Đừng nhìn vào tuổi của lãnh đạo FPT

(ĐTCK) “Tuổi trung bình của các lãnh đạo tại FPT rất trẻ. Nhưng vấn đề không phải là ở tuổi bao nhiêu bạn sẽ làm gì, mà quan trọng là ở vị trí lãnh đạo, bạn có sáng tạo, nỗ lực, thiết lập được những thay đổi hay không?”.
Đừng nhìn vào tuổi của lãnh đạo FPT Đừng nhìn vào tuổi của lãnh đạo FPT

Với cương vị Chủ tịch Hội đồng bình xét Giải thưởng "EY-Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã có những chia sẻ thẳng thắn về chính mình và FPT, cho những kế hoạch tiếp theo. Tinh thần doanh nhân đó là sự sáng tạo và thiết lập được những đổi thay.

Ông nhìn nhận thế nào về tương lai của ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam?

Từ những năm 2000, Việt Nam có sự bùng nổ về CNTT. Hiện nay, CNTT đã đóng góp khoảng 7% GDP và có sự lan tỏa trong toàn xã hội. Trên thị trường quốc tế, Việt Nam được ghi nhận là 1 trong 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm. Hà Nội và TP. HCM nằm trong Top 10 thành phố mới nổi về CNTT.

Chúng ta đã tạo được thế đứng, có tên trên trường quốc tế. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, năm vừa qua, tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã vượt Ấn Độ, trở thành điểm đến thứ hai được các DN Nhật Bản ưu tiên lựa chọn, sau Trung Quốc.

Những diễn biến như vậy là rất tích cực. Đặc biệt, gần đây nhất, Đảng có Nghị quyết 13 và Chính phủ có Nghị định 16 đặt vai trò CNTT là hạ tầng của hạ tầng quốc gia. Đây là phương thức mới để nâng cao toàn diện sức cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình, tiến vào nền kinh tế trí thức. Về tổng thể, CNTT Việt Nam đang có một tương lai rất sáng.

Vậy, tương lai của FPT như thế nào trong tổng thể này?

Lợi thế của  FPT hiện nay là có mặt tại 14 quốc gia trên thế giới, có một mạng lưới khách hàng, đối tác toàn cầu. Công ty Phần mềm FPT sẽ đạt mốc doanh thu 100 triệu USD trong năm 2013. Những DN FPT đang hợp tác là những DN có tên tuổi ở cả 3 thị trường lớn là Mỹ, Nhật, châu Âu.

Tốc độ tăng trưởng mảng xuất khẩu phần mềm ở thị trường Mỹ liên tục đạt 65% trong vòng 3 năm qua (từ năm 2010-2012), ở Nhật đạt trên 50%... trong 6 tháng đầu năm 2013. Với đà này, FPT rất thuận lợi phát triển vị thế của mình trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, hiện có ý kiến cho rằng, FPT có vẻ khó khăn trong việc hoạch định tương lai bởi đội ngũ lãnh đạo khá cũ?

Thực tế, tuổi trung bình của các lãnh đạo FPT rất trẻ. Có thể thấy, nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn trên thế giới đều ở độ tuổi 50 - 60. Nhưng vấn đề không phải là ở tuổi bao nhiêu bạn sẽ làm gì, mà quan trọng là ở vị trí lãnh đạo, bạn có sáng tạo, nỗ lực, thiết lập được những thay đổi hay không?

Ông có thể chia sẻ về chiến lược của FPT trong thời gian tới?

Thứ nhất, FPT thúc đẩy mạnh mẽ định hướng toàn cầu hóa, hướng tới trở thành công ty toàn cầu. Thị trường trọng tâm gồm có Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Myanmar và khối các nước đang phát triển. FPT đang xây dựng kế hoạch cụ thể và sẽ phê duyệt trong thời gian tới.

Thứ hai, FPT đang theo xu hướng CNTT mới nhất, nền tảng thế hệ thứ 3 bao gồm: mạng xã hội, di động, dữ liệu lớn, điện toán đám mây (SMAC). Hiện FPT đang có nhiều khách hàng như những hãng hàng không lớn hàng đầu thế giới, các công ty tài chính… 

Thứ ba, trở thành nhà cung cấp dịch vụ CNTT tổng thể trong khu vực, trong đó Singapore là thị trường quan trọng nhất phải chinh phục, làm cơ sở để cung cấp dịch vụ cho các thị trường khác trong khu vực.

Thứ tư, dẫn đầu trong triển khai kế hoạch, các chương trình hạ tầng của hạ tầng quốc gia.

Ông có cho rằng chiến lược của FPT trong tương lai quá tham vọng bởi tình hình kinh tế thế giới vẫn đang còn nhiều khó khăn?

Thực sự, thị trường Mỹ có nhu cầu rất lớn. Thị trường Nhật Bản cũng đang tăng trưởng mạnh và đi đôi với một làn sóng mới về công nghệ sẽ là một cơ hội rất lớn cho những công ty như FPT.

Điều gì khiến ông trăn trở trong chiến lược của FPT?

Với một cơ hội lớn, đầu tiên và rất quan trọng là cần có một tinh thần dũng cảm, quyết tâm đi ra thế giới. Thứ hai, là bài toán nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực làm việc toàn cầu khẩn thiết hơn lúc nào hết dù FPT đã và đang  nỗ lực trong vấn đề đào tạo. Thứ ba, cần đội ngũ chuyên gia, tư vấn am hiểu ngành nghề rộng và chuyên sâu: viễn thông, y tế, tài chính công, giáo dục…

Vậy, còn khó khăn của ngành CNTT Việt Nam sẽ là gì, thưa ông?

Ngành CNTT Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, đó là trở thành phương thức phát triển mới của đất nước, bởi bất cứ đề án nào cũng phải dành ngân sách cho CNTT như giáo dục thông minh, giao thông thông minh, thành phố thông minh… Và bằng cách đó, Việt Nam cũng tiến cùng với thời đại. Vấn đề và khó khăn lớn nhất của chúng ta là nguồn nhân lực, cụ thể là đội ngũ chuyên gia công nghệ và chuyên gia chuyên ngành.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục