Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn lại lùi thời điểm vận hành thương mại

Do tiến độ vận hành thử Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn không đạt kế hoạch đề ra, nên có thể tới tháng 8/2018, siêu dự án này mới vận hành thương mại.

Lỗi hẹn chạy thử

Báo cáo về các dự án đang triển khai của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, tiến độ vận hành thử Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn không đạt kế hoạch đề ra. Dự kiến mới là vào tháng 8/2018, dự án này mới có thể vận hành thương mại.

Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn lại lùi thời điểm vận hành thương mại  ảnh 1

Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD. Ảnh: Hà Duy 

Trước đó, Dự án có quy mô hơn 9 tỷ USD này có kế hoạch vận hành thương mại vào tháng 7/2017, sau đó lùi đến quý IV/2017.

Tiến độ tổng thể của hợp đồng EPC do nhà thầu EPC thực hiện đã đạt 96,6%; khối lượng công việc còn lại theo quy định của Hợp đồng chủ yếu là bàn giao phụ tùng, vật tư dự phòng 2 năm, sửa chữa các lỗi kỹ thuật, hỗ trợ chủ đầu tư chạy thử… Nhà thầu cũng đang phối hợp với chủ đầu tư chạy thử các hệ thống phụ trợ theo quy định trong Hợp đồng.

Tuy nhiên, do hiện vẫn còn những tồn tại kỹ thuật ở khu vực này, nên công tác chạy thử chưa hoàn thành.

Trước đó, vào ngày 30/4/2017, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã chấp thuận và phê duyệt Giấy chứng nhận hoàn thành cơ khí tổng thể của Dự án.

Điểm chuyển giao rủi ro của dự án từ nhà thầu EPC sang NSRP được tính từ ngày 8/5/2017, nghĩa là từ thời điểm này, NSRP sẽ kiểm soát, bảo quản và bảo dưỡng nhà máy.

Ở Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, chủ đầu tư sẽ là bên chịu trách nhiệm chạy thử nhà máy và các công việc đang được tiến hành khẩn trương.

Tuy nhiên, tiến độ chạy thử hiện rất chậm, mới đạt 42,9% kế hoạch. Nguyên nhân là do phát sinh một số vấn đề kỹ thuật trong quá trình chạy thử và việc xử lý, sửa chữa các lỗi này bị chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Do đó, mốc nghiệm thu sơ bộ của Dự án có thể tới quý III/2018 mới hoàn thành.

Dẫu vậy, công tác chuẩn bị cho vận hành vẫn được NSRP tiếp tục đẩy nhanh ở các khâu đào tạo nhận lực, xây dựng sơ đồ chạy thử, hoàn thiện quy trình trình chạy thử, vận hành, bảo dưỡng, các thủ tục pháp lý về an toàn, môi trường…

Dung Quất lo bị cạnh tranh

Hiện Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã giải ngân được 8,008 tỷ USD. Trong đó, vốn vay của các ngân hàng đã giải ngân đạt 4,278 tỷ USD và các bên đã góp đầy đủ vốn điều lệ đăng ký là 2,4 tỷ USD. Dự án cũng đã nhận 1,33 tỷ USD từ các bên cho vay thứ cấp.

Vào ngày 13/11/2017, PVN và NSRP đã ký hợp đồng dịch vụ. Theo đó, NSRP sẽ chi trả một phần chi phí bao tiêu, còn lại hai bên thống nhất sẽ xử lý tiếp trong Hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Để phục vụ công tác bao tiêu sản phẩm, Chi nhánh bao tiêu sản phẩm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang triển khai các công việc liên quan để thực hiện hợp đồng ngay khi Nhà máy có sản phẩm bán ra thị trường.

Theo kế hoạch được nhắc tới hồi giữa tháng 11/2017 của NSRP, tổng khối lượng dầu thô dự kiến được đưa vào chế biến năm 2018 là khoảng 6,4 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ dự kiến khoảng 5,3 triệu tấn sản phẩm (gồm 1,7 triệu tấn LPG; 1,49 triệu tấn xăng; 2,7 triệu tấn dầu...).

Các sản phẩm đầu ra được bao tiêu bởi các nhà bao tiêu dài hạn trên cơ sở các thỏa thuận bao tiêu dài hạn (được ký từ năm 2013).

Với khối lượng sản phẩm này, công tác bán hàng cũng là một thách thức không nhỏ cho xuất sản phẩm đường bộ chỉ đáp ứng được 5% sản lượng sản phẩm còn luồng tàu và tải trọng tàu vào nhận hàng phụ thuộc tình trạng cảng.

Theo tính toán của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cần khoảng 300 chuyến tàu/năm để thực hiện việc mua bán sản phẩm của NSRP và con số này là khá căng thẳng trong điều kiện luồng tàu hiện nay của Nghi Sơn mới chỉ đáp ứng được một chiều, nghĩa là tàu vào thì không có tàu ra hoặc ngược lại.

“Petrolimex đã tìm hiểu và đánh giá tình hình từ 6 tháng trước, nhưng việc giải quyết các khó khăn này không nằm ở phía Petrolimex”, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho hay.

Bên cạnh đó, dù chưa chốt được ngày có sản phẩm chính thức của NSRP, song Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã lo lắng về khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Cuối tháng 12/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã bày tỏ sự băn khoăn này tới Chính phủ khi nhắc tới đề xuất thu điều tiết sản phẩm xăng dầu nói chung được Bộ Tài chính đưa ra liên quan đến câu chuyện Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động.

“Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có cam kết được hưởng ưu đãi 3% đối với hóa dầu, 5% đối với LPG và 7% đối với xăng dầu và Chính phủ cũng đã cam kết về tính ổn định của chính sách áp dụng đối với Nghi Sơn trong vòng 10 năm.
Trong khi đó, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phải nộp thu điều tiết mà thực chất đây là khoản thu thuế nhập khẩu đối với hàng hóa sản xuất nội địa, nên sẽ tạo ra sự mất bình đẳng về chính sách và cạnh tranh không bình đẳng ngay trên thị trường nội địa”, đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục