Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về Nghị quyết 15/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 6/3/2014?
Việc Chính phủ ban hành văn bản pháp lý cao nhất trong thẩm quyền của mình sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI thể hiện rõ sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ trong việc cải cách, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đang theo dõi xem các tập đoàn, tổng công ty thực hiện thế nào trong việc thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính.
Theo ước tính, số vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty còn khoảng 22.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa thực sự hồi phục vững chắc, khả năng mất vốn nhà nước rất cao. Ông có lo ngại không?
Trước một sự việc, hiện tượng, vấn đề, mỗi người có suy nghĩ khác nhau. 22.000 tỷ đồng suy cho cùng chính là mồ hôi, công sức và cả nước mắt của người dân, vì nó là tài sản Nhà nước giao cho tập đoàn, tổng công ty quản lý, sử dụng để tạo ra việc làm, phát triển nguồn vốn, đóng góp vào ngân sách nhà nước, làm ra của cải cho xã hội. Nhưng việc đầu tư khoản tiền này không đạt mục đích đặt ra, nên việc các chuyên gia kinh tế lo ngại mất vốn là chính đáng, nhưng chưa đủ.
Theo tôi, hơn ai hết, chính các chuyên gia kinh tế đang tỏ ra lo ngại khả năng mất vốn phải có trách nhiệm tham mưu cho các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội rằng, để giảm thiểu mất vốn, nếu có khả năng xảy ra, thì phải có những giải pháp gì, chứ không chỉ nêu lên những lo ngại của mình để làm nản lòng những người đang quyết tâm thoái vốn. Thoái vốn như con tàu đã rời ga, đang tăng tốc, đừng bàn lùi.
Nhưng với tư cách là đại biểu Quốc hội, chắc ông cũng “lăn tăn” với số tiền thoái vốn lên đến hơn 1 tỷ USD?
Tính đến cuối năm 2012, tổng vốn chủ sở hữu của tập đoàn kinh tế là 671.480 tỷ đồng, của tổng công ty nhà nước là 222.219 tỷ đồng. So sánh tổng vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty là 1.019.578 tỷ đồng (tăng 27% so với năm 2011) với số vốn phải thoái là 22.000 tỷ đồng, sẽ thấy số vốn phải thoái hơn 1 tỷ USD vẫn là quá nhỏ. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta có thể chấp nhận mất một phần trong số 22.000 tỷ đồng thoái vốn, hay để cả khối vốn trị giá 1.019.578 tỷ đồng phát huy hiệu quả thấp nếu không thoái vốn.
Như vậy, lựa chọn của ông là chấp nhận mất một phần vốn khi thoái vốn nếu tình huống này xảy ra, thưa ông?
Theo tôi, phải thoái vốn theo đúng nguyên tắc thị trường, thị trường sẽ quyết định giá cả của từng khoản đầu tư. Thị trường phản ánh đúng giá trị các khoản đầu tư, có khoản đầu tư lãi, thì cũng phải chấp nhận có khoản đầu tư không lãi, thậm chí là lỗ. Trong sản xuất - kinh doanh, nếu cứ để xảy ra lỗ là kỷ luật, kiểm điểm, cách chức, thậm chí là khởi tố thì không ai dám làm.
Vấn đề là quá trình thoái vốn phải minh bạch. Cơ quan quản lý nhà nước và cả cơ quan báo chí phải luôn kiểm tra, giám sát trong quá trình thoái vốn xem những người có trách nhiệm có tư túi không, có mờ ám, khuất tất gì không.
Ý của ông là, báo chí cũng có trách nhiệm trong tiến trình thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước?
Đúng vậy! Tôi muốn nói rằng, khi phản ánh vấn đề thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cần phải phản ánh đúng bản chất, đúng thực tế khách quan và đừng tạo áp lực cho các cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có vốn phải thoái. Nếu trường hợp nào đó thu hồi lại phần vốn không bằng giá trị đầu tư đã bỏ ra, cơ quan báo chí cũng không nên suy diễn, quy chụp rằng, doanh nghiệp A, doanh nghiệp B làm thất thoát vốn nhà nước. Nếu chỉ đưa những thông tin này, tôi nói thật, chưa cần cơ quan quản lý nhà nước có kết luận, chưa cần cơ quan bảo vệ pháp luật có ý kiến, thì lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng lo sợ và kết quả thế nào thì ai cũng rõ.
Năm 2012, cả nước có hơn 54.260 doanh nghiệp ngoài quốc doanh giải thể, phá sản; 69% số doanh nghiệp còn hoạt động bị lỗ. Năm 2013, số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là gần 60.740 doanh nghiệp; khoảng 65% số doanh nghiệp còn hoạt động bị thua lỗ. Nhưng tôi không thấy cơ quan báo chí nào suy diễn rằng, doanh nghiệp ngoài quốc doanh quản lý vốn kém hiệu quả, bị mất vốn, trong khi cùng môi trường kinh doanh như nhau, cùng một cơ chế quản lý như nhau, cùng bị điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật như nhau, nếu doanh nghiệp nhà nước nào thua lỗ là bị báo chí lên án.
Nhưng dù sao, với số vốn khổng lồ cần phải thoái trong vòng 2 năm tới, sự lo ngại cũng không thừa, thưa ông?
Chính phủ cũng đã lường trước trường hợp thất thoát vốn có thể xảy ra. Vì vậy, Nghị quyết 15/NQ-CP đã quy định rất rõ ràng rằng, việc thoái vốn phải bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và hiệu quả. Đối với lĩnh vực đầu tư không có khả năng thu hồi đủ giá trị vốn đã đầu tư thì thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng giảm giá đầu tư tài chính và phải lập phương án thoái vốn trình cấp có thẩm quyền. Thoái vốn dưới mệnh giá phải thực hiện theo phương án đã được chủ sở hữu quyết định.