Chứng khoán châu Á lao dốc sau khi Trung Quốc cảnh báo “bong bóng” thị trường tài chính toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ quan quản lý ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc cho biết, đang “rất lo lắng” về những rủi ro xuất hiện từ bong bóng trên thị trường tài chính toàn cầu đến lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Điều này đang làm dấy lên những lo ngại mới về việc thắt chặt hơn nữa trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Bong bóng trên thị trường Mỹ và châu Âu có thể đổ vỡ vì đà tăng của các thị trường đang đi ngược hướng với các nền kinh tế cơ bản và sẽ phải đối mặt với sự điều chỉnh dù sớm hay muộn”, Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) cho biết tại một cuộc họp giao ban ở Bắc Kinh hôm thứ Ba (2/3).

Các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đang nỗ lực cố gắng hạn chế rủi ro trong nước, đồng thời hạn chế sự gián đoạn từ nước ngoài khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa rộng rãi hơn đối với dòng vốn nước ngoài.

Chứng khoán châu Á giảm vào phiên sáng ngày 2/3 sau khi Trung Quốc cảnh báo bong bóng

Chứng khoán châu Á giảm vào phiên sáng ngày 2/3 sau khi Trung Quốc cảnh báo bong bóng

CBIRC trước đó đã tuyên bố vào tháng 1 sẽ tiếp tục “đi trước những rủi ro hệ thống” sau khi giới hạn cho vay của ngân hàng đối với thị trường bất động sản, cắt giảm các hoạt động ngân hàng ngầm và chấm dứt sự mở rộng của cho vay ngang hàng.

Steven Leung, Giám đốc điều hành tại Uob Kay Hian (Hong Kong) cho biết: “Chính sách tiền tệ của Trung Quốc không dễ dàng như Mỹ và Châu Âu”.

Castor Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Core Pacific-Yamaichi cho biết: “Việc Bắc Kinh gọi sự phục hồi của thị trường nước ngoài là bong bóng sẽ không ảnh hưởng tâm lý đối với chứng khoán Hồng Kông, vốn đã chứng kiến ​​dòng tiền mạnh mẽ từ đại lục”.

Ông Guo cho biết, các nhà quản lý đang theo dõi dòng vốn chảy vào Trung Quốc khi nền kinh tế này vẫn đang phát triển và lãi suất cao hơn mặc dù quy mô và tốc độ của dòng vốn như vậy vẫn có thể kiểm soát được vào thời điểm hiện tại.

CBIRC cũng cân nhắc đến lĩnh vực fintech và cho biết rằng, các nền tảng cung cấp dịch vụ ngân hàng phải tuân thủ các yêu cầu về vốn giống như các bên cho vay truyền thống để hạn chế rủi ro. Cơ quan quản lý đã đặt ra các thời hạn khác nhau cho từng loại dịch vụ, với thời gian gia hạn dài nhất là không quá 2 năm.

Ông Guo cũng cho biết, bong bóng trên thị trường bất động sản của Trung Quốc vẫn còn tương đối lớn vì rất nhiều người mua nhà với mục đích đầu tư hoặc đầu cơ, điều này là “rất nguy hiểm”.

Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ kết hợp với sự gia tăng tín dụng và hội chứng sợ bị bỏ lỡ đã thúc đẩy sự nhiệt tình của người mua trên khắp các thành phố lớn nhất của Trung Quốc mặc dù các quy định hạn chế nghiêm ngặt hơn trong năm nay.

Các nhà chức trách đã phản ứng bằng một loạt chính sách để điều chỉnh ngành, bao gồm một cơ chế mới về cho vay ngân hàng đối với bất động sản và các quy tắc đấu thầu đất mới được thiết kế để hạn chế chi phí đất tăng cao.

Tuy nhiên, dữ liệu chính thức của Trung Quốc vào tuần qua cho thấy, giá nhà trên thị trường thứ cấp ít phải đối mặt với sự can thiệp của chính phủ đã tăng cao nhất trong 18 tháng vào tháng 1. Giá nhà hiện tại của một số dự án phổ biến ở Thượng Hải đã tăng hơn 30% vào năm ngoái, theo China Real Estate Information Corp.

Linus Yip, chiến lược gia tại First Shanghai Securities cho biết: “Bình luận của ông Guo phản ánh rằng Bắc Kinh muốn có một thị trường tài chính rất ổn định. Ổn định là mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ”.

Hạc Hiên
Theo Bloomberg

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục