Sự không rõ ràng của Luật Doanh nghiệp cũng như các quy định liên quan trong việc phân định đâu là quan hệ dân sự, kinh tế, hành vi nào bị coi là phạm tội hình sự, có phải là lý do để ông cho rằng, giới doanh nhân đang đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí như ông nói là “tù nhân dự bị”?
Một trong những hạn chế lớn nhất đang bộc lộ của Luật Doanh nghiệp là không rõ ràng trong phân định những hoạt động nào là hợp pháp và khi nào là phạm pháp. Nếu tình trạng này không được khắc phục, thì giới doanh nhân tiếp tục rơi vào tình trạng như… cá nằm trên thớt, như “tù nhân dự bị”, bởi rất khó biết hành vi nào là đúng, sai, chẳng rõ khi nào là quan hệ dân sự, kinh tế và lúc nào là phạm tội hình sự.
Đơn cử, nếu DN, doanh nhân góp vốn, mua cổ phiếu, trái phiếu của DN khác mà phạm tội kinh doanh trái phép, chỉ vì không có chức năng kinh doanh tài chính, thì có thể khẳng định 99% DN, doanh nhân đã, đang và sẽ góp vốn, mua cổ phiếu, trái phiếu đều có thể phạm tội kinh doanh trái phép theo quy định tại Điều 159 của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Nói như vậy chẳng khác nào Luật Doanh nghiệp đang góp phần hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự?
Luật Doanh nghiệp có những quy định rất tiến bộ. Điển hình như: DN thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm... Những quy định tưởng như đã rất đầy đủ, rõ ràng này của Luật Doanh nghiệp, trên thực tế lại đang trở thành cái bẫy hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Bất cập này khiến giới doanh nhân quan ngại, bởi họ có thể gặp rủi ro bất cứ thời điểm nào, trong những tình huống mà bản thân họ không thể lường được. Đặc biệt là những hoạt động liên quan đến công khai, minh bạch theo các quy định về hoá đơn, chứng từ, hạch toán và nộp thuế.
Luật Doanh nghiệp đang trong quá trình sửa đổi, để trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2014. Vậy theo ông, để khắc phục những bất cập nêu trên, cần sửa đổi Luật này theo hướng nào?
Thực tiễn áp dụng Luật Doanh nghiệp trong thời gian qua cho thấy, một trong những vấn đề quan trọng nhất khi sửa Luật này là phải đạt tới tầm phân định được rõ ràng những hoạt động khi nào là hợp pháp, khi nào là phạm pháp.
Cùng với điều chỉnh các văn bản pháp lý liên quan, Luật Doanh nghiệp sửa đổi phải quy định rõ ràng theo hướng: chỉ kinh doanh những ngành, nghề bị cấm, thì mới phạm tội kinh doanh trái phép.
Còn kinh doanh các ngành, nghề không bị cấm, mà chưa đăng ký kinh doanh, thì chỉ là vi phạm hành chính, tránh tình trạng quy định mù mờ như hiện tại, dẫn đến nguy cơ hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Ông vừa nhắc tới cùng với sửa Luật Doanh nghiệp, cũng cần sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan, vậy có nên sửa đổi Bộ luật Hình sự, để tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự?
Cùng với sửa đổi Luật Doanh nghiệp để khắc phục những bất cập nêu trên, cần tiến đến một bước xa hơn nhằm tháo “vòng kim cô” cho DN, doanh nhân.
Đó là bỏ tội kinh doanh trái phép trong Bộ luật Hình sự. Chỉ xử lý hình sự các hành vi kinh doanh trái phép những ngành, nghề, lĩnh vực, mặt hàng bị cấm theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp lý liên quan như tội trốn thuế; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; hay tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Nếu kinh doanh chưa có phép, hay chưa đủ 7 điều kiện kinh doanh theo quy định tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, gồm: giấy phép kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; chứng chỉ hành nghề; chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; xác nhận vốn pháp định; chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các yêu cầu khác mà DN phải thực hiện hoặc phải có mới được quyền kinh doanh ngành, nghề đó, thì chỉ có thể bị xử lý vi phạm hành chính.
Đồng thời, cũng cần xem xét bỏ “thùng chứa” mọi loại tội phạm liên quan đến kinh tế, đó là quy định về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong Bộ luật Hình sự.
>>Doanh nhân lần đầu chính danh trong Hiến pháp