Cụ thể, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen; bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc CTCP Dược Hậu Giang; ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch CTCP Tập đoàn FLC; ông Vũ Dương Hiền, Chủ tịch CTCP Hapaco; ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CCTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC)... là những ứng viên tiêu biểu vào vòng chung kết Giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp (EOY) năm 2014, do EY Việt Nam và VCCI tổ chức
Hội đồng bình xét sẽ chọn ra Top 5 doanh nhân xuất sắc và chỉ một doanh nhân xuất sắc nhất đại diện cho Việt Nam tham dự Giải thưởng EOY Thế giới tại Monaco vào tháng 6/2015. Kết quả sẽ được công bố tại Lễ trao giải - Giải thưởng EY Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp được tổ chức vào tháng 10/2014 tại Hà Nội. Năm ngoái, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai đã đại diện Việt Nam đi dự Giải thưởng EOY thế giới.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, Chủ tịch Hội đồng bình xét Giải thưởng trong buổi giao lưu với các doanh nhân vào vòng chung kết, đã chia sẻ: “Chỉ có một người dành được giải thưởng duy nhất đại diện Việt Nam đi dự giải thưởng quốc tế, nên xin quý vị không buồn và hãy cố gắng phấn đấu cho giải năm sau”. Theo ông Bình, giải thưởng này được đầu tư nghiêm túc, quy trình, phương pháp luận bình chọn khoa học. EOY là giải thưởng thuộc hệ thống giải thưởng EY Entrepreneur Of The Year toàn cầu được tổ chức lần thứ 2 tại Việt Nam, nhằm tôn vinh doanh nhân đã có những thành công lớn và đóng góp cho sự phát triển của đất nước và xã hội.
Cũng tại cuộc giao lưu, ông Choo Eng Chuan, Lãnh đạo dịch vụ tư vấn DN Tư nhân và Gia đình của EY Khu vực Đông Nam Á đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc duy trì và phát triển loại hình DN gia đình ở khu vực Đông Nam Á.
“Nhiều công ty thành công nhất thế giới là những DN gia đình, tức là các công ty mà các thành viên trong gia đình chiếm cổ phần đa số hoặc giữ vai trò chủ chốt trong cơ cấu quản trị của công ty qua nhiều thế hệ như Wal-Mart, Peugeot, BMW Group, Toyota, Samsung, LG, Hyundai, Ford. Trong khi đó, khảo sát của chúng tôi cho thấy, gần 80% các DN gia đình không thể duy trì sau thế hệ thứ 3. Tại Việt Nam, các DN gia đình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, song cũng đang phải đối mặt với những thách thức gia tăng”, ông Choo Eng Chuan nói.
Theo ông Andy Ho, Tổng giám đốc Vina Capital, các DN tư nhân ở Việt Nam có điểm khác biệt đặc thù là ngay cả khi muốn tách chức năng sở hữu và điều hành thì họ cũng khó có thể tìm ra người có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của họ để thuê, giống như các nước có lịch sử phát triển kinh doanh lâu đời. Bởi phần lớn DN Việt Nam hình thành, phát triển từ những năm 1990 đến nay và ông chủ đồng thời cũng là những người điều hành phát triển công ty từ lúc khởi sự cho đến khi lớn mạnh.
Ngay cả với các DN quy mô lớn đã niêm yết thì vẫn đang ở giai đoạn thế hệ thứ nhất quản lý. Và thách thức với DN Việt Nam hiện nay là sự chuyển giao thế hệ quản lý từ thứ nhất sang thứ hai, khi mà con cái của những ông chủ còn trẻ và chưa có kinh nghiệm kinh doanh, dù họ có thuận lợi là được đào tạo bài bản hơn. “Khi tham gia đầu tư vào DN, chúng tôi giúp lãnh đạo DN tìm những người có khả năng điều hành, quản lý về làm việc, giúp cho quá trình chuyển giao thế hệ trong DN được thuận lợi hơn”, Andy Ho nói.
Nhìn dài hạn hơn, doanh nhân tư nhân ở Việt Nam cũng sẽ đứng trước thách thức như các DN ở các nước có nền kinh tế phát triển trước là “Thế hệ ông làm chủ, thế hệ cha là người phát triển, thế hệ cháu là những người bị tiếp quản...”.
Các DN gia đình để phát triển ngày một thịnh vượng qua nhiều thế hệ cần nắm được những quy tắc để phát triển và nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mà “Tinh thần doanh nhân” theo ông Trương Gia Bình, là nền tảng quan trọng cho sự thịnh vượng của một đất nước.