Lo lắng bao trùm, giới đầu tư bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (3/3) khi lợi suất trái phiếu nóng trở lại và dữ liệu kinh tế mới cho thấy sự phục hồi trầm lắng hơn của nền kinh tế Mỹ.
Lo lắng bao trùm, giới đầu tư bán tháo

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm quay trở lại với đà tăng trong phiên đêm qua, tăng hơn 8 điểm cơ sở lên mức cao 1,49% trong phiên trước khi đóng cửa giảm nhẹ.

Lợi suất trái phiếu leo thang trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường trong vài tuần qua, làm dấy lên lo ngại lạm phát tăng sẽ khiến các nhà quản lý thắt chặt các chính sách tiền tệ ôn hòa hiện tại.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Chicago Charles Evans hôm thứ Tư cho biết, lãi suất tăng là một vấn đề, nếu điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư nghi ngờ cam kết của Fed với chính sách đẩy lạm phát lên cao hơn, song ông nhấn mạnh không cần lo lắng cho đến khi lạm phát vượt mức 2%.

Còn theo Thống đốc Fed Lael Brainard, bà không lo ngại về biến động của lợi suất, nhưng lưu ý đang “chú ý theo dõi diễn biến thị trường”.

Mặt khác, Tổng thống Joe Biden nói vào cuối ngày thứ Ba tuyên bố, Mỹ sẽ có đủ vắc-xin Covid-19 cho tất cả người dân độ tuổi trưởng thành vào cuối tháng 5 tới, sau khi Nhà Trắng đã tạo lập quan hệ đối tác giữa Merck và Johnson & Johnson để phân phối vắc-xin một liều do Johnson & Johnson tạo ra.

Theo báo cáo của The Wall Street Journal, dựa trên phân tích dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), trung bình trong bảy ngày gần đây tại Mỹ, tốc độ tiêm chủng đạt 1,8 triệu liều/ngày. Theo CDC, hơn 50 triệu người Mỹ đã nhận được ít nhất một liều vắc-xin, chiếm khoảng 15,3% dân số. Trong khi đó, Mỹ ghi nhận trung bình 65.468 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày trong tuần qua, giảm 19% so với hai tuần trước.

Về dữ liệu kinh tế, dữ liệu về thị trường lao động của ADP tháng 2 cho thấy, 117.000 việc làm đã được khu vực tư nhân tạo ra trong tháng, thấp hơn mức 195.000 trong tháng 1 và thấp hơn dự báo 225.000 của các nhà kinh tế. Thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ sẽ có báo cáo chi tiết hơn.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ do IHS Markit nghiên cứu đã tăng lên mức 59,8 trong tháng 2 từ mức 58,3 trong tháng 1 Tuy nhiên, chỉ số PMI khu vực phi sản xuất do Viện quản lý cung ứng (ISM) công bố giảm xuống mức 55,3 từ mức 58,7.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Dow Jones giảm 121,43 điểm (-0,39%), xuống 31.270,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 50,57 điểm (-1,31%), xuống 3.819,72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 361,04 điểm (-2,70%), xuống 12.997,75 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng điểm trong phiên ngày thứ Tư, trong bối cảnh nhóm cổ phiếu trong lĩnh vực nhạy cảm với nền kinh tế là động lực thúc đẩy thị trường dù lợi suất trái phiếu tăng khiến khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 61,72 điểm (+0,93%), lên 6.675,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 40,23 điểm (+0,29%), lên 14.080,30 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 20,33 điểm (+0,35%), lên 5.830,06 điểm.

Tại châu Á, Chứng khoán Nhật Bản tăng khi các nhà đầu tư tìm mua nhóm cổ phiếu chu kỳ. Tuy nhiên, mức tăng đã bị chặn lại khá nhiều bởi những lo lắng về sự biến động mạnh của thị trường trái phiếu gần đây.

Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh trở lại, dẫn đầu là cổ phiếu ngân hàng và năng lượng khi hy vọng tăng trưởng kinh tế trong nước bù đắp cho những lo ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng cao nhất trong sáu tuần, được nâng đỡ bởi nhóm cổ phiếu tài chính khi sự lạc quan đối với tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc vượt qua nỗi sợ hãi của nhà đầu tư về lạm phát.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hạ nhiệt trong phiên đêm trước và lo ngại về việc thắt chặt chính sách của Trung Quốc giảm bớt.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 150,93 điểm (+0,51%), lên 29.559,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 68,31 điểm (+1,95%), lên 3.576,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 784,56 điểm (+2,70%), lên 29.880,42 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 39,12 điểm (+1,29%), lên 3.082,99 điểm.

Giá vàng quay lại đà giảm mạnh trong phiên đem qua do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD mạnh lên làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.

Kết thúc phiên 3/3, giá vàng giao ngay giảm 27,60 USD (-1,59%), xuống 1.710,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 17,80 USD (-1,03%), xuống 1.715,80 USD/ounce.

Giá dầu quay lại tăng mạnh hôm thứ Tư, được thúc đẩy bởi sự sụt giảm mạnh của dữ liệu tồn kho nhiên liệu tại Mỹ và kỳ vọng rằng các nhà sản xuất OPEC+ có thể quyết định chống lại việc tăng sản lượng trong cuộc họp tuần này.

Các kho dự trữ xăng của Mỹ đã giảm kỷ lục trong tuần trước và sản lượng lọc dầu giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tình trạng đóng băng sâu ở Texas khiến hoạt động sản xuất ngưng trệ.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho xăng giảm xuống 243,5 triệu thùng, trong khi kho dự trữ sản phẩm chưng cất giảm mạnh nhất kể từ năm 2003 xuống 143 triệu thùng.

Trong khi đó, Reuters trích dẫn 3 nguồn tin, đưa tin, OPEC+ đang xem xét cắt giảm sản lượng từ tháng 3 đến tháng 4 thay vì tăng sản lượng.

Kết thúc phiên 3/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,53 USD (+2,2%), lên 61,28 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,37 USD (+2,6%), lên 64,70 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục