TS. Phạm Thế Anh: Việt Nam có lợi thế khi các thị trường lớn đang trở lại

0:00 / 0:00
0:00
Chủ động kiểm soát dịch bệnh, tránh đứt gãy sản xuất để tận dụng sự phục hồi của các thị trường lớn trên thế giới là ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô vào thời điểm này.

Đó là nhận định của TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Đại học Kinh tế quốc dân).

Thưa ông, đến thời điểm hiện tại, đã có một số khu công nghiệp buộc phải thực hiện giãn cách do Covid-19. Tình hình này có thể khiến các mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế bị ảnh hưởng?

TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Đại học Kinh tế quốc dân).

TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Đại học Kinh tế quốc dân).

Trước hết, phải nói rằng, đợt dịch lần này phức tạp hơn những lần trước, nhưng cách ứng xử hiện nay khác với những lần trước và quan trọng là phù hợp với tình hình, không ảnh hưởng quá nặng nề tới các hoạt động kinh tế, cuộc sống của người dân.

Thực tế, chúng ta phải chấp nhận việc có thể không thể dập được hoàn toàn mầm bệnh trong xã hội, chấp nhận thỉnh thoảng vẫn có mầm bệnh phát sinh, gây bùng phát ở một số nơi. Cách ứng xử mà Chính phủ đang làm là ứng xử giảm thiểu tác động của dịch tới kinh tế.

Chính vì vậy, những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, theo góc độ các con số thống kê tăng trưởng, có lẽ không nhiều. Hiện tại, tăng trưởng kinh tế chủ yếu đến từ các hoạt động xuất khẩu, từ khu vực đầu tư công, những doanh nghiệp quy mô lớn.

Đơn cử, quyết định đóng cửa một số khu công nghiệp ở Bắc Giang để khoanh vùng dịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp ở đây, nhưng hoạt động ở các khu công nghiệp khác, ở vùng khác vẫn bình thường. Việc đứt đoạn sản xuất không diễn ra như năm ngoái. Bên cạnh đó, ứng phó với dịch bệnh của đa phần doanh nghiệp đã tốt hơn, chủ động hơn. Các con số về xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đã chứng minh điều này.

Có thể hiểu, nếu nhìn vào số liệu GDP năm nay, thì tác động của các đợt bùng dịch không quá lớn, thưa ông?

Thực tế, thu nhập của người dân khó khăn hơn. Hơn nữa, sau 1 năm, sức chống chịu của họ ngày càng giảm dần đi.

Dịch bệnh lần này tác động nặng nề hơn đến an sinh xã hội. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là người dân, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nhóm người, doanh nghiệp trong khu vực phải giãn cách, cách ly y tế...

Cũng phải nói thêm, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay ngay từ đầu đã là một thách thức, bất kể có xảy ra các đợt bùng dịch hay không. Hơn thế, bối cảnh quốc tế năm nay đã có nhiều thay đổi. Các nền kinh tế phát triển, đi đầu trong công nghệ như Anh, Mỹ, EU..., đã triển khai tiêm chủng diện rộng và đang dần quay trở lại trạng thái bình thường. Tâm điểm dịch bệnh đang chuyển sang các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam vẫn tương đối ổn, thậm chí có những lợi thế hơn so với nhiều nền kinh tế, các đối tác tương đồng. Đó là không bị đứt gãy sản xuất, tận dụng được cơ hội khi thị trường Mỹ, EU đang dần hồi phục, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao do có những gói kích thích kinh tế lớn.

Vào thời điểm này, theo ông, Chính phủ có nên đưa thêm các gói chính sách kích thích kinh tế?

Tôi không ủng hộ các gói kích thích kinh tế. Thay vào đó, nên là các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng và các giải pháp dài hạn để cải thiện môi trường kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế.

Lý do là, những đối tượng đang đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, gồm các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp quy mô lớn không cần các gói kích thích. Sự hồi phục của thị trường thế giới là điều kiện quan trọng để khu vực này hoạt động mạnh mẽ. Lúc này, họ cần các điều kiện thuận lợi để triển khai nhanh các kế hoạch đầu tư, sản xuất.

Với các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, như các dịch vụ hàng không, nhà hàng, khách sạn, du lịch, nếu còn bệnh dịch, thì không thể kích thích họ cung ứng trở lại. Nhu cầu thị trường chỉ xuất hiện trở lại khi khống chế được dịch bệnh.

Điều này tương tự như trường hợp các doanh nghiệp dệt may. Năm ngoái, thị trường EU cắt giảm đơn hàng, thì dù có kích thích, hỗ trợ thế nào, doanh nghiệp cũng không thể phục hồi sản xuất những sản phẩm đó.

Vì vậy, lúc này, cần các gói chính sách dành cho những doanh nghiệp bị mất nhu cầu thị trường do dịch bệnh để kéo dài sức chống chịu, chứ không phải để kích thích sản xuất. Đó là chính sách giãn thời gian trả các khoản vay cũ, giảm các chi phí tài chính liên quan đến thuê đất đai, nhà cửa và hỗ trợ doanh nghiệp trả chi phí tiền công, tiền lương để họ không phải sa thải lao động.

Tuy nhiên, các chính sách phải được thiết kế để các đối tượng trên tiếp cận được. Cũng phải quan tâm đến nhóm lao động ở khu vực phi chính thức.

Tôi cũng muốn nói đến tác dụng phụ của các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đó là các ngân hàng, tổ chức tín dụng hưởng lợi nhiều hơn các doanh nghiệp sản xuất, dù họ không phải là đối tượng ưu tiên. Điều này phải cân nhắc trong các quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm nay.

Phải nhắc lại, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào thị trường thế giới. Nên muốn tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế, trước hết, vẫn phải kiểm soát dịch bệnh tốt và giảm thiểu tác động đến sản xuất, từ đó mới tận dụng tốt được sự phục hồi, các chính sách kinh tế của các thị trường lớn trên thế giới.

Hồi tháng 3/2021, ông và các đồng nghiệp tại Trường đại học Kinh tế quốc dân đã đưa ra cảnh báo về bong bóng tài sản...

Hiện tại, tình hình vẫn thế và chúng tôi vẫn giữ nguyên cảnh báo.

Khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động, hình thức tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn, người dân sẽ cân nhắc chuyển sang các thị trường tài sản khác, như chứng khoán, bất động sản... Doanh nghiệp cũng có hành động tương tự, bởi trong thời điểm dịch bệnh, vốn họ định dành cho sản xuất không được thực hiện...

Vì vậy, cho dù Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu kiểm soát dòng vốn cho vay vào chứng khoán, bất động sản, nhằm lái dòng vốn sang sản xuất, thì cũng sẽ chỉ kiểm soát được phần dòng tiền từ ngân hàng, chứ không giảm được các nguồn vốn khác.

Tình hình sẽ còn tiếp tục khi sản xuất chưa thể trở lại bình thường. Đây cũng là lý do, tôi không cho rằng, cần các gói kích thích kinh tế, các chính sách mở rộng tiền tệ vào thời điềm này. Lúc này, cần các chính sách đồng bộ để khuyến khích dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh.

Hơn thế, hiệu ứng phụ của tình trạng này là dòng vốn không đi vào sản xuất, không tạo ra tăng trưởng và nền kinh tế có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận từ việc đầu cơ chênh lệch giá trên thị trường tài sản. Hậu quả là chi phí sản xuất tăng lên do giá thuê đất tăng, chi phí đầu vào tăng... Đây cũng là các yếu tố tiềm ẩn đẩy lạm phát tăng cao khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tôi cũng nhấn mạnh đến một tác động phụ khác, đó là làm tăng phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Giá nhà đất tăng phi mã khiến người làm công ăn lương càng khó tiếp cận thị trường nhà ở...

Tuyết Ánh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục