Lên kế hoạch săn quỹ đất mới

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi một số chủ đầu tư phải tái cấu trúc để tồn tại bằng cách bán dự án, bán tài sản, thì cũng có không ít doanh nghiệp vươn lên với vai trò bên đi “săn”.
Lên kế hoạch săn quỹ đất mới

Dù thị trường vẫn bộn bề khó khăn, phần lớn giới đầu tư trong trạng thái thăm dò, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đi tìm mua lại quỹ đất. Chẳng hạn, Tập đoàn Ecopark đang đàm phán mua lại Công ty TNHH Sông Thao - chủ đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ).

Cụ thể, trong một cuộc họp hồi giữa tháng 12/2023 với lãnh đạo UBND tỉnh, chủ Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Thanh Thủy cho biết, dự án được UBND tỉnh giao thực hiện từ năm 2002 và được cấp phép xây dựng các hạng mục công trình như nhà máy nước khoáng, nhà hàng, khách sạn và nhà sàn. Tuy nhiên, đến nay một số hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng và gần như không có khả năng kinh doanh thương mại.

Để dự án phát huy hiệu quả, Công ty Sông Thao đang phối hợp với Tập đoàn Ecopark làm các thủ tục chuyển nhượng dự án. Sau khi hoàn tất, Công ty Sông Thao sẽ được đổi tên thành Công ty Ecopark Sông Thao và cấp giấy chứng nhận mới. Đồng thời điều chỉnh, lập lại quy hoạch Dự án Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Thanh Thủy với quy mô 65 ha.

Tại phía Nam, Tập đoàn Ecopark đang đề xuất với tỉnh Đồng Nai về việc đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái Nhơn Trạch, tổng diện tích khoảng 3.800 ha.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc khác cũng công bố các kế hoạch nhận chuyển nhượng dự án, quyền sử dụng đất... nhằm gia tăng quỹ đất - một trong những yếu tố đánh giá tiềm lực phát triển trong tương lai.

Với Tập đoàn Bất động sản An Gia, năm 2024, doanh nghiệp cho biết sẽ dịch chuyển chiến lược quản trị và kinh doanh từ “thận trọng và ứng phó” sang “chủ động và thích ứng” để bứt phá trong bối cảnh cán cân năng lực giữa các doanh nghiệp trong ngành có sự thay đổi.

Doanh nghiệp này cho biết, họ đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng quỹ đất sạch, ưu tiên các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, phù hợp phát triển dự án vừa túi tiền và thời gian triển khai nhanh. Đại diện An Gia chia sẻ về hai quỹ đất tiềm năng tại quận 8 và TP. Thủ Đức (TP.HCM) đang trong quá trình thẩm định chuyên sâu, dự kiến cung cấp hơn 4.000 sản phẩm ra thị trường.

Trong khi đó, với Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, chiến lược mà doanh nghiệp này đang thực hiện là vừa bán đi một phần quỹ đất để tìm đối tác cùng phát triển, đồng thời là một nhà phát triển quỹ đất thông qua hoạt động M&A của công ty con.

Trong kế hoạch mà HĐQT Công ty vừa thông qua, Nhà Khang Điền sẽ chi 350 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 99% vốn điều lệ Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Lộc Minh - chủ sở hữu Dự án khu nhà ở cao tầng Công ty Lộc Minh, diện tích 1,9 ha, tại TP. Thủ Đức, thông qua công ty con là Saphire.

Trước đó, Nhà Khang Điền ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Keppel tại 2 dự án Emeria và Clarita, bán 49% vốn với tổng giá trị ước tính 187 triệu SGD (hơn 3.400 tỷ đồng). Hai bên dự kiến phát triển dự án trên quỹ đất 11,8 ha, với tổng chi phí khoảng 10.200 tỷ đồng, cung cấp hơn 200 căn nhà liên kế, hơn 600 căn hộ cao tầng.

Thậm chí, Tập đoàn Novaland - doanh nghiệp đang trong quá trình tái cấu trúc nợ, cũng không ngừng đề xuất dự án mới. Mới đây, doanh nghiệp này đề xuất đầu tư một tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng rộng gần 437 ha tại khu vực Mũi Yến (tỉnh Bình Thuận). Novaland cũng đang tích cực làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về dự án khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Cao nguyên Lâm Viên mà doanh nghiệp đề xuất từ năm 2022.

Các thành viên trên thị trường nhận định, đến thời điểm hiện tại, tuy chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, nhưng thị trường bất động sản đã bớt ngột ngạt hơn. Cơ hội luôn được trao cho những doanh nghiệp có đủ tiềm lực.

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services, trong 2 năm 2022 và 2023, ghi nhận số lượng lớn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, song cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp còn ở lại và doanh nghiệp mới. Dù vậy, đây là thời điểm mà cả doanh nghiệp lẫn khách hàng cần duy trì tâm lý thận trọng, không quá cực đoan trước những thông tin chưa tích cực, cũng không nên quá lạc quan trước các tín hiệu ảo.

M&A dự án được các chuyên gia đánh giá là cơ hội cho khối nội có tài chính mạnh mở rộng quỹ đất, khối ngoại mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính sớm có dòng tiền để chi trả chi phí, tái cấu trúc nợ và tiếp tục hoạt động.

Tuy nhiên, hoạt động M&A nhìn chung vẫn nằm trong tay khối ngoại. Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản trong giai đoạn 2024 - 2026, nhiều giao dịch đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực. Khẩu vị đầu tư là dự án có quỹ đất sạch, chất lượng tốt, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục