Lên sàn, bao nhiêu ngân hàng gọi được vốn mới?

(ĐTCK) Các ngân hàng mong chờ lên sàn sẽ tạo thanh khoản tốt hơn cho cổ phiếu và huy động vốn hiệu quả, nhưng xem ra khó đạt được như kỳ vọng.
Lên sàn, bao nhiêu ngân hàng gọi được vốn mới?

Đưa cổ phiếu lên sàn được xem là một giải pháp nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn. Bởi với các quy định chặt chẽ về nghĩa vụ công bố thông tin sẽ giúp nhà đầu tư có cơ sở để đánh giá chính xác hơn về tình hình hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, các nhà băng niêm yết trong thời gian qua không dễ dàng gọi dòng vốn mới. Hoạt động kinh doanh ngân hàng dù đã tích cực hơn, nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định nên nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, vì vậy không dễ phát hành gọi vốn mới.

Không chỉ nhà băng nhỏ, mà ngay cả ngân hàng đã có tiềm lực vốn lớn như Vietinbank, BIDV, ACB, VPBank, MB, OCB, Techcombank… chủ yếu tăng vốn điều lệ thông qua chia thưởng cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Cá biệt, BIDV vừa chốt phát hành hơn 603,3 triệu cổ phiếu (ứng với 15% vốn điều lệ ngân hàng) cho đối tác nước ngoài là KEB Hana Bank, dự kiến thu về gần 20.300 tỷ đồng.

Theo giới phân tích, việc mở room ngoại sẽ tạo điều kiện để ngân hàng huy động vốn, đặc biệt từ nước ngoài dễ hơn, khi đó cổ phiếu nhóm ngành này sẽ hút dòng tiền và trở thành tâm điểm thực sự. Còn việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chưa hẳn kỳ vọng huy động thêm vốn đã thành công.

Thực tế, nhiều nhà băng đã chọn cách lấp room ngoại trước khi niêm yết trên sàn. Chẳng hạn, trước khi niêm yết đầu năm 2018, HDBank bán trên 21% cổ phần cho không dưới 10 nhà đầu tư ngoại, thu về 300 triệu USD (hơn 6.800 tỷ đồng). Việc nhận sáp nhập PGBank sẽ được hoàn thành tới đây cũng giúp room ngoại đã lấp kín tại HDBank trống ra khoảng 900 tỷ đồng mệnh giá, tương đương khoảng 7%. Điều này sẽ làm tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu HDBank.

Tương tự, Techcombank lấp kín room ngoại bán cổ phần cho Warburg Pincus, thu về 370 triệu USD trước niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2018.

OCB, hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại chỉ chiếm 5% trong hạn mức 30% theo quy định, nên còn nhiều cơ hội cho cổ đông ngoại và ngân hàng chốt room ngoại trước khi niêm yết.

Tại Nam A Bank, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc cũng cho hay, Ngân hàng sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết cổ phiếu. Năm 2018, Nam A Bank có kế hoạch tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, song chưa hoàn tất, nên sẽ tiếp tục triển khai trong năm nay, trong đó có hút vốn nước ngoài.

TS. Nguyễn Văn Thuận, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, quá trình thoái vốn ở lĩnh vực ngân hàng tiếp tục được thúc đẩy, nhằm đáp ứng lộ trình thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như lộ trình của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng tăng trong thời gian tới khi hoạt động tích cực, song chỉ ở nhà băng lớn, nhưng cũng khó tăng nhanh, nhất là ngân hàng nhỏ, nợ xấu tồn đọng.

Đánh giá về triển vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh khá mạnh thời gian qua nên cơ hội đầu tư đón đầu trong nửa cuối năm.

Đây cũng là mùa kinh doanh cao điểm của ngành ngân hàng và lợi nhuận hai quý cuối năm luôn tăng cao hơn. Tuy nhiên, giá cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhà băng. Đà hồi phục chủ yếu rơi vào những cổ phiếu của ngân hàng có quy mô lớn, lợi nhuận tốt, nợ xấu xử lý nhanh như VCB, ACB, MB...

Nhà đầu tư hiện nay đã có cái nhìn khá sát với thực tế hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, chứ không chỉ với thông tin lên sàn sẽ thu hút được nhà đầu tư. Vì thế, các ngân hàng mong chờ lên sàn sẽ tạo thanh khoản tốt hơn cho cổ phiếu và huy động vốn hiệu quả, nhưng xem ra khó đạt được như kỳ vọng.            

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục