Cần có cơ chế phối hợp, trao đổi, tích hợp, đồng bộ hóa giữa cơ sở dữ liệu thi hành án dân sự nói chung với cơ sở dữ liệu, thông tin về tài sản, thu nhập, tài khoản… của doanh nghiệp, người phải thi hành án đang được lưu giữ tại các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Trong đó, kịp thời ban hành những văn bản, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về thi hành án dân sự; hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự áp dụng các quy định mới của Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi)...; nghiên cứu, xây dựng, xuất bản sổ tay nghiệp vụ, trở thành cẩm nang hướng dẫn cho chấp hành viên thực hiện đúng và cũng là nguồn tham khảo cho các tổ chức tín dụng trong quá trình phối hợp giải quyết thi hành án.

Ngoài ra, chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự đẩy mạnh công tác đôn đốc, kiểm tra trực tiếp án tín dụng ngân hàng đối với các đơn vị có kết quả thi hành án thấp, những vụ việc có điều kiện thi hành, giá trị lớn nhưng chưa thi hành xong do còn khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm nhận thức, trình độ, năng lực của đội ngũ chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án dân sự.

Ba là, phía các tổ chức tín dụng cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan thi hành án dân sự trong việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; hỗ trợ cơ quan thi hành án dân sự trong việc tiếp nhận trông coi, bảo quản tài sản sau khi kê biên… Đối với những trường hợp đương sự đã thi hành được phần lớn nghĩa vụ thi hành án theo án tuyên, cần có chính sách miễn, giảm một phần lãi để có hướng giải quyết xong vụ việc.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục