Chuyên gia Ngân hàng Thế giới: Việt Nam cần xác định lại lợi ích từ thu hút FDI

0:00 / 0:00
0:00
Thách thức lớn cho Việt Nam không phải là thu hút thêm FDI hay hội nhập sâu thêm mà quan trọng hơn là tận dụng tốt dòng vốn đó.
Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) 2020. Ảnh: Đức Thanh Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) 2020. Ảnh: Đức Thanh

Theo ước tính của WTO, thương mại toàn cầu ước giảm 13-35% trong năm 2020, ngay cả khi kinh tế phục hồi trong những tháng gần đây, còn FDI trên thế giới cũng sẽ giảm đến 40% theo tính toán của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).

Thế nhưng, tình hình hiện nay cũng tạo ra những cơ hội mới cho Việt Nam, theo đánh giá của TS. Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ở Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 29/9 tại Hà Nội.

Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng có thể đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam, dù xu hướng này đã xuất hiện trước khi xuất hiện Covid-19, khi mà chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao và những đòn thuế quan trong thương chiến Mỹ-Trung.

Trong khi đó, các con số thống kê về nền kinh tế Việt Nam cho thấy Việt Nam đang làm khá tốt trong đối phó với dịch Covid-19 và tận dụng lợi thế từ việc khống chế Covid-19. "Tôi nghĩ Việt Nam nên dự định sẵn những ưu tiên, xác định những ưu tiên cho dài hạn, ưu tiên trung hạn, phải nhanh chóng giành chiến thắng và từ đó thúc đẩy sự thay đổi", ông Morisset lưu ý.

Việt Nam khôn ngoan biết tận dụng các lợi thế. Đơn cử, Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt Covid-19 và muốn thu hút thêm các nhà đầu tư đến Việt Nam và thúc đẩy thương mại. Ngoài ra, kể từ khi xuất hiện Covid-19, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn ở nhiều phương diện, từ thanh toán điện tử, thương mại điện tử đến chính phủ điện tử. Chưa kể, Việt Nam có chính sách mở cửa hội nhập sâu rộng qua các hiệp định thương mại tự do mà gần đây nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và đây là một trong những điều "thông thái" của Việt Nam mà không cần phải làm rõ thêm.

Cơ hội mới cho Việt Nam cũng đến từ chính các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang tham gia, bởi lẽ trong khi Việt Nam tham gia hội nhập, thúc đẩy thương mại, thì ở những nơi khác trên thế giới các rào cản thương mại đang tăng lên.

Cũng theo chuyên gia này, đẩy nhanh các cải cách trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực số hoá và cải thiện môi trường kinh doanh có thể giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn. "Tôi cho rằng Chính phủ đã nhận ra phải thay đổi chiến lược. Thách thức lớn cho Việt Nam không phải là thu hút thêm FDI hay hội nhập sâu thêm mà quan trọng hơn là tận dụng tốt dòng vốn đó".

Thành công rực rỡ của Việt Nam trong nhiều thập niên thu hút FDI là tạo ra hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, nhìn về tương lai, sẽ có xu hướng hạn chế các nhà máy cũ, thâm dụng lao động. Chuyên gia Ngân hàng Thế giới cảnh báo, chúng ta sẽ không nhìn thấy nhiều công nhân trong các nhà máy mà thay vào đó là các robot. Hơn nữa, càng ngày sẽ càng khó giải quyết bài toán việc làm từ thu hút FDI và ngành chế tạo. Covid-19 đã cho thấy rõ xu hướng này.

Chưa kể, các đột phá công nghệ đã và đang có nguy cơ làm giảm nhu cầu về lao động kỹ năng thấp trong ngành chế biến chế tạo. Bằng chứng tại Việt Nam, có nhà nhà đầu tư tại Việt Nam trong vòng 10 năm có sản lượng tăng gấp đôi nhưng nhân công giảm 40%, còn trên thế giới, những phân tích chỉ ra rằng từ đầu những năm 1990 đến nay, thâm dụng lao động trong ngành điện tử đã giảm một nửa.

Cho nên, TS. Jacques Morisset khuyến nghị Việt Nam cần định hướng lại lợi ích từ thu hút FDI, không chỉ là tạo ra việc làm mà là tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục