LienVietPostBank: Vững bước tương lai

(ĐTCK) 12 năm liên tục phát triển là nền tảng chắc chắn giúp LienVietPostBank vững vàng trước những biến động chưa từng có về kinh tế - xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra. Song, quan trọng hơn là khả năng dự liệu những vấn đề phải đối mặt và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó.
LienVietPostBank: Vững bước tương lai

Theo các chuyên gia kinh tế, ngân hàng là lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch Covid-19 nên sẽ có độ trễ. Khách hàng khi khó khăn, giảm sử dụng các dịch vụ, hấp thụ vốn kém, dẫn đến nguồn thu của ngân hàng giảm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thực tế dư nợ tín dụng tính đến hiện tại chỉ tăng 2%, trong khi cùng thời điểm năm trước tăng tới 6,22%.

Bên cạnh đó, nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại do khách hàng gặp khó khăn và thực hiện cho vay ưu đãi hơn nhằm ứng cứu khách hàng, đồng thời ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro sẽ giảm lợi nhuận. Ngoài ra, việc giãn, hoãn nợ và giảm lãi, phí cũng dự báo sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của các ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV dự báo: “Thu nhập của các ngân hàng năm 2020 có thể bị giảm khoảng 30.000 - 34.000 tỷ đồng, tương đương 26 - 30% tổng lợi nhuận năm 2019”.

Trước tình hình hiện tại, Ban lãnh đạo LienVietPostBank đã lên kế hoạch phù hợp trong năm 2020 với dự kiến tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 10.700 tỷ đồng, huy động thị trường 1 đạt 168.000 tỷ đồng, dư nợ thị trường 1 đạt 156.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.700 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức 8%.

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, LienVietPostBank xác định, tiếp tục định hướng tăng trưởng cơ cấu nguồn vốn kỳ hạn dài, ổn định với nhóm đối tượng khách hàng nhỏ lẻ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn thông qua việc linh hoạt cân đối nguồn vốn.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng luôn đảm bảo thanh khoản và tuân thủ các tỷ lệ quy định của NHNN, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng và thanh toán của nền kinh tế theo chu kỳ kinh doanh năm.

LienVietPostBank tiếp tục chú trọng cơ cấu lại danh mục tín dụng, tăng tỷ trọng tín dụng phân khúc khách hàng bán lẻ, phân khúc khách hàng an toàn, hiệu quả; tập trung cho vay đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và NHNN, mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các gói sản phẩm cho các khách hàng vay có sử dụng các dịch vụ tiện ích, cung cấp tổng thể giải pháp dịch vụ tài chính cho từng khách hàng/nhóm khách hàng, tăng cường bán chéo các sản phẩm, dịch vụ khác của Ngân hàng nhằm gia tăng thu nhập và đa dạng hóa nguồn thu.

Trong hoạt động dịch vụ, Ngân hàng đặc biệt chú trọng vào việc cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các tính năng, tăng cường truyền thông tới người tiêu dùng, qua đó quảng bá thương hiệu LienVietPostBank và tăng thu phí nhờ bán chéo các sản phẩm khác như dịch vụ bảo hiểm, thẻ, ngân hàng điện tử, thanh toán...

Ngoài ra, Ngân hàng đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị hành chính sự nghiệp, trường đại học/cao đẳng, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể để mở rộng số lượng người dùng thẻ trả lương, thẻ ATM tích hợp thẻ sinh viên.

Bên cạnh việc tập trung phát triển quan hệ với khách hàng, đối tác, LienVietPostBank sẽ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng kinh doanh bán lẻ, đa dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu và tăng tỷ trọng thu phí dịch vụ.

Để đảm bảo chất lượng tài sản, LienVietPostBank sẽ tăng cường kiểm soát nợ xấu, quyết liệt thu hồi nợ nội bảng, nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp như xử lý tài sản thu giữ, khởi kiện, thi hành án, đảm bảo duy trì nợ xấu ở mức thấp, tăng cường công tác quản trị rủi ro, cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh…

Đồng thời, LienVietPostBank tiếp tục hoàn thành việc nâng cấp, mở mới các chi nhánh/phòng giao dịch theo cấp phép của NHNN, cũng như các kênh giao dịch ngân hàng số, qua đó duy trì lợi thế mạng lưới giao dịch trong Top lớn nhất của hệ thống các ngân hàng thương mại tại Việt Nam nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng, đặc biệt là cho vay bán lẻ trên hệ thống phòng giao dịch.

LienVietPostBank cũng chú trọng công tác quản trị nguồn nhân lực, hướng tới cải tiến và tăng năng suất lao động toàn hệ thống trên cơ sở tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng nhân sự tại các đơn vị.

Tăng cường tuyển dụng nhân sự đầu vào có chất lượng, có khả năng gắn bó lâu dài, đồng thời nghiên cứu đề xuất các chính sách đãi ngộ hấp dẫn để giữ chân các nhân sự tốt.

“Với những định hướng nêu trên, LienVietPostBank xác định mục tiêu năm 2020, các chỉ tiêu kinh doanh tiếp tục tăng trưởng, phát triển theo định hướng bán lẻ, đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, ổn định, bền vững, đồng thời luôn tuân thủ các chỉ đạo, quy định của NHNN”, ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực, Tổng giám đốc LienVietPostBank chia sẻ.           

Những dấu ấn năm 2019

1. Tổng tài sản đạt hơn 202.000 tỷ đồng, giữ vững vị thế Top 10 Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có tổng tài sản lớn nhất hệ thống.

Trên cơ sở tăng trưởng mạnh mẽ của quy mô hoạt động, tăng từ 388 điểm giao dịch năm 2018 lên 538 điểm giao dịch năm 2019, tổng tài sản của LienVietPostBank cũng không ngừng gia tăng, đạt hơn 202.000 tỷ đồng tính đến 31/12/2019, tăng 15% so với thời điểm 31/12/2018.

2. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 12.580 tỷ đồng, tăng gần 2.400 tỷ đồng so với năm 2018.

Năm 2019, LienVietPostBank là một trong số ít ngân hàng thương mại cổ phần phát hành thành công cổ phiếu mới ra thị trường. Thông qua việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu mới, Ngân hàng đã nâng mức vốn điều lệ từ 7.500 tỷ đồng lên 8.881 tỷ đồng, góp phần gia tăng đáng kể nguồn vốn chủ sở hữu và đóng góp thêm một nguồn vốn lớn, ổn định vào nguồn vốn hoạt động của
Ngân hàng.

3. Huy động đạt 184.000 tỷ đồng, tăng gần 24.000 tỷ đồng so với năm 2018.

Năm qua, LienVietPostBank tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng huy động vốn tốt theo định hướng tập trung tăng trưởng nguồn vốn nhỏ lẻ, kỳ hạn dài và ổn định, giúp cung ứng nguồn vốn hoạt động dồi dào để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng. Đến 31/12/2019, tổng huy động vốn đạt gần 184.000 tỷ đồng, trong đó nguồn huy động vốn từ tổ chức và dân cư đạt gần 166.200 tỷ đồng.

4. Dư nợ tín dụng đạt hơn 143.200 tỷ đồng, tăng hơn 21.000 tỷ đồng so với năm 2018.

Tính đến 31/12/2019, tổng dư nợ tín dụng của LienVietPostBank đạt hơn 143.200 tỷ đồng, tăng hơn 21.000 tỷ đồng so với năm 2018, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của NHNN. Để đạt được kết quả tích cực này, trong quá trình triển khai sản phẩm, dịch vụ, LienVietPostBank luôn chú trọng cụ thể hoá và cải tiến các quy định, điều kiện cho vay tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, rút ngắn thời gian xét duyệt, đa dạng hoá sản phẩm để mở rộng cho vay đối với khu vực này.

5. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.039 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức kế hoạch và là mức cao nhất trong 11 năm hoạt động.

Năm 2019, lần đầu tiên trong 11 năm hoạt động, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank vượt mốc 2.000 tỷ đồng, lên mức 2.039 tỷ đồng. Đây là thành quả cho những nỗ lực không ngừng của toàn thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Ngân hàng, đánh dấu bước ngoặt lớn trong chặng đường phát triển của LienVietPostBank.

6. Thu dịch vụ tăng trưởng bứt phá, cao gấp 2,5 lần so với năm 2018, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, đạt mức cao nhất trong 11 năm hoạt động.

Năm 2019, song song với việc tận dụng lợi thế mạng lưới giao dịch trên khắp cả nước,
LienVietPostBank tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ đối với các dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử, Ví Việt, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng, mang đến các dịch vụ tài chính tốt nhất cho khách hàng. Nhờ đó, thu dịch vụ của Ngân hàng tăng trưởng vượt bậc, đạt mức cao nhất kể từ khi hoạt động đến nay. Trong đó, dịch vụ bảo hiểm tiếp tục là trọng tâm với mức thu phí đại lý bảo hiểm tăng 2,5 lần so với năm 2018.

7. Thanh khoản luôn ổn định, các tỷ lệ an toàn luôn đảm bảo theo quy định, được NHNN chấp thuận áp dụng Basel II trước thời hạn.

Với phương châm thượng tôn pháp luật, LienVietPostBank luôn nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo, tuân thủ mọi quy định và đảm bảo duy trì các chỉ tiêu an toàn hoạt động của NHNN đề ra. Ngày 29/11/2019, NHNN ra quyết định chấp thuận cho LienVietPostBank áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn trước thời hạn theo chuẩn Basel II. Đây là cột mốc rất quan trọng cho thấy Ngân hàng đáp ứng được các nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định, bền vững, nâng cao vị thế cạnh tranh của Ngân hàng trên thị trường.

8. Tiếp tục phủ sóng mạnh mẽ tới các quận, huyện trên cả nước

Với mục tiêu trở thành Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam, năm 2019, LienVietPostBank tiếp tục tập trung phát triển mạng lưới phòng giao dịch tới tận các huyện vùng sâu, vùng xa trên cả nước, theo đó hoàn thành mở thêm 147 phòng giao dịch, nâng tổng số chi nhánh/phòng giao dịch lên con số gần 540 - là ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới lớn nhất tại Việt Nam.

9. Được ghi nhận với các giải thưởng trong nước và quốc tế

Với những kết quả ấn tượng trong hoạt động kinh doanh, năm qua, LienVietPostBank nhận được nhiều giải thưởng quan trọng trong nước và quốc tế như: giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2019 (VDA 2019) do Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam trao tặng; giải thưởng “Ngân hàng số tiêu biểu” năm 2019 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) trao tặng; giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ phát triển nhanh nhất Việt Nam 2019” do Tạp chí Tài chính quốc tế
International Finance Magazine (IFM) - Vương quốc Anh trao tặng…              

Hà An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục