1. Kế nhiệm “tượng đài” Alan Greenspan, đương kim Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Ben S. Bernanke đang trải qua một nhiệm kỳ đầy khó khăn. Nền kinh tế số một thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái lần đầu tiên kể từ nhiều năm trở lại đây, với cuộc khủng hoảng kéo dài trên thị trường nhà đất, tín dụng, chứng khoán... Đương nhiên, nỗi lo này là của chung toàn cầu.
Thêm một lần Fed quyết định “xuống tay”, với mức cắt giảm lãi suất lớn nhất trong vòng hơn hai chục năm nay. Theo đó, lãi suất tiền gửi ngắn hạn đồng USD từ 4,25%/năm hiện giờ đã giảm thêm 0,75%, xuống còn 3,5%/năm. Bên cạnh đó, hàng loạt các giải pháp khác đang được đề xuất bởi chính phủ Mỹ nhằm đưa nền kinh tế nước này trở lại quỹ đạo. Sau những động thái này, các chỉ số chứng khoán trên thị trường Mỹ, Châu Âu, Châu Á đều đã có những phản ứng nhất định, tuy nhiên vẫn còn lâu mới được như mong đợi.
Tin tức thế giới đưa về không thiếu những lãnh đạo cao cấp của nhiều tập đoàn đã phải khăn gói ra đi, cho dù họ không phải là người hoàn toàn phải chịu trách nhiệm. Trong sự liên thông chưa hoàn toàn nhưng đã đang khởi đầu giữa Việt Nam và thế giới, chứng khoán Việt Nam cũng có những ngày đầy âu sầu và phiền muộn. Nhìn đến những thị trường lớn như Mỹ, các cơ quan quản lý đang gắng sức thực hiện những nỗ lực vực dậy thị trường bằng lời nói, hành động và chính sách cụ thể. Đâu đó, nhiều chuyên gia tài chính Mỹ vẫn cho rằng, những động thái này đáng lẽ phải được thực hành sớm hơn.
Chứng khoán Việt Nam cũng đã đón nhận những tín hiệu đầu tiên về sự hỗ trợ thị trường từ cơ quan quản lý. Nghe nhiều, biết rằng các cơ quan quản lý cũng có chung tâm trạng không vui. Và đã thấy một chút, đang hy vọng sẽ còn nhiều hơn những biện pháp mới. Với niềm tin của mình, tuyệt đối đừng nhà đầu tư nào phát biểu rằng, đến Fed còn đang luống cuống…!
2. Tiếp theo hai ngày đầu tuần kìn kìn trảy gánh về mức xuất phát cách đây một năm, chứng khoán Việt Nam trên cả hai sàn lại đi tiếp những bước xuống thang đầy tâm trạng. Buổi sáng hôm qua, Thứ Năm (24/1), thị trường trải nghiệm một phiên mừng hụt. Hai chỉ số chứng khoán niêm yết đã có một sự mở đầu mang dấu hiệu khả quan hơn, nhưng đến cuối phiên lại vẫn chỉ ghi điểm cho mình bằng dấu trừ, chưa có gì khác hơn. Với việc quay đầu này, tại Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, VN-Index giảm chung cuộc 12,55 điểm, tương đương 1,62%, xuống còn 764,13 điểm. Tân binh mới nhất là PIT, cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex chính thức chào sàn chỉ giúp tăng số lượng chứng khoán niêm yết tại Hose lên 146 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Sau những cố gắng ban đầu, các chứng khoán giảm giá lại nhuộm đỏ sàn Sài Gòn với số lượng gần 100 mã.
Tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số Hastc giảm nhẹ 1,32 điểm (tương đương 0,49%), còn 270,36 điểm. Tuy nhiên, số lượng chứng khoán tăng giá tại đây có đến hơn 80 mã, nhiều gấp hơn hai lần so với số chứng khoán giảm giá. Nhiều cổ phiếu lớn có sự thể hiện đi lên.
Trước đó, phiên giao dịch ngày Thứ Tư (23/1), VN-Index có một phiên suy giảm mạnh để chính thức xuyên thủng ngưỡng 800 điểm. Sự “đồng lòng” giảm giá của gần như toàn bộ chứng khoán niêm yết trên sàn này khiến VN-Index tụt dốc tới 31,06 điểm, tương đương 3,84%, xuống còn 776,68 điểm. Cùng ngày, chỉ số của sàn Hà Nội cũng mất thêm 7,62 điểm tương đương 2,73 điểm, còn 271,68 điểm.
3. Sự thực là VN-Index đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2007 đến nay. Không ai phủ nhận cơ hội mua cổ phiếu lúc này, nhưng điều trớ trêu là hình như còn nhiều người chờ cơ hội tốt hơn nữa. Nhìn lên trên, xuống dưới, nhìn bên trong, bên ngoài… cảm giác chung nhất vẫn còn hồi hộp. Niềm tin vào triển vọng dài hạn được đặt ở thì tương lai, nhưng nền móng ở thì hiện tại vẫn còn đợi nhiều người gia cố.
Trước mắt, non một tuần lễ nữa, Táo Chứng khoán sẽ lên chầu Trời! Nghĩ ngợi vẩn vơ, ối người giật mình, nếu không xắn tay tích cực ngay, khéo báo cáo của Táo quân trình lên Thiên Đình lại không kịp có dòng thành tích: “Năm sau cao hơn năm trước”!.