Nhận định trên được PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS) chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.
Doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề thanh khoản. Ở góc độ chính sách, ông có kiến nghị gì để gỡ khó cho doanh nghiệp không?
Thứ nhất, theo tôi là sớm hạ lãi suất, lãi suất như hiện nay đang rất làm khó doanh nghiệp.
Thứ hai, bỏ trần tín dụng. Đó là tầm nhìn dài hạn, thay vào đó chỉ tập trung kiểm soát cung tiền còn chính sách không nên có sự thay đổi đột ngột từ thái cực này sang thái cực khác. Năm ngoái, kiểm soát tiền tệ, tăng trưởng cung tiền để 13-14% năm nay đột ngột phanh xuống còn 3-4%. Chưa kể, bên ngoài tín dụng ngân hàng còn là câu chuyện trái phiếu, kênh dẫn vốn trung và dài hạn tê liệt thậm chí tăng trưởng âm vì nhà đầu tư rút về, tổ chức phát hành phải mua trước hạn.
Kênh trái phiếu đóng băng, tín dụng ngân hàng vừa hết room vừa tăng lãi suất, doanh nghiệp thực sự đang mắc kẹt về dòng tiền.
Doanh nghiệp đang đối mặt hai đòn gánh từ bên ngoài và bên trong. Bên ngoài là thị trường xuất khẩu, nhu cầu nhập khẩu của các nước sụt giảm, doanh nghiệp không bán được hàng. Thực ra vấn đề này họ đã nhìn thấy từ 3-6 tháng trước vì số lượng đơn hàng đặt trước giảm.
Trong khi bên trong, thị trường vốn tự mình làm khó mình. Doanh nghiệp không tiếp cận được dòng vốn, đặc biệt những doanh nghiệp nhỏ sức chịu đựng kém, nguồn lực tài chính hạn chế sẽ khó thực sự dẫn đến làn sóng thất nghiệp gia tăng.
PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết doanh nghiệp đang khó khăn bởi cả bối cảnh bên ngoài và bên trong. |
Làn sóng này sẽ diễn ra vào thời điểm nào thưa ông?
Từ giờ đến cuối năm sẽ diễn ra làn sóng này. Mà thực tế đang diễn ra rồi, các nhà phát triển bất động sản đã cho nhiều lao động nghỉ luân phiên, doanh nghiệp xuất khẩu ở nhiều ngành cũng cho nhân công nghỉ luân phiên, thậm chí sa thải hẳn.
Sa thải lao động diễn ra vài tháng nay, tình hình này còn tiếp tục kéo dài cho đến khi nhu cầu thế giới hồi phục và Việt Nam hạ lãi suất xuống trở về mức lãi suất huy động vào khoảng 6-7%. Hiện nay lãi suất huy động 9-10%, như vậy lãi suất cho vay tăng tương ứng, doanh nghiệp gặp khó.
Chính sách thường có độ trễ, trong lúc chờ chính sách gỡ khó thì doanh nghiệp cũng đã “khó thở”, họ cần làm gì để tự cứu mình trước, thưa ông?
Tôi cho rằng, giải pháp có thể lúc này là đóng cửa bảo tồn vốn chờ thị trường mở cửa trở lại. Chủ doanh nghiệp phải cân nhắc giữa tạm dừng sản xuất nếu không đảm bảo được chi phí biến đổi nếu tiếp tục sản xuất, áp lực chi phí đè nặng.
Nếu kéo dài thời gian đóng cửa sẽ có làn sóng đóng băng, điều này sẽ mang đến hệ lụy thế nào cho nền kinh tế?
Có nhiều hệ lụy, trong đó thu nhập người dân sụt giảm, lao động mất việc, an sinh xã hội nặng nề, nhà nước thất thu thuế, phải dùng hỗ trợ an sinh xã hội nhiều hơn dẫn đến thâm hụt ngân sách. Bên cạnh đó, sẽ có bất ổn nhiều hơn khi phát sinh lao động mất việc với quy mô lớn.
Chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay đang rất khó cho doanh nghiệp và người dân, cần sớm xử lý thay đổi để tháo gỡ.