Còn nhiều “điểm nghẽn” tại siêu dự án 9 tỷ USD Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, quy mô hơn 9 tỷ USD đang ở vào giai đoạn xây dựng cuối cùng trước khi vận hành thương mại.     
Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang trên đường về đích. Ảnh: Sĩ Chức Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang trên đường về đích. Ảnh: Sĩ Chức

Đã giải ngân 6,7 tỷ USD

Tính đến cuối năm 2016, tiến độ tổng thể Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đạt 94,4% - chậm 5,6% so với kế hoạch. Cụ thể, riêng tiến độ thiết kế và chế tạo đạt gần 100%; tiến độ phần xây lắp đạt 98,7%; công tác tiền chạy thử đạt 60%.

Nguyên nhân có phần do nhà thầu đã không thể đạt được mốc hoàn thành cơ khí như quy định trong hợp đồng EPC.

Dẫu vậy, hiện nay các bên đang phối hợp thường xuyên, nỗ lực hết sức trong phạm vi nguồn lực cho phép để đảm bảo các mốc tiến độ, các hạng mục ưu tiên cho chạy thử để giảm thiểu tác động đến mốc vận hành thương mại.

Tại siêu dự án này, có 52 vấn đề phát sinh của Hợp đồng EPC, với chi phí khoảng 81 triệu USD và đang được làm rõ, đàm phán với nhà thầu.

Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị chạy thử vận hành nhà máy, gồm đào tạo nhân lực, xây dựng sơ đồ tổ chức chạy thử, hoàn thiện quy trình chạy thử, vận hành, bảo dưỡng, các thủ tục pháp lý về an toàn, môi trường, phòng cháy - chữa cháy…

Tại dự án này, vào tháng 8/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu NSRP lắp đặt bổ sung thêm hồ điều hòa, trang bị bổ sung hệ thống camera và giám sát tự động liên tục cho hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy.

Theo đánh giá của PVN, những yêu cầu này chưa được NSRP báo cáo chính thức lên các bên góp vốn, cũng như có thể dẫn tới kéo dài tiến độ xây dựng dự án và đặc biệt là có thể vi phạm điều khoản ổn định pháp luật tại Cam kết bảo lãnh của Chính phủ (GGU) đã cấp cho Dự án, bởi đây là những yêu cầu bổ sung so với nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không có trong quy định pháp luật trước thời điểm ban hành GGU.

Lo điểm nghẽn

Vấn đề phân phối sản phẩm của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn quy mô 10 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm được xem là gánh nặng không nhỏ cho các bên tham gia dự án cũng như cho phía PVN.

Còn nhiều “điểm nghẽn” tại siêu dự án 9 tỷ USD Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn  ảnh 1

 Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến sẽ đi vào vận hành chạy thử từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2017, vận hành thương mại từ tháng 7/2017

Để chuẩn bị cho việc chính thức thực hiện bao tiêu sản phẩm của NSRP vào quý III/2017,  PVN và NSRP đang triển khai đàm phán các vấn đề liên quan đến hạ tầng giao nhận và các công việc thực tế trong bao tiêu sản phẩm.

Theo kế hoạch, PVN sẽ thành lập Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn thuộc Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để thực hiện các công việc liên quan đến bao tiêu sản phẩm.

Cũng để thúc đẩy phân phối sản phẩm của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, hai đối tác nước ngoài là KPI và IKC đã thành lập Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 và đã được cấp phép hồi tháng 4/2016. Mong muốn về một liên doanh với PVN tuy có, nhưng các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối, dù đã nhiều lần đàm phán.

Nếu Công ty NSRP không có giải pháp nâng cấp chất lượng sản phẩm để đáp ứng Tiêu chuẩn Việt Nam mức 4 trước ngày 1/1/2017 và mức 5 trước ngày 1/1/2021, thì sản phẩm của NSRP không đáp ứng yêu cầu của hợp đồng.

Một vấn đề khác cũng được quan tâm là tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm được sản xuất ra. Theo kết luận tại cuộc họp ngày 7/11/2016 của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, giai đoạn 2017 - 2022 sẽ áp dụng 2 mức chất lượng xăng dầu là tiêu chuẩn mức 2 (Euro 2) với sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và tiêu chuẩn mức 4 (Euro 4) cho phần còn lại là sản phẩm xăng dầu của các nhà máy lọc dầu, cơ sở chế biến dầu khí đi vào hoạt động sau khi Quyết định 49/2011/QĐ-TTg có hiệu lực.

Như vậy, sản phẩm xăng dầu của NSRP phải áp dụng tiêu chuẩn Euro 4.

Bộ Công thương cho biết, hồi năm ngoái, NSRP đã có công văn khẳng định “tiêu chuẩn thiết kế về chất lượng sản phẩm xăng dầu của nhà máy không đáp ứng đầy đủ Tiêu chuẩn Việt Nam mức 4 và mức 5", đề nghị Chính phủ "nới lỏng các tiêu chuẩn sản phẩm".

Bộ Công thương, khi đó cũng cho hay, về mặt pháp lý, căn cứ theo Hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiên liệu cho Dự án này, tiêu chuẩn sản phẩm của NSRP phải đáp ứng Tiêu chuẩn Việt Nam tại thời điểm bao tiêu. Tuy nhiên, so với Tiêu chuẩn Việt Nam đã ban hành, sản phẩm xăng dầu của NSRP có một số chỉ tiêu chưa đạt mức Tiêu chuẩn Việt Nam cấp 4. Thậm chí, có khoảng 1,5 triệu tấn dầu DO của công ty này chỉ đạt mức 3 về chỉ tiêu hàm lượng lưu huỳnh.

Như vậy, nếu Công ty NSRP không có giải pháp nâng cấp chất lượng sản phẩm để đáp ứng Tiêu chuẩn Việt Nam mức 4 trước ngày 1/1/2017 và mức 5 trước ngày 1/1/2021, thì sản phẩm của NSRP không đáp ứng yêu cầu của hợp đồng.

Một vấn đề khác là cung cấp nước sạch cho Dự án theo cam kết bảo lãnh của Chính phủ trong GGU còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cả về chất lượng và số lượng.

Báo cáo của PVN cho hay, tính tới hết năm 2016, năng lực cấp nước của Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh - đơn vị cấp nước cho Dự án - chỉ đạt khoảng 25.000 - 27.000 m3 nước thô/ngày đêm, tương đương 22.000 m3 nước sạch. Trong khi đó, theo cam kết phải đạt 30.000 m3 nước sạch/ngày đêm. 

Chất lượng nước hiện cũng không phù hợp với quy định trong GGU (áp dụng quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT) và Công ty Bình Minh cũng chưa tuân thủ các quy định hiện hành về tiến hành công bố hợp quy với chất lượng nước.

Tính đến hết năm 2016, Dự án hơn 9 tỷ USD này đã giải ngân được hơn 6,7 tỷ USD. Trong đó, vốn vay từ ngân hàng đã giải ngân là 3,7 tỷ USD; vốn góp từ các bên đối tác là 2,4 tỷ USD, vốn điều lệ đăng ký - trong đó phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là 602,4 triệu USD và vốn vay thứ cấp được các bên cho vay là 760 triệu USD. 

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục