Theo thông tin của Báo Đầu tư, UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi Cục Đường sắt Việt Nam liên quan đến Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội.
Tại văn bản này, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (đã trình Bộ Xây dựng thẩm định) để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để đảm bảo thống nhất nội dung về quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia, UBND TP. Hà Nội đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tư vấn tập trung nghiên cứu, xác định rõ phương án quy hoạch các tuyến, ranh giới phạm vi, quy mô diện tích các ga đường sắt quốc gia trên địa bàn thành phố. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành của thành phố để khớp nối thông tin, cập nhật vào các đồ án đang triển khai nêu trên, đảm bảo thống nhất giữa các nghiên cứu, làm cơ sở cho việc quản lý, tổ chức thực hiện.
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết là cơ bản thống nhất các nội dung báo cáo đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tư vấn nghiên cứu tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối thành phố.
Trước đó, trong công văn gửi UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đánh giá, các tuyến đường sắt hiện trạng, đường sắt quy hoạch mới trên địa phận Hà Nội được xác định phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch GTVT Thủ đô.
Tuy nhiên tại đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều xác định nâng cấp thành đường sắt đôi, khổ 1435mm, điện khí hóa.
Tại dự thảo quy hoạch các tuyến do Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất, đối với 5 tuyến đường sắt hướng tâm hiện có (Hà Nội – TP.HCM; Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Đồng Đăng; Hà Nội – Lào Cai; Hà Nội – Thái Nguyên), ga đường sắt khu vực đầu mối nhưng chưa xác định rõ phương án quy hoạch tuyến là đường sắt đơn/đôi, quy mô hành lang xây dựng tuyến.
Do vậy, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội kiến nghị bổ sung làm rõ, xác định lộ trình, thời điểm phù hợp quy hoạch cải tạo nâng cấp các tuyến đường sắt quốc gia để cập nhật vào các quy hoạch của Thành phố đang triển khai cũng như dự trữ quỹ đất hành lang bố trí các tuyến đường sắt quốc gia và triển khai dự án khi đủ điều kiện.
Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu từ ga Ngọc Hồi.
Tại dự thảo quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối, đơn vị tư vấn kiến nghị giữ hành lang đoạn tuyến ga Hà Nội - Ngọc Hồi để nghiên cứu phát triển khai thác tàu khách tốc độ cao tiếp cận ga Hà Nội. Nội dung này, theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, là chưa phù hợp định hướng quy hoạch được duyệt.
Đối với tuyến đường sắt vành đai phía Tây và đoạn tuyến vành đai phía Đông từ ga Ngọc Hồi đến cầu Mễ Sở, trên địa phận TP. Hà Nội đã dự trữ quỹ đất rộng 30m dọc theo phía ngoài đường vành đai 4 để xây dựng đường sắt.
Vì vậy, tại đồ án quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội cần lưu ý bố trí các tuyến đường sắt vành đai đi trong hành lang này để đảm bảo thống nhất.
Đối với ga đầu mối phía Bắc, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội nhận định, việc bổ sung quy hoạch ga Yên Thường với chức năng ga đầu mối lập tàu hàng kết hợp với ga Yên Viên là ga đầu mối lập tàu khách phía Bắc, Tây Bắc để thay thế cho chức năng ga đầu mối Bắc Hồng đã định hướng trong Quy hoạch GTVT Thủ đô là thuận lợi trong khai thác vận hành mạng lưới đường sắt quốc gia.
Phương án quy hoạch này đã được Sở GTVT rà soát, báo cáo UBND TP. Hà Nội và được UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên đối với phạm vi ga Yên Thường có một phần diện tích thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh, do vậy cần có ý kiến thống nhất của UBND tỉnh Bắc Ninh về phương án quy hoạch ga.
Đối với ga đầu mối phía Nam, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết, tại dự thảo quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối hiện chưa xác định quy mô diện tích mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi so với quy mô quỹ đất TP. Hà Nội đã xác định trong các đồ án đã được phê duyệt (khoảng 114ha).
Vì vậy, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội lưu ý cần bổ sung xác định cụ thể quy mô diện tích khu vực dự kiến mở rộng để tích hợp depot của tuyến đường sắt tốc độ cao, bố trí kết hợp các chức năng công nghiệp đường sắt (sản xuất, chế tạo, bảo dưỡng, sửa chữa đầu máy, toa xe, thiết bị,…liên quan đến đường sắt) phục vụ di chuyển các cơ sở hiện có tại khu vực các ga Hà Nội, Giáp Bát, Gia Lâm … ra khỏi khu vực nội đô theo định hướng Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, tại khu vực phía Nam cần nghiên cứu, bổ sung bố trí 1 ga tại đô thị vệ tinh Phú Xuyên trên tuyến đường sắt tốc độ cao để kết nối với cảng hàng không thứ hai Thủ đô và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân khu vực.
Đối với các ga khác, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho rằng, Đồ án cần bổ sung đánh giá sự phù hợp, sự cần thiết, tính khả thi của vị trí quy hoạch một số ga trên mạng lưới như: ga Tây Hà Nội (thuộc tuyến vành đai phía Tây) nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy khó xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật của ga; ga Hà Đông (tuyến vành đai phía Tây) nằm giữa khu vực phát triển đô thị (khu vực Đồng Mai); ga Thạch Lỗi nghiên cứu bổ sung quỹ đất xây dựng ga mới nằm dọc theo tuyến vành đai phía Tây (dự kiến là ga trung gian nối ray giữa tuyến vành đai và tuyến Hà Nội – Lào Cai, đồng thời là hạt nhân đầu mối logistics phía Tây Bắc thành phố); nghiên cứu xây dựng ga Đông Anh thành trung tâm logistics kết nối với cảng hàng không quốc tế Nội Bài...
Về lộ trình đầu tư và phương án tổ chức khai thác vận tải đường sắt, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết, với mục tiêu đầu tư xây dựng để đưa vào khai thác 50% chiều dài mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội vận hành trước năm 2030 trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 1.
Vì vậy Đồ án cần xác định tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông và tổ hợp ga Ngọc Hồi hoàn thành trước năm 2030 để bàn giao hành lang đoạn tuyến xuyên tâm Yên Viên – Ngọc Hồi và các cơ sở vật chất của đường sắt trên tuyến về thành phố Hà Nội đảm bảo đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 đáp ứng tiến độ trên.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn chưa hình thành tuyến đường sắt quốc gia vành đai phía Đông, cũng cần nghiên cứu phương án phân luồng vận tải các tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu đi qua trung tâm thành phố để đảm bảo tiến độ thực hiện chuyển đổi công năng các tuyến đường sắt quốc gia thành đường sắt đô thị tuyến số 1 và số 6.
Đối với quỹ đất phục vụ ngành đường sắt hiện có trong nội thành sẽ phải di dời (như nhà máy xe lửa Gia Lâm, Xí nghiệp đầu máy toa xe Hà Nội…) cần xác định rõ thời điểm di dời và đề xuất cụ thể về địa điểm chuyển đến, quy mô diện tích sử dụng đất cần bố trí làm cơ sở xác định trong các đồ án quy hoạch xây dựng có liên quan đảm bảo thống nhất.
“Ngoài ra, đồ án cũng cần nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách đầu tư như: cơ chế xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (nhượng quyền kinh doanh khai thác, liên doanh, PPP…); cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất từ các dự án (đặc biệt là các đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị, xung quanh các nhà ga đầu mối); cơ chế hỗ trợ các cơ sở công nghiệp đường sắt đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại”, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội lưu ý.