Bộ Tài chính đã chính thức có Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Về phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với rượu bia, vẫn còn nhiều ý kiến gây tranh cãi.
Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính về việc giữ nguyên phương pháp tính thuế tương đối như hiện nay, song cũng có ý kiến cho rằng cần áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp như ở nhiều nước trên thế giới.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính) cho rằng, mỗi phương pháp tính thuế (tương đối, tuyệt đối, hỗn hợp…) đều có ưu, nhược nhất định. Mỗi nước sẽ tùy vào tình hình riêng, trong đó có mức độ tự giác của người nộp thuế, sự minh bạch của thị trường, khả năng giám sát của người dân… để áp dụng phương pháp tính thuế phù hợp trong từng giai đoạn.
Việt Nam đã có quy định về phương pháp tính thuế hỗn hợp, phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm, phương pháp tính thuế tuyệt đối tại Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu (Luật số 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016).
Mặc dù vậy, chuyên gia này cảnh báo, tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, lũng đoạn thị trường có thể xảy ra nếu áp dụng tính thuế TTĐB tuyệt đối.
“Thuế tuyệt đối có ưu điểm là tạo sự rõ ràng, nhất quán, người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế biết chính xác số tiền thuế sẽ phải nộp là bao nhiêu tại thời điểm tính thuế. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của thuế tuyệt đối là không bắt kịp được sự biến động của giá cả khi có lạm phát hoặc giảm phát. Đối với môi trường kinh doanh, thuế tuyệt đối có thể tạo cơ hội cho việc phát sinh các hành vi lũng đoạn thị trường, tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” hoặc một số thương hiệu ngoại nhập có thể làm triệt tiêu một số mặt hàng hoặc ngành nghề truyền thống của địa phương nếu như công tác quản lý thị trường còn hạn chế”, TS. Phụng cảnh báo.
Giả định, áp thuế tuyệt đối 100.000 đồng/lít rượu có độ cồn trên 35 độ, thì việc áp mức thuế này với chai rượu sản xuất truyền thống hơn 100 nghìn đồng và chai rượu ngoại có giá một triệu đồng là thiếu công bằng và có thể làm giảm mức độ đóng góp cho ngân sách (nếu tính theo tỷ lệ phần trăm).
Theo các chuyên gia, nếu thay đổi phương pháp tính thuế mà không đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bia phổ thông thương hiệu Việt (đang sản xuất tại các nhà máy bia địa phương trải khắp cả nước) sẽ gián tiếp ảnh hưởng rất lớn đến thu NSNN cũng như cân đối ngân sách của các địa phương. Khi thị phần sụt giảm do mặt bằng giá bị đẩy cao lên (bởi tác động của thuế), sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm, đóng góp NSNN qua đó cũng sẽ giảm theo là điều dễ được nhận biết.
“Thay đổi cách tính thuế TTĐB sẽ làm mất khả năng cạnh tranh của bia phổ thông thương hiệu Việt (hiện chiếm tới 80% thị phần), ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cảnh báo thêm.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Phụng cũng cho rằng, trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, thời điểm này chưa phải là thời điểm thích hợp để áp dụng phương pháp hỗn hợp hay phương pháp tuyệt đối, kể cả trên phương diện thu NSNN và chi phí quản lý thuế.
“Tôi đề xuất tiếp tục duy trì phương pháp tính Thuế TTĐB đối với rượu, bia theo tỷ lệ phần trăm và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của doanh nghiệp. Nếu được chấp nhận, việc tăng thuế tỷ lệ phần trăm ở mức vừa phải và lộ trình như nêu trên có thể được xem là phương án có hiệu quả trong phân bổ nguồn lực sẽ giúp đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN, đồng thời vẫn điều tiết, định hướng tiêu dùng, giảm mức độ sử dụng đồ uống có cồn mà vẫn giúp các doanh nghiệp sản xuất bia rượu trong nước ổn định phát triển sản xuất kinh doanh”, TS. Phụng đề xuất.
Cung cấp thêm thông tin, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia cho hay, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 27% quốc gia áp dụng cách tính thuế TTĐB tương đối, 73% các quốc gia trên thế giới đang chuyển sang thuế tuyệt đối và hỗn hợp. Tuy vậy, chuyên gia này cũng cho rằng, phương pháp tính thuế của mỗi quốc gia phải tùy thuộc vào tình hình thực tế của quốc gia đó.
Liên quan đến câu chuyện bất bình đẳng khi chai rượu nội 100 nghìn đồng và chai rượu ngoại 1 triệu đồng bị đánh thuế ngang nhau, TS. Lực cho rằng, việc áp dụng thuế cách tính thuế tuyệt đối phải trên cơ sở phân loại mặt hàng. Ví dụ, cùng nhóm hàng rượu nhưng cơ quan thuế có thể áp các phương pháp tính thuế khác nhau, có loại tính thuế tuyệt đối, có loại tính thuế tương đối…
“Cơ quan thuế có đủ phương pháp để tính toán các mặt hàng khác nhau thì áp dụng thuế khác nhau. Cần có kiến nghị phương pháp tính thuế để đảm bảo tính công bằng và cần lộ trình sao cho phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước”, TS. Lực đề xuất.